Liệu kinh tế Mỹ có 'hạ cánh mềm' được vào năm 2018?

25/12/2017 19:03 PM | Xã hội

Thông thường, các chính trị gia sẽ coi những thông số tăng trưởng tích cực là điều hiển nhiên trong báo cáo tác động từ chính sách của họ với nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng gần đây của kinh tế Mỹ dường như khiến chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải giật mình.

“Tốc độ tăng trưởng này thật ra cao hơn mức chúng tôi dự kiến”, Giám đốc Cục quản lý hành chính và ngân sách Mỹ (OMB), ông Mick Mulvaney nói.

Các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 3,1% trong quý II và 3,3% trong quý III/2017, thấp hơn so với cam kết 4% mà Tổng thống Donald Trump đã đề ra trong chiến dịch tranh cử.

Dẫu vậy, một thực tế không thể phủ nhận là nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng trong ngắn hạn, vấn đề là liệu quốc gia này có duy trì được đà đi lên như hiện nay hay không.

  Thị trường tiêu dùng

Một trong những trọng tâm được nhiều chính trị gia Mỹ hiện nay quan tâm là thị trường tiêu dùng Mỹ. Trong 2 năm qua, thu nhập bình quân hộ gia đình ở đây đã không còn suy giảm và tăng 5,2% vào năm 2015, tăng 3,2% vào năm 2016. Đầu tư tại Mỹ cũng đi lên trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ vào khoảng 4,1%.

Bất chấp những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Trump, niềm tin nhà đầu tư tại Mỹ vẫn ở mức cao. Đặc biệt việc cắt giảm thuế của chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong các năm tới. Thậm chí nhiều chuyên gia phân tích không đề cập đến liệu Mỹ có duy trì được tăng trưởng hay không mà là liệu nền kinh tế này có đang tăng trưởng nóng hay không?

Liệu kinh tế Mỹ có hạ cánh mềm được vào năm 2018? - Ảnh 1.

Tăng trưởng GDP theo quý và những thành phần đóng góp cho tăng trưởng này (%)

 Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã lưu ý đến rủi ro tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế. Những hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 vẫn còn in dấu và việc tăng lãi suất để bình ổn thị trường là điều dễ hiểu. Tính đến ngày 13/12/2017, FED đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và 5 lần kể từ đợt nâng lãi suất đầu tiên. Hiện mức lãi suất cơ bản tại Mỹ vào khoảng 1,25-1,5% và các chuyên gia dự đoán FED sẽ còn nâng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2018.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách hiện nay nhận định tỷ lệ thất nghiệp 4,1% là khá ổn nhưng nhiều ước tính cho thấy con số này sẽ còn giảm nữa trong năm 2018 và nguyên nhân chẳng liên quan gì đến các chính sách kinh tế.

Trong vòng 3 tháng qua, nước Mỹ tạo thêm mới bình quân 170.000 việc làm mỗi tháng trong khi ước tính từ nay đến năm 2026, dân số trong độ tuổi 20-64 lại chỉ tăng trung bình 50.000 người mỗi tháng. Bởi vậy, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thể rơi mãi và nếu năng suất lao động không được cải thiện, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị suy giảm.

Vào thời điểm năm 2016, nhiều chuyên gia đã lo ngại giá dầu giảm nhưng người dân vẫn tiết kiệm và không chịu chi tiêu thì tình hình hiện nay lại đang ngược lại. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tại Mỹ đã giảm từ hơn 6% GDP năm 2015 xuống chỉ còn 3% GDP hiện nay. Người tiêu dùng Mỹ hiện đã tích cực chi tiêu nhiều hơn và mức lãi suất thấp hiện nay có thể kích thích vay nợ, một yếu tố đáng quan ngại cho tình trạng tiết kiệm ít của các hộ gia đình.

Giá bất động sản tại Mỹ cũng đang đi lên khá mạnh. Ngoài nguyên nhân đầu tư từ nước ngoài, nhất là từ những quốc gia có đông cư dân muốn nhập cư vào Mỹ như Trung Quốc, việc vay nợ với mức lãi suất thấp cũng kích thích người dân đổ tiền lại vào thị trường này. Giá nhà tại Mỹ trong quý III/2016 đã cao hơn mức đỉnh của năm 2007 ngay trước khi xảy ra khủng hoảng, tương đương mức tăng trưởng 6,3%.

Đau đầu chính sách tiền tệ

Báo cáo mới đây của FED cho thấy giá bất động sản tăng cùng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã giúp người Mỹ thu lời lớn. Các hộ gia đình và những tổ chức phi chính phủ hiện giữ khối tài sản có giá trị cao gấp 7 lần so với mức thu nhập thường xuyên sau thuế, cao kỷ lục trong lịch sử.

Liệu kinh tế Mỹ có hạ cánh mềm được vào năm 2018? - Ảnh 2.

Tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng thu nhập bình quân theo giờ và tỷ lệ lạm phát (%)

Trong khi đó, những diễn biến của chính trường đã giúp thị trường nội địa có niềm tin hơn. Chiến thắng của Tổng thống Trump đã khiến các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ tin tưởng vào tương lai hơn. Khảo sát của tổ chức Business Roundtable cho thấy niềm tin của các giám đốc điều hành tại những tập đoàn lớn ở Mỹ đã tăng lên gần mức kỷ lục 6 năm qua khi bản cải cách thuế được Nghị viện Mỹ thông qua vào ngày 5/12/2017.

Việc chính phủ Mỹ thông qua bản cải cách thuế đã tạo nên cú hích lớn với thị trường chứng khoán. Tính từ tháng 3/2009 tới trước khi Tổng thống Trump thắng cử, chỉ số S&P 500 chỉ tăng bình quân 16% thì nay tăng đến 22%/năm.

Đà tăng trưởng của chứng khoán đã đem lại thu nhập cho nhiều người Mỹ, nhưng chúng cũng khiến FED phải đau đầu bởi chính sách nới lỏng tiền tệ có thể khiến nhiều bong bóng thị trường xuất hiện. Đồng USD đã không còn tăng giá mạnh như năm 2016 trước cơn bão tiền ảo và sự hồi phục của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.

Đích thân Chủ tịch FED chi nhánh New York, ông William Dudley nhấn mạnh rằng tình hình thị trường hiện nay sẽ thúc đẩy FED tăng lãi suất tiếp. Tuy nhiên, nghiên cứu của Goldman Sachs lại cho thấy thị trường tài chính hiện thậm chí cởi mở hơn so với tháng 12/2015 bất chấp những đợt nâng lãi suất của FED.

Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát, yếu tố FED quan tâm, không tăng như dự kiến bất chấp các đợt nâng lãi suất. Tính đến tháng 10/2017, tỷ lệ lạm phát phi năng lượng và thực phẩm chỉ đạt 1,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức mục tiêu 2% của FED. Mức lương bình quân cũng chỉ tăng 2,5%, không khác mấy so với 2 năm trước đây.

Thêm vào đó, FED cũng phải dè chừng những tác động từ chính sách thuế mới của Tổng thống Trump. Những nghiên cứu cho thấy việc cắt giảm 1% GDP thuế sẽ khiến FED buộc phải nâng 0,4 điểm phần trăm nhằm đảm bảo ổn định cho nền kinh tế. Ngoài ra, những quy định mới về thuế ước tính sẽ khiến gia tăng thâm hụt ngân sách thêm 0,2% GDP vào năm 2018 và 1,1% GDP năm 2019, chưa kể đến những hệ lụy khác về việc làm và đầu tư.

AB

Cùng chuyên mục
XEM