Đoạn đường 100m có tới 4 xe đẩy bán cà phê: Chỉ vài chục triệu là có thể khởi nghiệp, "ông lớn" Highlands Coffee, The Coffee House,.. vẫn đứng ngoài cuộc
Tuy nhiên, phân khúc bình dân (giá thấp hơn 40.000 đồng/ly) được đánh giá là ngày càng chật chội với nhiều đối thủ, cũng là lúc thị trường dần đi vào bão hòa.
Nếu đi dọc các con phố tập trung nhiều tòa nhà văn phòng như khu vực các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những kiosk cà phê vỉa hè. Đơn cử, trên con đường Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội), các xe đẩy xuất hiện ngày càng nhiều, ở cả hai bên đường. Thậm chí có đoạn đường dài chỉ 100m nhưng tập trung tới 3-4 kiosk bán cà phê.
Đồ uống được các kiosk phục vụ chủ yếu là cà phê đen, cà phê sữa, bạc sỉu, cùng cà phê muối – món “hot trend” mùa hè vừa qua. Giá cả đồ uống tại các kiosk cũng không có nhiều sự chênh lệch, chỉ khoảng 16.000-20.000 đồng/ly. Người đi đường chỉ mất khoảng 2 phút để mua một ly cà phê với giá bằng một nửa so với mua tại các cửa hàng lớn.
Sự nở rộ của mô hình xe đẩy cà phê với phân khúc giá bình dân được cho là đến từ sự bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, dù nhu cầu không đổi nhưng người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hướng đến sử dụng các sản phẩm có giá cả phải chăng.
Xu hướng mở kiosk cà phê không chỉ có phổ biến ở Hà Nội mà đã thịnh hành tại TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác. Bên cạnh những mô hình tự phát do các bạn trẻ thành lập, có nhiều kiosk được phát triển theo mô hình nhượng quyền giá rẻ. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ “xe đẩy cà phê nhượng quyền” trên Facebook hay Google, dễ dàng có thể tìm thấy quảng cáo hợp tác kinh doanh của nhiều thương hiệu, từ lớn đến nhỏ.
“Chỉ cần 5-10m2 để kinh doanh, đầu tư nhỏ - lợi nhuận to, rủi ro thấp, hoàn vốn trong vòng 3 tháng,…”, bài viết của một thương hiệu trên Facebook thu hút tới 3.900 lượt yêu thích, hơn 2.700 lượt bình luận xin tư vấn, xin giá nhượng quyền.
Mới đây, Ông Bầu – chuỗi cà phê do Bầu Đức (HAGL), Bầu Thắng (Đồng Tâm), Bầu Hải (NutiFood) thành lập cũng đã mời gọi đầu tư nhượng quyền theo mô hình xe đẩy. Theo quảng cáo, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu khoảng 49 triệu đồng là đã có thể vận hành một xe đẩy cà phê, với đầy đủ các trang thiết bị, quy trình pha chế. Trước đó thương hiệu này đã phát triển theo hình thức nhượng quyền với mô hình cửa hàng. Hiện xe đẩy cà phê đầu tiên mang thương hiệu này đã mở tại TP.HCM.
Trên thực tế, kinh doanh xe đẩy cà phê vỉa hè không phải mô hình mới mẻ mà đã từng rầm rộ những năm về trước. Không chỉ thu hút các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều thương hiệu lớn như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long,… cũng đã từng thử nghiệm.
Năm 2020, Highland Coffee gây chú ý khi mở một vài kiosk trên vỉa hè, cung cấp một menu đơn giản hơn so với tại cửa hàng nhưng giá bán cũng thấp hơn với mức 10.000-16.000 đồng/ly. Tuy nhiên, mô hình này không được Highlands Coffee mở rộng hay duy trì sau đó.
Tương tự, The Coffee House từng mở 8-9 kiosk trong các siêu thị King Food cùng thuộc hệ sinh thái của Seedcom.
Đáng chú ý nhất là Phúc Long. Sau khi về tay Masan, Phúc Long mạnh tay phát triển hàng loạt các điểm bán, kiosk nằm trong WinMart+ nhằm tận dụng dòng khách vãng lai đến siêu thị. Chưa đầy 2 tháng kể từ ngày rót vốn lần đầu tiên vào Phúc Long, Masan đã mở 41 kiosk tại các cửa hàng WinMart+. Đến cuối năm 2021, số kiosk Phúc Long đã tăng phi mã, đạt mốc 500 điểm bán và có kế hoạch mở mới thêm 400 điểm bán trong năm 2022, kỳ vọng doanh thu 2.500-3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đạt mốc 760 kiosk, Masan lại bắt đầu “quay xe”, đóng cửa các kiosk không hiệu quả. Thay vào đó, chuỗi này lại trở về với mô hình flagship (mô hình cửa hàng lớn, hiện đại), mở mới 44 cửa hàng.
Năm 2023, để tăng doanh thu cho các kiosk, Masan đã sử dụng mô hình Hub&Spokes nhằm chuyển hướng các đơn hàng online từ cửa hàng flagship sang kiosk gần đó.
Nhìn chung, hầu hết các thương hiệu lớn vẫn trung thành với việc phát triển cửa hàng lớn, cửa hàng flagship thay vì mô hình xe đẩy hay kiosk.
Trong khi đó, theo chuyên gia iPOS.vn, phân khúc bình dân (giá thấp hơn 40.000 đồng/ly) được đánh giá là ngày càng chật chội với nhiều đối thủ, cũng là lúc thị trường dần đi vào bão hòa. Nhiều doanh nghiệp đồ uống được định vị tầm trung và cao đang có động thái giảm giá đồ uống để cạnh tranh, từ đó khiến phân khúc tầm trung và giá rẻ ngày càng ngạt thở.