Điều gì sẽ xảy đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2018?

26/12/2017 18:03 PM | Kinh tế vĩ mô

ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2018 rơi vào khoảng 6,7%. Mức này được xem là cao hơn nhiều so với trung bình các nước trong khu vực.

Việt Nam trong vòng xoay của thế giới

Kinh tế Việt Nam với độ mở rất cao nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Điều này đã xảy đến trong năm 2017, khi kinh tế trong nước được “hưởng lợi” do kinh tế thế giới bước vào chu kỳ thuận lợi, sau 10 năm khó khăn.

“Diễn biến này sẽ tiếp tục trong năm 2018”, TS. Võ Trí Thành nói với Trí Thức Trẻ. Dù vậy, ông cho biết kết quả trong năm 2018 sẽ không đạt được mức độ lớn như năm 2017 so với năm 2016.

“Thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chu kỳ tăng trưởng kinh tế thế giới”, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCK Vndrect nhận xét và cho biết 2018 sẽ là năm tiền đề, bước đệm cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của nền tài chính Việt Nam.

Điều gì sẽ xảy đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2018? - Ảnh 1.

Ảnh: Cường Đỗ Mạnh, đồ hoạ: Hương Xuân

Theo đó, hướng tới cuộc chơi lớn hơn trong khu vực khi TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng vào nhóm thị trường mới nổi (Emerging Markets) vào cuối năm 2019, đầu 2020.

Dù vậy, các chuyên gia cũng thẳng thắn cho biết Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bất định, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ.

Các con số của Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội Quốc gia (NCIF) – Bộ KHĐT đã chỉ rõ điều này.

Đơn cử, NCIF cho biết, với 4 lần tăng lãi suất dự kiến của FED trong năm 2018 sẽ khiến cho GDP Việt Nam giảm nhẹ 0,0075 điểm phần trăm.

Điều gì sẽ xảy đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2018? - Ảnh 2.

Đồ hoạ: Hương Xuân

Hay việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm gói nới lỏng định lượng xuống còn một nửa (30 tỷ EU mỗi tháng từ 1 – 9/2018) sẽ khiến GDP Việt Nam giảm 0,0167 điểm phần trăm.

Dù vậy, NCIF lại cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đối với Hiệp định TPP, nay đổi thành CPTPP, ngay cả khi không có Mỹ, Việt Nam vẫn được hưởng lợi, dù thấp hơn ban đầu. Cụ thể, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1,32%, tương đương 1,7 tỷ USD (trong TPP12, con số này là khoảng 6,7%).

Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hoá dịch vụ theo kịch bản mở của dịch vụ (2,01%). Với giả định mức tác động luỹ tiến tới 2035, trung bình mức GDP tăng thêm mỗi năm khoảng 0,016%, tương đương khoảng 0,02 tỷ USD/năm.

Sắc màu nào của kinh tế 2018?

Trước thềm năm mới 2018, TS. Võ Trí Thành tỏ ra vừa mừng vừa lo. Mừng, như đã nói ở trên, đó là kinh tế trong nước sẽ được trợ lực bởi kinh tế thế giới rất nhiều. Tuy nhiên, nỗi lo thì vẫn ngổn ngang.

Đơn cử như việc nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực truyền thống như chế biến chế tạo, bất động sản… Các ngành này trong năm mới tuy vẫn phát triển nhưng sẽ không có sự bứt phá như năm 2017.

“Quốc hội thông qua chỉ số GDP năm 2018 là từ 6,5 – 6,7% là rất thận trọng”, ông Thành nói.

Điều gì sẽ xảy đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2018? - Ảnh 3.

Ảnh: Cường Đỗ Mạnh, đồ hoạ: Hương Xuân

Dù nhận định chỉ tiêu này có thể thực hiện được, nhưng ông Thành cũng lưu ý cần phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó, là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động tốt lên nữa.

Quyền Chủ tịch Uỷ Ban giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cho rằng Việt Nam là đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu mà xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào chính sách thương mại của các quốc gia, nhất là Mỹ.

“Còn lại là những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều, năng xuất lao động còn thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá”, ông Phước nói.

Điều gì sẽ xảy đến với kinh tế Việt Nam trong năm 2018? - Ảnh 4.

Ảnh: Cường Đỗ Mạnh, đồ hoạ: Hương Xuân

Về dài hạn, theo ông Phước, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, lợi thế cạnh tranh giữa các nước sẽ thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng các nước có trình độ công nghệ cao, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong khi lợi thế về lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên sẽ giảm.

“Do đó, Việt Nam cần tận dụng thời cơ từ nền tảng công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến, nhằm tránh nguy cơ bị tụt lại phía sau”, ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương không ít lần nhấn mạnh rằng dư dịa kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Việt Nam hoàn toàn đạt được các mức tăng trưởng cao, chứ không chỉ loay hoay ở con số 6,7%. Với những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, mà có thể nhìn rõ ở thương vụ Sabeco gần cuối năm nay, năm 2018, dường như có thể tin vào một bức tranh kinh tế sáng nét hơn, là bản lề cho những mục tiêu dài hạn của Việt Nam.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM