Doanh nghiệp của Shark Thủy bị cưỡng chế thuế, cổ phiếu lao dốc

07/12/2022 08:14 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi Shark Thủy) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Anh ngữ Apax. 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings âm hơn 266 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm gần 18 tỷ, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 48 tỷ đồng.

Dòng tiền âm

Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán: IBC) kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, với 3 công ty con là Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English), Công ty CP Phát triển Giáo dục Igarden, Công ty CP Trường liên cấp Firbank Australia.

Ngoài ra, Apax Holdings cũng có 3 công ty liên kết là Công ty CP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục, Công ty CP Giáo dục Tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty CP Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.

Trong số đó, Apax English đang là công ty con nổi trội nhất. Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, phủ sóng ở 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax English.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty CP Apax Holdings ghi nhận doanh thu đạt gần 374 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2,6 tỷ đồng. Trong quý III, chi phí tài chính và chi phí bán hàng của doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh từ 33,5 tỷ đồng lên 62,5 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 776 triệu đồng, giảm 85% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Apax Holdings đạt gần 1.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 23,7 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp về doanh thu của Apax English cho hệ thống đạt hơn 836 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 17,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 4.809 tỷ đồng tăng 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings âm hơn 266 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính cũng âm gần 18 tỷ, dòng tiền hoạt động đầu tư âm 48 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Apax Holdings (tại thời điểm 30/9) là 1.984 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ dài hạn, chiếm 41% tổng nguồn vốn nhưng không được thuyết minh chi tiết. Tại thời điểm 30/6, doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu dài hạn là 1.204 tỷ đồng.

Trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp này không đi vay thêm và có trả nợ gốc vay gần 18 tỷ đồng. Cùng thời gian này, công ty bỏ ra gần 124 tỷ đồng trả lãi vay trong khi chỉ thu về 26 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Cổ phiếu lao dốc

Liên quan tới việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Công ty CP Đầu tư Apax Holdings đã có văn bản giải trình. Công ty này cho rằng, giá cổ phiếu IBC giảm trong thời gian gần đây là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như những tác động của bối cảnh vĩ mô. Apax Holdings cũng khẳng định, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết và rất mong được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Trên thị trường, cổ phiếu IBC đã có gần chục phiên giảm sàn liên tục. Tính đến phiên 06/12/2022, cổ phiếu IBC của Apax Holdings tiếp tục chuỗi ngày giảm sàn, xuống còn 7.600 VNĐ/cổ phiếu; cổ phiếu IBC đã "bốc hơi" 56% chỉ sau nửa tháng.

Apax English thừa nhận trung tâm đang những tồn tại.

Đà giảm của cổ phiếu IBC diễn ra sau loạt lùm xùm, mới nhất là việc Công ty CP Đầu tư Apax Holdings bị cưỡng chế thuế. Cụ thể, ngày 16/11/2022, Cục Thuế Hà Nội đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của IBC (địa chỉ tại số 88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân bị cưỡng chế thuế là bởi Apax Holdings mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng. Để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định, Cục thuế Hà Nội đã ban hành 17 quyết định gửi đến 9 ngân hàng và các chi nhánh.

Ngoài ra, IBC cũng giải trình đến Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) về thông tin liên quan đến Công ty Apax English. Theo đó, Apax Holdings đã tiến hành rà soát, kiểm tra và xác minh một số thông tin được nêu liên quan đến Apax English . Kết quả kiểm tra cho thấy đó là những tồn tại của Apax English. Lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings đã có những phương án xử lý phù hợp.

Shark Thủy nói gì về thông tin sắp định cư châu Âu?

Tại buổi gặp gỡ và giải đáp thắc mắc của các cổ đông và nhà đầu tư liên quan đến các hoạt động đầu tư vào Tập đoàn Egroup hôm 5/12, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho biết, những tin đồn cho rằng ông đã nhờ một công ty dịch vụ làm hồ sơ cho gia đình định cư ở châu Âu là hoàn toàn bịa đặt. Phía Egroup đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin của các cá nhân tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Thủy khẳng định, chưa bao giờ có suy nghĩ rời bỏ tổ chức hay bỏ rơi cổ đông và khách hàng. Với tư cách là người đứng đầu Tập đoàn Egroup, ông Thủy cũng gửi lời xin lỗi vì sự gián đoạn thông tin không mong muốn và chậm trễ thanh toán các khoản gốc, lãi suất trong thời gian vừa qua.

Shark Thủy mong cổ đông thấu hiểu, đồng thuận giảm lãi suất, cho thêm cơ hội và thời gian khoảng 2-3 năm. Lý giải cho điều này, ông Thủy cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục của hệ thống phải đóng cửa hơn 2 năm (2020-2021), không có nguồn thu và gần một năm (2022) tập trung các nguồn lực cho hoạt động vận hành, phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Cũng theo ông Thủy, với hệ thống lớn, tập đoàn gặp gánh nặng về chi phí mặt bằng, vận hành, lương nhân viên và rất nhiều nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Điều này đã khiến việc thực hiện nghĩa vụ đối với các cổ đông bị gián đoạn.

Đơn vị sản xuất Shark Tank Việt Nam - TVHub - thông báo, ông Nguyễn Ngọc Thủy không còn là shark của chương trình Shark Tank Việt Nam.

Theo Duy Quang

Cùng chuyên mục
XEM