Đỉnh cao cầu vượt như "trận đồ bát quái" ở Trung Quốc: 5 tầng, 20 làn đường, đi 8 hướng, rẽ "sai 1 ly là đi 1 dặm", đến GPS cũng rối loạn
Với sự xuất hiện của cây cầu vượt này, quãng đường đi hết 2 tiếng đồng hồ đã được rút ngắn còn 30 phút.
Cầu vượt Panlong ở thành phố Trùng Khánh từ lâu đã nổi danh là “cây cầu vượt phức tạp nhất Trung Quốc”. Bắt đầu xây dựng vào năm 2009, sau 8 năm thi công, cầu vượt Panlong chính thức được đưa vào hoạt động vào năm 2017, đáp ứng nhu cầu vận tải tại thành phố Trung Khánh.
Theo Sohu, cầu vượt gồm 5 tầng, 20 làn đường chia thành 8 hướng với điểm cao nhất là 37m. Tổng chiều dài ước tính lên đến 16,4km. Nhìn từ trên cao, cầu vượt Panlong như một trận đồ bát quái, “thách thức” những tay lái mới.
Dẫu vậy, đây vẫn được coi là nút giao thông lớn nhất, phức tạp nhất và hữu ích nhất trong khu vực tây nam Trung Quốc.
Nhưng trên thực tế, việc xây dựng cây cầu phức tạp này nhằm giải quyết cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con nhân dân tại thành phố miền núi Trùng Khánh. Tại đây, diện tích đồi núi chiếm tới 76% gây khó khăn cho đời sống nhân dân.
Trước khi có cây cầu vượt này, người dân Trùng Khánh hàng ngày phải tốn rất nhiều thời gian “vượt núi, vượt sông” để đi từ huyện này sang huyện khác. Từ khi cầu vượt Panlong xuất hiện, quãng đường dài với thời gian 2 tiếng ban đầu được rút ngắn xuống còn khoảng 30 phút. Ở một số tuyến đường, cây cầu này còn giúp tiết kiệm thời gian di chuyển từ 25 phút xuống còn 10 phút.
Thiết kế 5 tầng kết nối ba khu vực trồng chè ở ngoại ô thành phố, cũng như nhiều tuyến đường trọng điểm như đường ra sân bay, chùa Đại Phật, đảo Quảng Dương, với trung tâm Trùng Khánh. Cũng vì thế mà cầu Panlong được coi là “huyết mạch của thành phố”.
Từ khi bắt đầu xây dựng tới khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cây cầu này luôn thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cầu vượt Panlong sẽ là một thách thức lớn với những tay lái mới khi chưa “thuộc” đường. Di chuyển trên cầu, người đi đường sẽ có cảm giác như di chuyển trong một thành phố 8 chiều. Việc sử dụng GPS để định vị nhiều lúc còn không hiệu quả khiến nhiều người lo sợ các tài xế mất thêm thời gian vì chỉ cần đi sai làn cũng có thể đưa bạn đi dạo quanh Trùng Khánh.
Tuy nhiên, một quan chức phụ trách xây dựng đã nói với trang SCMP rằng nếu đi lạc, lái xe có thể quay lại tại các điểm quay xe trong phạm vi khoảng 1 kilomet. Dẫu việc sử dụng các ứng dụng bản đồ thường mất đôi chút thời gian để nhận ra tài xế đã đi không đúng làn. Song người đi đường có thể dựa vào các biển hiệu và hệ thống hướng dẫn lái xe để có thể tìm đúng hướng cần đi một cách dễ dàng hơn.
(Tổng hợp: Sohu, Sina…)
Ưu điểm nổi trội của chương trình song bằng Cambridge tại Everest School