Điều gì khiến Campuchia từ quốc gia đói nghèo, sau 10 năm có gạo xuất khẩu tới 63 thị trường, thu nhập người nông dân tăng 100% chỉ nhờ trồng lúa?
Báo cáo của Ngân hàng World Bank cho thấy ngành nông nghiệp Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng 5,3% trong khoảng 2004-2012, mức cao nhất thế giới và đây được đánh giá là thời kỳ vàng son cho quốc gia này.
Nói về ngành lúa gạo, Thái Lan và Việt Nam xứng đáng là những cái tên phải nhắc tới trên thế giới. Tuy nhiên, một quốc gia khác cũng không kém cạnh, đó là Campuchia với tốc độ tăng trưởng nông nghiệp mạnh mẽ chưa từng có.
Báo cáo của Ngân hàng World Bank cho thấy ngành nông nghiệp Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng 5,3% trong khoảng 2004-2012, mức cao nhất thế giới và đây được đánh giá là thời kỳ vàng son cho quốc gia này.
Cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng năng suất thu hoạch của tất cả các loại cây trồng ở Campuchia đạt 4%. Hơn nữa, chi phí sản xuất thấp của nước này khiến Campuchia thúc đẩy được xuất khẩu để cạnh tranh với những quốc gia trồng lúa gạo khác như Thái Lan, Việt Nam hay Myanmar.
Nghiên cứu vào năm 2015 cũng cho thấy mức thu nhập của người nông dân Campuchia đã tăng 100% trong 10 năm qua và tương đồng với nhiều ngành nghề khác. Khoảng 4 triệu người nghèo Campuchia đã thoát nghèo được nhờ trồng lúa. Tỷ lệ nghèo đói của nước này cũng giảm mạnh từ 50% năm 2007 xuống 12% năm 2012.
Hiện Campuchia đã xuất khẩu gạo tới 63 thị trường trên thế giới, bao gồm cả những nước có tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ hoặc Châu Âu.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Campuchia đã từng là một quốc gia đói nghèo không đủ gạo ăn. Chỉ cách đây 10 năm, việc xuất khẩu gạo là điều không dám mơ tới của nhiều nông dân Campuchia.
Vươn lên từ chiến tranh
Số liệu vào năm 1987 của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy Campuchia vẫn là một quốc gia vô cùng nghèo, phải phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, năng suất nông nghiệp của nước này giai đoạn 1979-1985 thậm chí còn thấp hơn nữa.
Quốc gia này đã từng trải qua các đợt thiếu lương thực nặng vào năm 1979-1981-1984-1987. Chính phủ đã từng đặt kế hoạch nâng tổng diện tích trồng lúa tại đây lên 1,77 triệu ha vào năm 1987 nhưng trên thực tế, chỉ có 1,15 triệu ha được nông dân sử dụng.
Nguyên nhân chính của tình trạng này ngoài sự biến động địa chính trị còn do điều kiện thời tiết xấu, nông dân thiếu kinh nghiệm cũng như chính phủ chưa có các chính sách thích hợp hỗ trợ nông nghiệp.
Tại thời điểm 1985, nông nghiệp chiếm 90% GDP và 80% lao động toàn quốc. Dẫu vậy việc trồng trọt manh mún không theo kế hoạch, mang mục đích tự cung tự cấp là chính đã khiến mảng kinh tế chủ lực này của Campuchia không hiệu quả.
Phải đến thập niên 2000, chính quyền Phnom Penh mới dần chuyển hướng, áp dụng công nghệ và chú trọng hơn trong việc quy hoạch ngành nông nghiệp. Sản lượng lúa gạo của nước này ngay lập tức tăng từ khoảng 40.000 tấn năm 2010 lên gần 400.000 tấn năm 2013.
Bí quyết của Campuchia là tăng cường xuất khẩu lúa chất lượng cao nhằm đem thêm lợi nhuận cho người dân, qua đó kích thích ngành nông nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, chi phí nhân công rẻ khiến các sản phẩm lúa chất lượng cao của nước này có mức lợi nhuận cao hơn các đối thủ.
Nhận thấy ngành nông nghiệp trong nước không đấu lại được với những ông lớn như Thái Lan hay Việt Nam, chính phủ Campuchia hướng đến loại sản phẩm lúa gạo chất lượng cao ít cơ giới hóa, ít phân bón hóa học và được trồng thủ công bằng tay.
Hiện khoảng 40% sản lượng lúa gạo của Campuchia là sản phẩm chất lượng cao và mức giá gạo xuất khẩu của nước này cũng cao hơn các đối thủ như Thái Lan hay Việt Nam.
Thêm vào đó, Campuchia cũng tích cực tìm hiểu nhiều thị trường khác nhau nhằm cải thiện hệ thống marketing, xây dựng thương hiệu, đóng gói… để tăng sản lượng xuất khẩu gạo. Tính đến cuối năm 2017, nước này đã xuất khẩu khoảng 635.000 tấn gạo đến 63 nước trên thế giới.
Chặng đường còn dài phải đi
Mặc dù đạt được nhiều thành tích đáng nể nhưng ngành nông nghiệp Campuchia lại đang gặp nhiều khó khăn thời gian gần đây sau quãng thời gian hoàng kim. Quỹ đất nông nghiệp không còn nhiều cùng với môi trường bị ô nhiễm, khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến tốc độ tăng trưởng ngành đã giảm xuống dưới 2% trong 2 năm qua.
Theo Ngân hàng World Bank, Campuchia cần duy trì mức tăng trưởng ít nhất 5% trong ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo cho người nông dân thoát nghèo và có động lực trồng lúa. Hiện nay dù nhiều nông dân Campuchia đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng vẫn nằm trong vùng thu nhập thấp so với mặt bằng chung, qua đó dễ dàng đẩy các hộ làm nông này trở về tình trạng nghèo đói trước đây cũng như làm giảm sự nhiệt tình với nghề trồng lúa.
Ngoài ra, World Bank cho rằng hệ thống cơ sở hạ tầng kém cùng giá nhiên liệu cao đang tác động tiêu cực đến nghề nông khi nước này muốn ứng dụng công nghệ cao cũng như tăng năng suất. Mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi năm của Campuchia đã trễ hẹn năm 2017.
Theo World Bank, Campuchia đang đứng ở vùng khá nguy hiểm khi không thể duy trì đà tăng trưởng cho nông nghiệp, qua đó tạo thành vòng luẩn quẩn do nông dân rơi lại vào nghèo đói và không muốn tăng năng suất nông nghiệp.
Một yếu tố nữa khiến nông nghiệp Campuchia gặp khó là sự phát triển kinh tế khiến nhiều ngành nghề cũng tăng thu nhập, qua đó nới rộng khoảng cách với nghề nông. Trong 6 năm qua, nhiều nhà máy dệt may tại đây đã mọc lên với mức lương bình quân 150 USD/tháng cho mỗi công nhân, cao hơn rất nhiều mức thu nhập khoảng 50-100 USD/tháng của người nông dân.
"Campuchia không cần phải gia tăng nhiều sản lượng lúa gạo, chúng tôi không thể cạnh tranh vị trí top đầu trong bảng xếp hạng sản lượng lúa gạo trên thế giới. Thay vào đó, chúng tôi cần phải nhắm đến những thị trường ngách bởi chúng tôi không thể đọ được về sản lượng. Chúng tôi cần làm những gì mà chúng tôi thành thạo nhất và để làm được điều đó, chính phủ cần có những chiến lược thích hợp cũng như những cải cách đáng kể", chuyên gia Mey Kalya của Hội đồng kinh tế quốc gia Campuchia nói.