Doanh nhân Lê Thành "thâu tóm" giấy Tân Mai

07/07/2020 16:16 PM | Kinh doanh

Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta. Tuy vậy hoạt động kinh doanh doanh của công ty đã đình trệ và thua lỗ liên tục trong những năm qua.

Cuối năm 2019, cơ cấu sở hữu của CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group – một doanh nghiệp lớn của ngành giấy Việt Nam) đã có sự thay đổi đáng kể khi nhóm cổ đông nắm quyền chi phối liên quan đến ông Trần Đức Thịnh đã bán ra toàn bộ cổ phần. Theo đó vợ, con trai ông Thịnh cùng CTCP Đồng Nai đã bán toàn bộ 51 triệu cổ phiếu, tương đương 58% cổ phần vào ngày 14/12/2019.

Bên mua là ông Lê Thành – Viện trưởng viện Kinh tế xanh trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ông Thành hiện đang tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát) hay Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1 – hiện đã từ nhiệm)…

 Doanh nhân Lê Thành thâu tóm giấy Tân Mai  - Ảnh 1.

Ông Lê Thành phát biểu tại lễ khởi công KCN Việt Phát doCTCP Tân Thành Long An làm chủ đầu tư. Ảnh: The Manager

Ông Lê Thành đã mua lại tổng cộng 55 triệu cổ phiếu, tương đương 61,7% cổ phần của Tân Mai, qua đó nắm quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp này. Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào Tháng 1/2020 của Tân Mai đã bầu ông Thành vào vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc thay cho người tiền nhiệm Trần Đức Thịnh.

Hiện Tân Mai còn 2 cổ đông lớn nhà nước là Tổng Công ty Giấy Việt Nam (22,74%) và Nhà xuất bản giáo dục (8,1%). Đáng chú ý là Tổng công ty giấy đã phủ quyết việc bầu ông Thành vào HĐQT.

Sau khi lên nắm quyền, ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật tại loạt công ty con thuộc hệ sinh thái của Tân Mai Group, gồm: CTCP Tân Mai miền Trung, CTCP Tân Mai Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên và CTCP Tân Mai miền Đông.

Với bề dày kinh nghiệm sẵn có, sự xuất hiện của doanh nhân Lê Thành được kỳ vọng sẽ mang luồng gió tươi mới và đưa Tân Mai Group – một doanh nghiệp có lịch sử lâu đời trong ngành giấy, thoát khỏi cục diện khó khăn với khoản lỗ trăm tỷ như hiện tại.

Tân Mai từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam cùng với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta. Tuy vậy hoạt động kinh doanh doanh của công ty đã đình trệ và thua lỗ liên tục trong những năm qua. Từ mức doanh thu lên đến trên 2.000 tỷ đồng của năm 2010-2011, đến năm 2018, doanh thu của công ty chỉ còn chưa đến 30 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2018, công ty có lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế đã giảm đáng kể khi trong năm 2017 công ty ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.

 Doanh nhân Lê Thành thâu tóm giấy Tân Mai  - Ảnh 2.

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Tân Mai đạt gần 7.900 tỷ đồng thì có tới 6.400 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, chủ yếu là đầu tư xây dựng nhà máy của công ty Tân Mai Miền Trung, Tân Mai Miền Đông và nhà máy bột giấy Tân Mai Tây Nguyên. Dù đã đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng – chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng – nhưng hầu hết các dự án này đều chậm tiến độ và thậm chí đã bị chính quyền địa phương ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

Hệ quả của việc các dự án đình trệ là nguồn trả nợ không có. Đến 31/12/2018, Tân Mai và các công ty con có gần 656 tỷ đồng nợ gốc và 500 tỷ đồng lãi vay quá hạn chưa thanh toán.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài đã khiến hơn 2.748,91 ha rừng trồng nguyên liệu giấy thuộc dự án mà Tân Mai Group hợp tác với Binh đoàn 16 bị chết khô. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 102,2 tỷ đồng và hiện chưa được ghi nhận vào kết quả kinh doanh.

Với ngành nghề kinh doanh chính không mấy khả quan cùng khối nợ rất lớn thì Tân Mai vẫn còn có sự hấp dẫn nhất định ở quỹ đất lớn mà doanh nghiệp này đang nắm giữ.

Những năm vừa qua, Tân Mai đã thực hiện hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp bất động sản để khai thác quỹ đất của mình. Điểm chung tại phần lớn dự án này là việc Tân Mai group tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên danh, trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.

Năm 2013, doanh nhân Mai Hữu Tín cũng đã tiến hành mua lại cổ phần và nợ của Giấy Sài Gòn – một tên tuổi khác của ngành giấy cũng gặp khó khăn khi đó với số lỗ lũy kế lên đến vài trăm tỷ đồng. Hoạt động tái cơ cấu Giấy Sài Gòn mang về kết quả chỉ sau chưa đầy 5 năm. Đến năm 2018, tập đoàn Sojitz của Nhật Bản đã mua lại hơn 95% cổ phần của công ty.

Trương Lương

Cùng chuyên mục
XEM