Do đâu doanh nghiệp bất động sản nhà ở âm dòng tiền kinh doanh dù có lãi?

11/02/2022 20:34 PM | Kinh doanh

Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao năm 2021, Khang Điền, DIC Corp và Cen Land đều âm dòng tiền kinh doanh.

Lợi nhuận và dòng tiền kinh doanh là hai trong nhiều yếu tố quan trọng được nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá doanh nghiệp. Thực tế cho thấy các khoản mục trên không phải lúc nào cũng có quan hệ thuận chiều. Một doanh nghiệp có thể báo lãi nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh âm. 

Dòng tiền kinh doanh âm dù lợi nhuận dương

Cụ thể, theo thống kê của Người Đồng Hành tại 20 doanh nghiệp bất động sản nhà ở, 9 đơn vị báo lợi nhuận sau thuế dương, thậm chí tăng trưởng mức cao, song vẫn ghi nhận âm dòng tiền hoạt động.  Xét riêng top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong năm qua, Khang Điền, DIC Corp và Cen Land đều âm dòng tiền kinh doanh.

Lũy kế năm 2021, Khang Điền ( HoSE: KDH ) đạt 1.204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 4% so với năm trước, hoàn thành kế hoạch đề ra nhờ tiết giảm chi phí tài chính và bán hàng. Dẫu vậy, đơn vị âm dòng tiền kinh doanh 2.015 tỷ đồng, con số này là dương 162,6 tỷ đồng trong năm 2020. Đây cũng là năm có dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục của công ty. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm hơn 1.972 tỷ khoản phải trả và tăng 560 tỷ khoản phải thu; ngoài ra tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 96 tỷ lên hơn 546 tỷ đồng.

Với DIC Corp ( HoSE: DIG ), công ty này tiếp tục nối dài chuỗi 3 năm âm dòng tiền kinh doanh liên tiếp. Giá trị khoản mục này tại năm 2021 là âm 798 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ chiếm gần hết tiền thu từ bán hàng; ngoài ra đơn vị gánh hàng loạt khoản chi trả khác như lãi vay, nộp thuế…

Trong năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 49% lên 952 tỷ đồng nhờ sự đóng góp lớn từ kết quả quý cuối năm. DIC Corp cho biết doanh thu quý IV chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, căn hộ dự án CSJ, quyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên và nhà xây thô dự án Hiệp Phước.

Một doanh nghiệp khác có dòng tiền kinh doanh âm với lợi nhuận cao là Cen Land ( HoSE: CRE ). Năm ngoái, doanh thu gấp 2,6 lần đạt 5.614 tỷ đồng nhờ hoạt động đầu tư bất động sản mang lại hơn 4.234 tỷ, gấp gần 4 lần. Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng 50% lên hơn 450 tỷ đồng. Tuy vậy, dòng tiền kinh doanh ở mức âm 355 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp đơn vị ghi nhận âm khoản mục này. Lý do chính đến từ tồn kho tăng hơn 470 tỷ đồng, bao gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ các chủ đầu tư để bán lại. Ngoài ra, tiền lãi vay đã trả cũng tăng mạnh từ 7,7 tỷ lên hơn 111 tỷ đồng.

Không thuộc nhóm top 10 lợi nhuận nhưng Hải Phát ( HoSE: HPX ) là doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng trong năm nhưng dòng tiền kinh doanh âm nhất với 2.832 tỷ đồng, cùng kỳ âm 725 tỷ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, hàng tồn kho tăng 2.404 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 234 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, Hải Phát có gần 3.876 tỷ đồng hàng tồn kho, bao gồm 2.658 tỷ đồng bất động sản đang xây dựng và 1.218 tỷ bất động sản đã hoàn thành.

Đầu tư LDG (LDG Invesment - HoSE: LDG ) cũng gây chú ý khi lãi sau thuế gấp 11 lần, đạt gần 141 tỷ đồng nhờ phát sinh gần 150 tỷ đồng lãi chuyển nhượng toàn bộ gần 15 triệu cổ phần của công ty con Đại Thịnh Phát, tương đương 99,95% vốn điều lệ. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh âm 956 tỷ đồng do tăng các khoản phải thu (1.516 tỷ đồng). Cuối quý IV, công ty có 3.508 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 1.227 tỷ đồng phải thu dài hạn, chiếm 69% quy mô tài sản. Trong đó, hơn 2.198 tỷ đồng là các khoản đặt cọc, ký quỹ ký cược ngắn, dài hạn.

Hodeco ( HoSE: HDC ) cũng có một năm kinh doanh khả quan với 1.357,3 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 62%. Mặc dù chi phí tăng cao nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 35% đạt hơn 311 tỷ đồng, vượt 22% chỉ tiêu được giao. Tương tự các trường hợp kể trên, công ty cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm hơn 309 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là tăng khoảng 200 tỷ các khoản phải thu và giảm 251 tỷ khoản phải trả, cùng kỳ tăng hơn 756 tỷ.

Hay Tập đoàn C.E.O ( HNX: CEO ) âm hơn 155 tỷ dòng tiền hoạt động kinh doanh dù lãi cải thiện từ mức lỗ 103 tỷ lên dương hơn 82 tỷ đồng. Lý do âm tiền đến từ khoản lỗ hơn 346 tỷ hoạt động đầu tư, cùng kỳ lỗ 96 tỷ; tăng khoản phải thu 290 tỷ, cùng kỳ giảm 280 tỷ.

Do đâu doanh nghiệp bất động sản nhà ở âm dòng tiền kinh doanh dù có lãi? - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Dòng tiền kinh doanh dương gắn với lợi nhuận dương

Ở diễn biến khác, 11/20 doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận và dòng tiền dương năm qua. Gần một nửa số đó có dòng tiền kinh doanh dương gắn với lãi tăng. Trong đó, Vinhomes ( HoSE: VHM ) đạt mức lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán năm 2021 với hơn 39.231 tỷ đồng, tăng 39%. Công ty cũng có lượng lớn dòng tiền kinh doanh với hơn 13.278 tỷ đồng, gấp nhiều lần các đơn vị cùng ngành. Tuy nhiên, giá trị khoản mục này giảm hơn 11.000 tỷ đồng so với năm 2020 do tăng các khoản phải thu (12.150 tỷ), tăng lãi vay phải trả từ 7.057 tỷ lên hơn 21.616 tỷ đồng…

Đất Xanh ( HoSE: DXG ) báo lãi sau thuế đạt 1.595 tỷ, cải thiện so với khoản lỗ 174 tỷ đồng của năm 2020 nhờ ghi nhận đột biến từ bán căn hộ và đất nền. Với mức tăng trưởng lợi nhuận này, dòng tiền kinh doanh là hơn 1.244 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 780 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng báo lãi tăng và dòng tiền kinh doanh dương là Nam Long ( HoSE: NLG ). Lũy kế cả năm, doanh thu thuần tăng 135% lên 5.206 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 1.478 tỷ đồng, tăng 74% và vượt 8% kế hoạch năm; lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng 28% đạt 1.071 tỷ đồng.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh dương hơn 86,6 tỷ, cải thiện so với con số âm gần 1.111 tỷ đồng năm trước mặc dù trong năm qua giá trị hàng tồn kho gấp 2,6 lần lên 15.489 tỷ đồng. Tồn kho chủ yếu là các dự án bất động sản dở dang đang được công ty triển khai như dự án Izumi (Đồng Nai) 7.170 tỷ đồng, Southgate (Long An) 3.629 tỷ đồng, Paragon Đại Phước (Đồng Nai) 1.714 tỷ và Vàm Cổ Đông (Long An) là 1.375 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác có dòng tiền kinh doanh dương như Phát Đạt (HoSE: PDR), Hà Đô (HoSE: HDG), Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) đều có mức lãi tăng trong năm 2021.

Một số trường hợp lãi giảm như Vinaconex (HoSE: VCG), Novaland (HoSE: NVL), Nhà Từ Liêm (HoSE: NTL)… vẫn có dòng tiền kinh doanh dương. Ví dụ với Vinaconex, mặc dù lợi nhuận giảm 69% về 531 tỷ đồng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh đạt gần 2.276 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 25 tỷ. Nguyên nhân chính là tăng các khoản phải trả hơn 3.902 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm trước.

Thảo Anh

Cùng chuyên mục
XEM