"DINK": Lối sống thu nhập nhân đôi, nuôi chó chứ không sinh con ngày một nở rộ tại Châu Á
Những nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao và Singapore nằm trong số 7 khu vực có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới bất chấp thực tế rằng đây đều là những vùng có nguồn cội văn hóa Nho giáo, vốn coi trọng việc có con cái để nối dõi tông đường.
Theo cuộc khảo sát của Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình HongKong, khoảng 28,4% số người được hỏi cho biết không muốn có con, khoảng 40,4% cho biết họ chỉ muốn có 1 đứa và 29,4% nói rằng con số lý tưởng là 2 trẻ.
Với cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều cặp đôi hiện nay muốn được hưởng thụ cuộc sống sau quãng thời gian vất vả dựng nghiệp thay vì phải bù đầu chăm lo con cái. Trong khi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại HongKong như Lương Triều Vỹ, Trịnh Y Kiệt...hưởng thụ cuộc sống không con thì ngày nay nhiều người nổi tiếng lẫn không nổi tiếng tại Châu Á cũng thích sống theo xu hướng này.
Thống kê cho thấy không riêng gì HongKong, những nền kinh tế khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao và Singapore cũng nằm trong số 7 khu vực có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới bất chấp thực tế rằng đây đều là những vùng có nguồn cội văn hóa Nho giáo, vốn coi trọng việc có con cái để nối dõi tông đường.
Vậy xu thế sống không con này là gì mà nhiều người lại cổ xúy đến vậy?
Nuôi chó chứ không sinh con
Trên thực tế, lối sống DINK- Thu nhập nhân đôi, không có con cái (Double Income, No Kids) đã du nhập vào Châu Á từ những năm 1980, còn trào lưu này đã tồn tại từ lâu ở Phương Tây.
Theo một số nghiên cứu, việc có con khiến các cặp đôi chi tiêu thêm 10-20% tại Mỹ và con số này có thể lên tới 50% tại một số quốc gia có chi phí giáo dục, y tế đắt đỏ.
Một báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy các cặp đôi có thu nhập từ trung bình đến cao ở nước này có thể sẽ phải chi từ 284.570 - 454.770 USD để nuôi một đứa trẻ đến 17 tuổi.
Như một hệ quả tất yếu, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, có học thức và không muốn lãng phí cuộc đời cho con cái đã quyết định kết hôn mà không sinh con để hưởng thụ cuộc sống. Họ dùng số tiền kiếm được của cả 2 để chi tiêu cho cá nhân thay vì lo cho con cái. Điểm chung của những gia đình này thường là những hình ảnh khá giả, hay đi du lịch, mua xe sang, nuôi thú cưng...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có rất nhiều. Đầu tiên việc không có con giúp gia đình tiết kiệm được một khoản tiền lớn và hai vợ chồng có nhiều nguồn lực hơn để chăm sóc lẫn nhau, quan tâm đến người thân và hưởng thụ cuộc sống. Cả 2 vợ chồng cũng có thể tập trung hơn cho sự nghiệp, kiếm tiền hưởng thụ tuổi già hoặc làm giàu theo ý mình muốn hay theo đuổi những đam mê cá nhân.
Tiếp đó việc không có con cái giúp các cặp đôi dễ thở hơn trước áp lực nuôi trẻ, duy trì được sự mặn nồng cũng như hạn chế những cuộc cãi vã. Hãy tưởng tượng đến những lần gia đình muốn đi du lịch nhưng vướng bận con cái, không có thời gian riêng tư, hâm nóng lại tình cảm và kết cục là ly hôn.
Đối với giới nghệ sĩ, lối sống DINK được miêu tả mỹ miều rằng để bảo vệ môi trường khi dân số loài người đang bùng nổ, làm ô nhiễm tài nguyên thiên nhiên và tiêu hao các nguồn lực của trái đất. Trong khi đó những nhà nữ quyền hay nhà vận động xã hội thì cho rằng cơ thể phụ nữ là của họ và quyền sinh con hay không là do phái nữ quyết định.
Trên thực tế việc lựa chọn không sinh con của nhiều phụ nữ do liên quan đến các cuộc hôn nhân đồng tính hay đơn giản là họ theo phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Tư tưởng này đặc biệt phát triển ở Châu Á thời gian gần đây khi tư tưởng trọng nam khinh nữ và nối dõi tông đường còn rất nặng.
Tại Hàn Quốc, rất nhiều tổ chức nữ quyền đã ủng hộ lối sống này khi cho rằng phụ nữ tại đây bị coi như chiếc máy đẻ và người hầu trong gia đình. Hình ảnh những người con dâu vất vả trong các dịp lễ Tết bên nhà chồng khi phải bỏ mặc nhà mẹ đẻ là điều khiến rất nhiều nhà hoạt động xã hội phản đối.
Ngoài DINK, các chuyên gia còn có một số thuật ngữ khác cho những gia đình không con. Ví dụ như DINKER-Thu nhập nhân đôi, không có con, nghỉ hưu sớm (Dual Income, No Kids, Early Retirement), DINKY-Thu nhập nhân đôi, tạm thời chưa muốn có con (Dual Income, No Kids Yet), GINK-Cặp đôi chọn không có con vì những lý do liên quan đến môi trường (Green Inclinations, No Kids), DINKWAD-Thu nhập nhân đôi, nuôi chó chứ không nuôi con (Double Income, No Kids, With A Dog):
Liệu có thực sự ổn?
Tại Mỹ, trào lưu DINK xuất hiện khá nhiều sau những cuộc Đại khủng hoảng khi người lao động mất thu nhập còn giới trẻ mất việc làm. Các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 50% số người dân Mỹ không có tiền tiết kiệm trong khi chi phí giáo dục thì ngày một tăng, khiến những người như Cựu Tổng thống Barack Obama cũng phải nợ học phí cho đến tận nhiệm kỳ cuối.
Thế nhưng khi du nhập vào Châu Á, lối sống này gặp phải rất nhiều chỉ trích bất chấp tiêu chuẩn sống ngày một cao tại đây. Những người chọn lối sống DINK thường bị nhận xét là sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, muốn thoát khỏi những trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ với con cái. Đặc biệt ở các nước châu Á, lối sống đi ngược số đông này cũng rất dễ bị đánh giá, gặp phải nhiều câu hỏi vô duyên, bị quy chụp là một gia đình không trọn vẹn, bất hiếu với cha mẹ và dòng họ.
Ngoài ra, các nhà kinh tế học cho rằng lối sống DINK khiến lực lượng lao động của một quốc gia bị xói mòn, gây suy giảm chi tiêu cũng như mất cân bằng dân số. Những nhà xã hội học thì nhận định con cái thường là mối kết nối của một gia đình và việc thiếu vắng những đứa trẻ dễ khiến tỷ lệ ly hôn cao hơn thay vì thấp đi như mục đích ban đầu.
Bên cạnh đó, việc không có ràng buộc con cái dễ khiến nhiều cặp đôi trẻ chi tiêu quá mức, không lo nghĩ cho gia đình hay có sự ràng buộc về trẻ nhỏ. Nói đơn giản hơn, việc có con và biết lo nghĩ cho gia đình là biểu hiện của sự trưởng thành hơn là một gánh nặng.
Một yếu tố quan trọng nữa khiến DINK bị nhiều người phản đối là vấn đề cần người chăm sóc khi về già cả về tinh thần lẫn vật chất. Trong khi những người ủng hộ cuộc sống không con cho rằng lối sống này giúp các gia đình có nhiều tiền tiết kiệm hơn thì những người phản đối cho rằng nghĩa vụ con cái chăm sóc cha mẹ là điều thiêng liêng không chỉ về vật chất mà còn tình cảm.
Với văn hóa coi trọng người cao tuổi như ở Châu Á, việc không có người chăm sóc về già đáng sợ hơn nhiều so với sức ép nuôi con.
Về phương diện y học, một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trải qua ít nhất 1 lần sinh đẻ sẽ tăng khả năng miễn dịch trong vòng 10 năm với u nhú phụ khoa. Phụ nữ không sinh đẻ dễ mắc các bệnh do nội tiết tố gây ra như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung..., hơn nữa tỷ lệ mắc bệnh về buồng trứng cũng cao hơn người từng sinh con.
Nguyên nhân của tình trạng này là do những người sống kiểu DINK không được bảo vệ bởi các hormone có lợi chỉ sản sinh khi người đó mang thai. Hơn nữa, phụ nữ không sinh con dễ bị mãn kinh sớm và lão hoá.
Thời kỳ mang thai và cho con bú, nhờ tác dụng của hormone, buồng trứng tạm thời ngừng rụng trứng và sau 4-6 tháng tình trạng này mới chấm dứt. Điều đó giúp phụ nữ trì hoãn thời kỳ mãn kinh và sự lão hóa.