Điều gì làm Tôn Quyền trở thành Hoàng đế "khủng" nhất lịch sử Trung Quốc?
So với Tào Tháo và Lưu Bị, Tôn Quyền được đánh giá là nhà quân phiệt thành công và nắm giữ nhiều "kỷ lục" nhất.
Trong 3 nhà quân phiệt kiệt xuất nhất thời đại Tam Quốc - Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền, thì Quyền là nhân vật sở hữu nhiều "kỷ lục" nhất.
Tôn Trọng Mưu sống thọ nhất so với Tào Tháo, Lưu Bị, ông mất năm 71 tuổi; có thời gian cầm quyền Đông Ngô dài nhất, tới 52 năm và là ông vua duy nhất trong hơn 300 vị quân vương của lịch sử Trung Quốc được gọi là "thiên cổ đại đế".
Sở dĩ có danh xưng như vậy, bởi sau khi qua đời năm 252, Tôn Quyền được truy phong thụy hiệu Ngô thái tổ Đại hoàng đế. Ông là "Đại hoàng đế" duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tôn Quyền kế thừa cơ nghiệp của cha và anh, trấn thủ Giang Nam. Ông là người giỏi mưu lược, biết thay đổi theo thời cuộc, nhờ vậy mà thành bá chủ một phương.
Sử gia Trần Thọ - tác giả "Tam Quốc Chí" đánh giá về ông - "Mưu lược, tài năng như Câu Tiễn, là người kiệt xuất".
Tôn Quyền là nhà chiến lược tài ba, có năng lực vượt trội được thể hiện ở nhiều lĩnh vực: nắm đại quyền chính trị, quân sự, bành trướng lãnh thổ, phát triển kinh tế.
Năm 213, Tào Tháo xua quân Nam hạ đánh Ngô. "Tam Quốc Chí - Thục thư" và "Ngô lịch" đều chép - "(Tào Tháo) nhìn quân đội của Quyền, thầm than mà rút lui". Đó chính là chiến dịch Nhu Tu Khẩu mà Tôn Quyền buộc Tào Tháo lui quân "không kèn không trống".
Một đối thủ lớn khác của Tôn Quyền là Gia Cát Lượng cũng đề cao ông trong "Long Trung đối sách" - "Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông đã qua 3 đời. Dân giàu nước mạnh, hiền tài vô số".
Chính quyền Tôn Ngô dưới sự thống trị của Tôn Quyền có khả năng hùng cứ Giang Đông, đỉnh lập cùng Ngụy, Thục, bên cạnh yếu tố "địa lợi" - Bắc có sông lớn, Tây có núi hiểm, thì quan trọng nhất là "nhân hòa".
Tôn gia từ thời khởi nghiệp đã quán triệt chính sách lôi kéo hiền tài. Tôn Sách lúc lâm chung từng nói với Tôn Quyền - "Việc điều binh khiển tướng, tranh đoạt thiên hạ thì khanh không bằng ta.
Nhưng trọng dụng hiền tài, thu phục nhân tâm, bảo vệ Giang Đông thì ta không bằng khanh".
Nghệ thuật dùng người được cho là bí quyết giúp Tôn Quyền thống trị chính quyền Đông Ngô hơn nửa thế kỷ.
Vũ khí chiến lược
Các học giả hiện đại thừa nhận, tài dụng nhân chính là vũ khí "tất thắng" của Tôn Quyền.
Danh tướng Lữ Mông vốn dĩ chỉ là một "sĩ quan quèn". Một lần Tôn Quyền duyệt binh, trông thấy Lữ Mông chỉ huy một nhóm lính "bộ pháp chỉnh tề, tinh thần phấn chấn". Quyền rất hài lòng, bèn phá cách đề bạt Lữ Mông.
Về sau, Lữ Mông trở thành đại tướng anh dũng thiện chiến, vang danh thiên hạ với chiến dịch tập kích "bạch y độ giang" đánh bại Quan Vũ , đoạt lại Kinh Châu về cho Đông Ngô.
Năm 221, khi Lưu Bị huy động lực lượng toàn quốc tấn công Đông Ngô, Tôn Quyền phái Gia Cát Cẩn sang Thục cầu hòa.
Có người cho rằng Gia Cát Cẩn - anh trai Gia Cát Lượng - chắc chắn sẽ "một đi không trở lại", chỉ có Tôn Quyền nói - "Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có lời thề sinh tử. Tử Du không phụ ta, ta cũng không phụ Tử Du".
Quả nhiên, Gia Cát Cẩn là người công tư phân minh, sau khi thực hiện nhiệm vụ ngoại giao đã trở về phụng mệnh.
Danh tướng Lục Tốn của Ngô ban đầu cũng chỉ là một thư sinh, không có công tích gì. Sau khi đại quân Thục - Ngô khai chiến, được Lữ Mông tiến cử, Tôn Quyền lập tức giao đại quyền vào tay Tốn.
Không phụ sự kỳ vọng của Quyền, Lục Tốn đã đánh tan quân Lưu Bị trong trận Di Lăng.
Cũng nhờ sự phá cách trong phương pháp dùng người của Tôn Quyền, mà thời kỳ cai trị của ông được đánh giá là "nhân tài như mây", không rơi vào tình trạng người tài không có đất dụng võ như Thục Hán giai đoạn suy vong.
Đặc biệt, Tôn Quyền được đánh giá là biết cách thể hiện sự tín nhiệm đối với các thống soái của mình, điển hình là việc trao toàn quyền vào tay Chu Du trong đại chiến Xích Bích, hay Lữ Mông trong chiến dịch Kinh Châu và Lục Tốn ở trận Di Lăng.
Trong những trận này, Tôn Quyền đều không cần đích thân thống lĩnh đại quân ra trận.
Lữ Mông nổi tiếng với chiến dịch "bạch y độ giang", giành lại Kinh Châu về cho Đông Ngô từ tay Thục Hán. Ông được gọi là "khắc tinh của Quan Vân Trường"
Sách lược khôn ngoan hoàn thành đế nghiệp
Tôn Quyền chắc chắn là nhân vật có hùng tâm tráng chí, và ông đã từng bước thực hiện "mộng đế vương" của mình một cách khôn ngoan.
Ban đầu, khi quần thần khuyên Tôn Quyền xưng đế ở Giang Đông, ông đã nhiều lần thoái thác.
Nguyên nhân bởi đương thời Tào Tháo sở hữu lực lượng quân đội với quân số hàng triệu người, giương cao khẩu hiệu "phò tá Thiên tử hiệu lệnh chư hầu".
Trong khi đó, Lưu Bị cũng dựa vào danh nghĩa "Hoàng thúc" để dựng cờ "quang phục Hán thất". Cả Tào Tháo và Lưu Bị khi đó đều sở hữu ưu thế chính trị lớn hơn Tôn Quyền.
Quyền tự biết bản thân không "danh chính ngôn thuận", cho nên đã hết sức ẩn nhẫn, không hề lộ ra ý đồ chính trị của mình.
Mãi tới năm 229, khi cả Tào Tháo và Lưu Bị đã qua đời, cục diện chính trị tại Đông Ngô ổn định, Tôn Quyền có được "điều kiện vẹn toàn", ông mới đăng cơ xưng đế.
Thời đại cai trị của Tôn Quyền được đánh giá là "thành công", khi ông phát triển mạnh mẽ kinh tế Đông Ngô và mở rộng quan hệ ngoại giao với khu vực xung quanh.
Các đội thuyền của Ngô từng tới Philippines, Ấn Độ, Ả Rập... mở rộng phạm vi giao thương, giúp Ngô duy trì vị thế "đỉnh lập" khi thường xuyên phải đối đầu quân sự với Thục và Ngụy.
Đáng tiếc, khi về già, Tôn Quyền bị mất đi sự "hùng tài vĩ lược" của mình. Ông trở nên đa nghi, thất chí, khiến mâu thuẫn nội bộ triều Ngô diễn biến phức tạp.
Sau khi Tôn Quyền mất, Đông Ngô rơi vào thời kỳ đen tối bởi những cuộc thanh trừng triều đình đẫm máu, kết cục khiến nước này không thoát khỏi họa diệt vong.