Doanh nghiệp liên quan FLC nợ đầm đìa

05/04/2023 14:03 PM | Kinh doanh

Những công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới đây tiết lộ nhiều bất ổn về hoạt động kinh doanh khi có nơi thì thua lỗ đến mức âm vốn chủ sở hữu khiến khoản vay trái phiếu trở thành gánh nặng.

Những khoản lỗ khủng

Báo cáo của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Định - một doanh nghiệp liên quan đến hệ sinh thái FLC vừa cho thấy tình hình của doanh nghiệp xấu đi nhanh chóng chỉ trong năm 2022.

Cụ thể, công ty lỗ hơn 1.119 tỷ đồng trong năm 2022, trước đó năm 2021 công ty vẫn lãi hơn 6 tỷ. Khoản lỗ nặng nề khiến Đầu tư và Phát triển Bình Định âm vốn chủ sở hữu (-619,8 tỷ đồng) đồng thời gánh khoản nợ phải trả nặng nề.

Trước đó, năm 2020, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Định có 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 350 tỷ đồng. Năm 2022, công ty này đã nhiều lần không thanh toán được lãi trái phiếu cho nhà đầu tư với lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu giảm sút. Tuy nhiên đến cuối năm 2022, Đầu tư và Phát triển Bình Định đã kịp thời chi tiền mua lại số trái phiếu này, hoàn trả gốc cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp liên quan FLC nợ đầm đìa - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp nợ đầm đìa phát hành trái phiếu.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng ghi nhận tình hình tiêu cực năm 2022 là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phước Long với khoản lỗ năm 2022 lên đến 439 tỷ đồng.

Khoản lỗ khủng này đã đẩy Bất động sản Phước Long vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu (-32 tỷ đồng) chỉ sau một năm. Năm 2022, Bất động sản Phước Long đã mua lại trước hạn một khoản vay trái phiếu trị giá 650 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn còn một đợt trái phiếu 1.050 tỷ đồng phát hành hồi tháng 6/2021 và đáo hạn vào năm 2026.

Tiếp đến là Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh với năm 2022 thua lỗ nặng nề hơn năm trước, lỗ 288 tỷ đồng (năm 2021 lỗ 98 tỷ). Tình trạng âm vốn chủ sở hữu theo đó không những không cải thiện mà còn nặng nề hơn với vốn chủ sở hữu cuối 2022 là -1.084 tỷ đồng. Dù thua lỗ là vậy nhưng năm 2022, Cao su Cường Thịnh vẫn phát hành được một lô trái phiếu trị giá 545 tỷ đồng và đáo hạn vào năm 2024.

Loạt doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu

Một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ viễn thông là Công ty CP Đầu tư Thủy Hòa tiếp tục báo cáo tình trạng thua lỗ, âm vốn trong năm 2022 sau một năm 2021 cũng không hề tích cực. Công ty CP Đầu tư Thủy Hòa lỗ ròng 156,9 tỷ đồng trong năm 2022 và vốn chủ sở hữu - 317 tỷ đồng. Hiện nợ phải trả của doanh nghiệp cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu (gấp hơn 5 lần). Doanh nghiệp này hiện đang có khoản vay trái phiếu 945 tỷ đồng phát hành vào năm 2018.

Thị trường cũng điểm danh kha khá các doanh nghiệp thua lỗ nặng nề trong năm 2022 như Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce lỗ 445 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền lỗ hơn 43 tỷ đồng, CTCP CVS Holdings lỗ 167 tỷ đồng...

Nhiều báo cáo của các tổ chức phát hành khác cho thấy, dù chưa thua lỗ đến mức âm vốn chủ, nhưng không ít doanh nghiệp đang có nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quá 5 lần.

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng SCG có nợ phải trả gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu trong đó dư nợ trái phiếu bằng 1,3 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, các tổ chức phát hành khác như Công ty CP TNHH Điện gió Hòa Đông 2 (5,58 lần) trong đó chủ yếu là nợ vay trái phiếu khi dư nợ trái phiếu đã gấp 4,8 lần vốn chủ sở hữu; Công ty CP Bất động sản Mỹ có nợ phải trả hơn 5,4 lần vốn chủ sở hữu,... cũng là những trường hợp cần lưu ý.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Trong dự thảo này bổ sung quy định TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi Hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành đã được kiểm toán tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành.

Quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn ngân hàng, trong bối cảnh phát sinh tình trạng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với quy mô khá lớn để huy động vốn, trong khi hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đã cao, có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Theo Hải Bình

Cùng chuyên mục
XEM