Doanh nghiệp Thái chỉ ra 2 điểm yếu cố hữu của hàng Việt khi "mang chuông đánh xứ người"
2 điểm yếu “chết người” của hàng Việt khi xuất ngoại đó là: Thiếu đại lý phân phối và bao bì còn hạn chế.
Từ trước tới nay, người ta vẫn nhắc đến câu chuyện hàng Thái tràn vào Việt Nam, đặc biệt sau khi hai đại gia bán lẻ Thái Lan là Central Group và BJC lần lượt mua lại chuỗi Big C và Metro tại Việt Nam.
Tuần trước, hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã “mang chuông đi đánh xứ người” tại một Hội chợ quốc tế tại Thái Lan. Tại đây, sản phẩm của các doanh nghiệp như Vinamit, Bích Chi, gốm sứ Minh Long, Biti’s, Cỏ May…được nhiều người quan tâm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt giới thiệu các sản phẩm Việt tới bạn bè quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp Thái đã kết nối với các doanh nghiệp Việt.
Bà Helen Hoi Wong, Đại diện khối Kinh doanh Quốc tế - Tập đoàn BJC cho biết: “Hôm nay tôi gặp doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam về bánh phở, socola và trái cây sấy… Chúng tôi dùng thử và thấy rất tin tưởng về khẩu vị và chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đã lên lịch hẹn gặp các doanh nghiệp tại tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái để bàn chi tiết hơn về việc hợp tác vào giữa tháng 8”.
Bà Helen còn cho biết thêm, sản phẩm của Việt Nam như phở khô là có thị trường tại Thái Lan vì bên Thái có nhiều món cần đến nguyên liệu này. Bà Helen cũng khen trái cây sấy của Việt Nam rất ngon, chẳng hạn như mãng cầu sấy, loại chưa có ở thị trường Thái.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Quản lý Dự án và Phát triển Kinh doanh của Central Food Retail (công ty thuộc Central Group), cũng chỉ ra điểm yếu của hàng Việt đó là bao bì. Theo bà, các doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào bao bì để tăng tính thu hút. Người Thái thích những sản phẩm có mẫu mã đẹp, ngoài chuyện chất lượng.
Một vấn đề khác là doanh nghiệp Việt thiếu các đại lý phân phối hàng trực tiếp tại Thái Lan nên khâu tiếp thị còn hạn chế. Bản thân các chuỗi siêu thị nếu có lấy hàng thì chỉ lấy một lượng nhất định. Vậy nên, cần có đại lý phân phối tại Thái Lan để hàng Việt có thể tiếp cận với nhiều nguồn tiêu thụ hơn.
Đại diện một số chuỗi bán lẻ lớn của Thái Lan nhận định, do Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, nên sản phẩm của Việt Nam sang Thái phải có tính độc quyền, chất lượng tốt nhưng giá cả cạnh tranh.
Bích Chi kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài tại triển lãm tại Thái Lan tuần trước. Ảnh: BSA
Doanh nghiệp Việt - Thái kết nối như thế nào tại hội chợ Thái Lan?
Chương trình B2B Matching (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp) được diễn ra với thời gian khá chặt tại triển lãm. Mỗi doanh nghiệp sẽ lên sân khấu trình giới thiệu về công ty trong vòng 3 phút. Sau đó, các doanh nghiệp trở về bàn của mình và tiếp các doanh nghiệp Thái theo lịch và lượt đã đăng ký trước đó. Có tổng cộng 17 lượt, mỗi lượt diễn ra trong vòng 15 phút. Nhìn vào danh sách, những doanh nghiệp có lượt đăng ký từ 8 lượt trở lên là Minh Long, Vietnam Cacao, Mặt nạ dừa Cửu Long, Hương Đồng Tháp. Đặc biệt bất ngờ là doanh nghiệp Bích Chi kín 17 lịch hẹn.
Không khí của B2B Matching diễn ra cực kì sôi động đến mức mỗi khi kết thúc lượt BTC luôn luôn phải kêu gọi, nhắc nhở các doanh nghiệp Thái rời khỏi bàn. Trong khi đó chỉ sau 3 lượt gặp, Vinamit cũng đã phải bán đi hết các hàng mẫu. Vinamit chia sẻ rằng đối tác này “đòi mua” rất quyết liệt từ ở dưới gian hàng cho đến khi lên đến buổi kết nối.
Chị Phan Thị Hồng Trâm – Quản lý bán hàng quốc tế của Vinamit chia sẻ: “Cho đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã gặp được 8 đối tác. Trong đó có BJC và Central là hai chuỗi bán lẻ mà chúng tôi quan tâm nhất tại thị trường này. Riêng đối với BJC – chủ hệ thống BigC Thái Lan, hệ thống Mega tại Việt Nam họ đã có hàng Vinamit, và họ mong muốn tập trung hóa đơn hàng lớn từ cả Việt Nam lẫn Thái Lan. Điều này giúp tạo hiệu quả hơn về mặt giá – hậu cần. Họ tỏ ra rất thích chúng tôi. Chắc chắn vẫn cần gặp thêm nhiều lần nữa để có trao đổi chặt chẽ hơn”
Doanh nghiệp Bích Chi – Doanh nghiệp “hot” nhất trong buổi B2B Matching chia sẻ rằng hoàn toàn bất ngờ khi tìm ra được thị trường mới là Ấn Độ: “Sản phẩm của chúng tôi đã mặt tại Thái. Đến với chương trình lần này, tâm thế của Bích Chi là muốn tìm thêm nhiều khách hàng mới tại Thái Lan. Nhưng không ngờ chúng tôi tìm ra được thị trường mới là thị trường Ấn Độ. Đến thời điểm hiện tại đã có 2 doanh nghiệp Ấn Độ gặp gỡ và đặt hàng với chung tôi. Có một Doanh nghiệp đã đặt vấn đề đặt 4 công hàng cho họ đối với sản phẩm bánh tráng, bánh phồng tôm.”
Có vẻ cơ hội cho doanh nghiệp còn rộng mở trên đất Thái, vấn đề là tận dụng cơ hội đó như thế nào?