Doanh nghiệp kêu hải quan 'một cửa nhưng nhiều khóa'

22/06/2018 14:34 PM | Xã hội

Theo đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan dù đã áp dụng cơ chế “một cửa” nhưng vẫn phải dùng nhiều “chìa khóa”.

Cần coi doanh nghiệp là đối tác, không phải đối tượng

Ngày 21/6, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (TCHQ) chủ trì tọa đàm “Hải quan - Doanh nghiệp: Kết nối - Chia sẻ - Đồng hành”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nơi có gần 300 doanh nghiệp (DN) hội viên, cho rằng, trong quan hệ đối tác giữa HQ và DN, quan trọng nhất vẫn là thái độ cầu thị, hợp tác của cả 2 bên. “Có những việc bất đắc dĩ DN không dám phản ánh trực tiếp với Cục HQ địa phương mà liên hệ thẳng lên TCHQ”, ông Nam chia sẻ.

 Doanh nghiệp kêu hải quan một cửa nhưng nhiều khóa  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lắng nghe, giải đáp kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trên cơ sở đó, ông Nam đề xuất, khi DN phản ánh những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là ý kiến tổng hợp từ các hiệp hội, dù không phải thẩm quyền trả lời của TCHQ nhưng rất mong TCHQ xem xét, chỉ đạo các đơn vị giải quyết nhanh gọn hơn. Ông Nam lấy dẫn chứng, hơn một năm qua việc gỡ vướng trong xử lý thuế đối với phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa của hàng hóa nhập khẩu vượt quá 3% giữa TCHQ và VASEP vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thậm chí, có nơi cục HQ địa phương đang tính truy thu khoản thuế này của các DN.

Ông Nam cũng mong muốn Ban Cải cách hiện đại hóa HQ của TCHQ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết nhanh gọn các vấn đề về kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPFS), cũng đánh giá cao nỗ lực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của TCHQ, giảm tối đa sự tiếp xúc giữa HQ và DN.

Tổng Thư ký VPFS thừa nhận, một số vướng mắc khi làm thủ tục HQ do chính DN tạo ra. Nguyên nhân, do những người làm công việc này của một số DN không am hiểu tường tận về Luật HQ, các quy định về xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa...

Thế nhưng, nhiều DN thạo thủ tục nhưng vẫn gặp khó. “Cơ chế “một cửa” quốc gia thực hiện 3 năm rồi nhưng vẫn có trường hợp một cửa nhưng nhiều khóa,” ông Giám nói. Theo ông Giám, có DN nộp hồ sơ phải chạy hết bộ này sang bộ kia, mất rất nhiều thời gian.

Ông Giám kiến nghị, cần giao thêm cho tư nhân kiểm tra chất lượng hàng hóa để giảm tải cho cơ quan Nhà nước. “Nhiều DN sẵn sàng bỏ hàng triệu USD để cung cấp dịch vụ KTCN, một phần phí sau đó sẽ được nộp lại ngân sách để cơ quan Nhà nước trang trải”, ông Giám cho hay.

Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng kiến nghị ngành HQ nghiên cứu, áp dụng điện tử hóa thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng, đẩy mạnh kết nối điện tử, vận đơn điện tử...

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho hay, hiện số lượng DN vừa và nhỏ chiếm hơn 90% trong tổng số DN tại nước ta. Tuy nhiên, hàng hóa của họ XNK lại rất phức tạp, đề nghị TCHQ và Bộ Tài chính có thể áp dụng điện tử hóa, làm sao để phân loại hàng hóa cho các DN vừa và nhỏ nhanh gọn, thông quan sớm.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) là DN khai thác cảng và dịch vụ logistics với hệ thống cảng trải dài Việt Nam, đặc biệt 3 cụm cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và cảng nước sâu Quốc tế Lạch Huyện, phục vụ 50% lượng hàng XNK của cả nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics thuộc TCSG, đơn vị đang gặp một số khó khăn, vướng mắc rất lớn. Cảng Cát Lái đang trong giai đoạn sản xuất cao điểm, nhưng tình trạng tồn bãi cảng Cát Lái khoảng 86%, riêng hàng nhập lên trên 100%. Do lượng hàng tồn bãi cao nên rất nhiều hàng hóa nhập tàu tại cảng Cái Mép có cảng đích là Cát Lái vẫn chưa được chuyển về, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giao nhận hàng hóa cho khách hàng.

Về mặt hàng nhựa phế liệu, đơn vị đã triển khai thông báo đến các hãng tàu về việc hạn chế, không tiếp nhận đến hết 30/9, song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế của doanh nghiệp cảng. Do đó, ông Toàn đề nghị tạo điều kiện cho TCSG triển khai sớm theo hướng dẫn của Thông tư 203 về xử lý hàng hóa vi phạm và tồn đọng, để sớm giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái, ổn định sản xuất cho DN và các bên liên quan.

Ông Nguyễn Hải Minh, thành viên ban lãnh đạo Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham), cũng nêu một số tồn tại hiện nay như: Việc phân loại mã số hàng hóa (mã HS) còn phụ thuộc nhiều vào thành phần hợp chất của sản phẩm chứ chưa xem xét mục đích sử dụng của sản phẩm; Cần có cơ chế công nhận kết quả phân loại của các quốc gia khác đối với sản phẩm của DN; Quy định về kiểm soát nguyên vật liệu NK để sản xuất hàng XK chưa cụ thể dẫn đến nhiều khó khăn cho DN khi kiểm tra sau thông quan, đặc biệt cho thời gian trước khi có Thông tư 38...

Tiết kiệm 200 triệu USD cho thủ tục thông quan

Tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn đã giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội.

Theo ông Cẩn, tính đến cuối tháng 5, đã có 11 bộ, ngành triển khai 47 thủ tục hành chính trên cơ chế “một cửa” quốc gia, xử lý khoảng 1,23 triệu hồ sơ của gần 22 nghìn DN. Đồng thời, từ 1/1, HQ đã phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với 4 nước ASEAN để trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử. Hiện nay, Việt Nam cũng đang thực hiện các công tác chuẩn bị để triển khai thí điểm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và trao đổi chứng nhận kiểm dịch điện tử eSPS.

Theo báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, liên tục trong các năm 2016, 2017, Việt Nam giữ vững vị trí trong 4 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới với chi phí và thời gian thông quan giảm dần. Nhờ đó, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

“Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu”, ông Cẩn nói.

Theo Tuấn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM