Digiworld, Thế giới di động và FPT Shop: Cuộc cạnh tranh giữa bán buôn và bán lẻ hàng công nghệ
Theo các chuyên gia, sự cạnh tranh tồn tại song song, vận động tạo sự phát triển. Nhưng quan trọng hơn, vai trò của nhà bán buôn vẫn không thể thay thế được do nhà bán buôn đóng vai trò như một “market maker”.
Ngày 29/11/2016, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW ) đã tổ chức hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ”. Tại đây, các diễn giả đã nhắc đến một câu chuyện: Thị trường phân phối công nghệ đang bị xâu xé từ chính các nhà phân phối trong ngành và từ các chuỗi bán lẻ lớn.
Sức ép đối với nhà bán buôn
Trong ngành phân phối công nghệ, chuỗi giá trị truyền thống bao gồm 4 đơn vị chính: (1) nhà sản xuất, (2) nhà bán buôn, (3) nhà bán lẻ và (4) khách hàng. Thông thường, hàng hóa sẽ được lưu chuyển từ nhà sản xuất tới nhà bán buôn, qua nhà bán lẻ và cuối cùng là khách hàng.
Tuy nhiên, mắt xích phân phối truyền thống đang bị thay thế dần khi nhà bán lẻ lớn như Thế giới di động (MWG), FPT shop thay vì nhập hàng từ nhà bán buôn đã nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp bán buôn như Digiworld không những phải cạnh tranh với doanh nghiệp bán buôn khác mà còn phải cạnh tranh gay gắt với các nhà bán lẻ nói trên.
Giữa các nhà bán buôn với nhau, “sức mạnh” thể hiện ở khả năng cung cấp chuỗi dịch vụ, khả năng quản lý khoản phải thu và hàng tồn kho. Không những thế, đối với một nhà bán buôn, khả năng phát triển còn dựa vào quan hệ với nhà sản xuất cũ cũng như mới để đa dạng hóa sản phẩm và khả năng đảm bảo được đầu ra.
Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Khối phân tích của VietinbankSc nhận xét, các doanh nghiệp phân phối truyền thống hoạt động trên thị trường hiện nay hầu như chỉ cung cấp được một hoặc một số dịch vụ như quản lý chuỗi vận chuyển hàng hóa và hậu mãi, chỉ có Digiworld thực hiện được cả 5 dịch vụ đúng vai trò bán buôn (bao gồm cả nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược marketing sản phẩm, thực hiện chiến lược marketing).
Từng mảng dịch vụ trong 5 dịch vụ nói trên, các hãng sản xuất có thể thuê ngoài, nhưng các nhà sản xuất thuê 1 nhà phân phối tích hợp được đủ 5 dịch vụ này thì tiết kiệm hơn. Ông Trần Vũ – Tổng Giám đốc Dell Việt Nam cho biết, không phải tìm kiếm được thị trường là đã thành công. Việc hiểu người tiêu dùng (với sản phẩm máy tính còn là hiểu nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp) là điều rất khó thực hiện. Vì vậy Dell cần một doanh nghiệp phân phối có khả năng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu hộ nhà sản xuất. Một trong những lý do mà Dell sử dụng dịch vụ của Digiworld là công ty đang đáp ứng được cả hai tiêu chí trên.
Rủi ro đối với nhà bán lẻ
Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc Digiworld cho biết, với mặt hàng trên thị trường ai cũng biết, chỉ thuần túy cạnh tranh về giá thì nhà bán lẻ có thể phân phối trực tiếp từ hãng. Tuy nhiên điều này khó khăn ở vấn đề thời gian nhập hàng. Không nhà sản xuất nào có thể phân phối hàng trong 3 hay 5 ngày cho nhà bán lẻ như với các hãng bán buôn. Để nhập khẩu trực tiếp, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị 3 tháng thì mới có hàng về.
Còn với những sản phẩm đặc thù, khó bán hoặc chưa nổi tiếng trên thị trường, để món hàng đến tay người tiêu dùng thì phải nghiên cứu thị trường, tổ chức marketing, bán hàng, hậu mãi. Vai trò của nhà phân phối buôn sẽ được phát huy với nhóm sản phẩm này.
Ngược lại, khi nhà bán buôn tham gia bán lẻ họ cũng sẽ phải chịu nhiều rủi ro như: cạnh tranh cao, yêu cầu phát triển chuỗi bán lẻ để mở rộng thị phần hay phải chuyển đổi từ mô hình quản lý tập trung sang mô hình quản lý phân tán, đáp ứng yêu cầu quản lý đông số lượng nhân viên và chuỗi cửa hàng.
Đối với riêng Digiworld, trước câu hỏi giữ nguyên mô hình bán buôn hay mở rộng mảng bán lẻ, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết DGW đang trong quá trình định vị lại thương hiệu cũng như tìm kiếm sản phẩm mới thay thế mảng đã mất là Nokia. Theo kế hoạch của DGW, cơ cấu doanh thu sẽ bao gồm 3 mảng chính (1) Máy tính xách tay và máy tính bảng (2) Điện thoại thông minh và (3) Thiết bị văn phòng thay vì 4 mảng bao gồm cả Nokia/Microsoft như trước đây.
Trong đó, mảng điện thoại thông minh được kỳ vọng là tăng trưởng tốt nhờ các dòng điện thoại thông minh phân khúc trung bình dân mà DGW đang tập trung hướng tới, với tỉ trọng tăng từ 15%/tổng doanh thu lên đến 35%/tổng doanh thu.
Cuối cuộc thảo luận, ông Đặng Trần Hải Đăng Đăng kết luận, mỗi một mắt xích (nhà bán buôn hay nhà bán lẻ) có vai trò riêng của mình. Họ có những chức năng chuyên môn hóa khác nhau, dựa vào các yếu tố về năng lực tài chính, về đội ngũ nhân viên và vai trò của mỗi mắt xích này là không thể thay thế cho nhau. Đó là lý do tại sao, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại cả nhà bán buôn lẫn nhà bán lẻ.
Sự cạnh tranh đó theo các chuyên gia là tồn tại song song, vận động tạo sự phát triển. Nhưng quan trọng hơn, vai trò của nhà bán buôn vẫn không thể thay thế được do nhà bán buôn đóng vai trò như một “market maker”.