Điện thoại là "núm vú giả" xoa dịu người lớn khi cáu kỉnh, buồn chán: Xin đừng lãng phí gần 1500 giờ/năm vào chiếc điện thoại, bạn sẽ bỏ lỡ những điều quý giá nhất!
Ta sống trong thời đại của sự lo âu. Điện thoại có thể xoa dịu sự lo âu đó, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần khiến nỗi lo trầm trọng hơn. Một số nhà nghiên cứu gọi điện thoại thông minh là "núm vú giả cho người lớn."
Bạn nghĩ mất bao lâu để một email công việc bình thường được mở ra xem: 10 phút, 5 phút hay 1 phút?
6 giây.
Trên thực tế, 70% lượng email công việc được đọc trong vòng 6 giây sau khi xuất hiện trong hộp thư.
Đúng vậy, chúng ta đang gặp một vấn đề. Thay vì cải thiện cuộc sống chúng ta, công nghệ đang ngày càng can thiệp vào việc ta tận hưởng cuộc sống của mình. Và nguyên nhân lớn nhất của vấn đề chính là thứ thiết bị bạn mang bên mình đến mọi nơi. Tôi nhận ra đã đến lúc tìm đến một chuyên gia để hỏi xin vài lời khuyên…
Adam Alter là giảng viên marketing tại Đại học New York nói: "Một số người có thể bảo rằng họ không nghiện công nghệ mà chỉ tận hưởng nó. Nhưng cũng chính những người đó có thể nói những điều như "Tôi ước gì có nhiều thời gian hơn để làm những việc mình thích." Nhà văn kiêm triết gia Henry David Thoreau từng nhận định, "Cái giá của bất cứ thứ gì chính là thời lượng cuộc sống mà bạn đánh đổi để có nó."
Trung bình con người bỏ ra 3-4 giờ một ngày để sử dụng điện thoại. Trong thời kỳ trước khi có điện thoại thông minh, con số này chỉ là 18 phút. Và điều gì xảy ra khi bạn hỏi một thanh niên rằng anh ta chọn bị gãy xương hay bị hỏng điện thoại? Adam cho biết:
"Có một nghiên cứu yêu cầu mọi người, chủ yếu là giới trẻ, ra một quyết định: Nếu phải làm gãy một chiếc xương hoặc làm hỏng điện thoại của mình, bạn sẽ chọn điều nào? 46% chọn làm gãy xương. Nhưng dù 54% còn lại nói rằng họ thà bị hỏng điện thoại thì đó vẫn không phải một quyết định nhanh chóng. Họ đã băn khoăn suy nghĩ về việc đó."
Và nếu bạn có con, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn. Trẻ em không học được sự đồng cảm và trí thông minh cảm xúc từ màn hình điện thoại. Adam cho biết trẻ em hiện nay dành ra chưa đến 20% thời gian để vui chơi trực tiếp với người khác. Đoán xem lượng thời gian đó đã đi đâu? Bạn đoán đúng rồi đấy.
Chắc chắn Steve Jobs đã làm thay đổi thế giới bằng sản phẩm iPad, nhưng điều mà đa số mọi người không biết là ông không để con cái mình sử dụng nó. Theo lời ông kể với New York Times vào năm 2010, "Chúng tôi giới hạn mức độ công nghệ mà các con sử dụng tại nhà."
Câu hỏi lúc này là, "Chuyện gì đang xảy ra và ta có thể làm gì?" Adam có một vài ý tưởng tuyệt vời được hỗ trợ bằng các nghiên cứu. Hãy cùng xem qua nhé.
Chúng Ta Thật Sự Là Những Kẻ Nghiện Điện Thoại?
Điện thoại không phải ma túy. Vậy tại sao ta lại nghiện nó? Vì thói nghiện không liên quan đến cảm giác sung sướng.
Hãy nghĩ xem: hàng ngàn người lên bàn mổ mỗi ngày và được tiêm thuốc giảm đau rất mạnh, nhưng hiếm người nào nghiện thuốc giảm đau. Vì sao vậy?
Vì thói nghiện liên quan đến việc xoa dịu nỗi đau về tâm lý. Đó là việc sử dụng một thứ gì đó để đối phó với một vấn đề trong cuộc sống.
Adam nói: "Bạn chỉ nghiện khi bạn có một động cơ tâm lý nào đó chưa được đáp ứng: cảm giác cô đơn, bị hiếp đáp hoặc bất lực. Thứ bạn sử dụng để xoa dịu cảm giác đó thật ra không quan trọng, cho dù đó là chơi một trò chơi để khiến bản thân phân tâm hay dùng ma túy. Xét về khía cạnh xoa dịu tâm lý thì thói nghiện về hành vi và nghiện hóa chất là rất giống nhau."
Ta sống trong thời đại của sự lo âu. Điện thoại có thể xoa dịu sự lo âu đó, nhưng đồng thời cũng có thể góp phần khiến nỗi lo trầm trọng hơn. Một số nhà nghiên cứu gọi điện thoại thông minh là "núm vú giả cho người lớn." Khi ta trở nên cáu kỉnh, buồn chán, hoặc phiền muộn thì cái "núm vú giả" đó giúp xoa dịu ta.
Bạn hoàn toàn có thể làm chủ điện thoại của mình
1. "Không" thay vì "Không được"
Khi bạn quyết tâm thay đổi, hãy tự nhủ "Mình sẽ không kiểm tra điện thoại nhiều hơn một lần mỗi giờ" thay vì "Mình không được kiểm tra điện thoại nhiều hơn một lần mỗi giờ."
Adam cho biết:"’Không’ là một phát biểu có tính tuyên bố về con người bạn. Khi bạn nói mình "không" làm một việc, tức là bạn cho bản thân khả năng đưa ra quyết định không làm việc đó. Từ "không được" thì lại tạo cảm giác như có một sức mạnh bên ngoài đang bảo bạn rằng bạn không nên làm việc đó. Cách vận hành của động lực và hoạt động ra quyết định của con người đó là ta thể hiện tốt hơn khi nhu cầu bắt nguồn từ bên trong bản thân. Ta không thích bị bảo rằng mình có thể hay không thể làm gì."
Nghe có vẻ nhỏ nhặt nhỉ? Không đâu. Adam trích dẫn một nghiên cứu về việc phụ nữ cố gắng đạt mục tiêu tập thể dục. Những người tự nhủ, "Mình không thể bỏ lỡ một buổi tập" chỉ có tỉ lệ tập thành công là 10%, trong khi những người nói "Mình sẽ không bỏ lỡ các buổi tập" thì có 80% khả năng duy trì đến cùng.
2. Khoảng cách là yếu tố then chốt
Khi bạn không hoàn toàn cần có điện thoại bên cạnh, hãy đặt nó ở nơi bạn không thể dễ dàng với tới. Phương án tốt là đặt nó ở phía bên kia căn phòng.
"Bạn cơ bản có thể thiết kế môi trường xung quanh để tối đa hóa lợi ích cho chính mình. Có 2 cách chủ yếu để làm điều này: một trong số đó là đảm bảo bạn cách xa yếu tố cám dỗ. Vì vậy nếu bạn đang ‘nghiện’ thứ gì đó, hãy đảm bảo đừng đặt nó ở gần mình. Để ngăn bản thân sử dụng điện thoại, cách này hiệu quả hơn nhiều so với việc giữ điện thoại bên cạnh nhưng cố kiềm chế sử dụng n", Adam viết.
Và khi bạn cần điện thoại, hãy tắt hết mọi thông báo không cần thiết.
"Hãy tắt âm báo tin nhắn mới, nhờ đó thay vì chờ điện thoại ‘ra lệnh’ (‘Này, kiểm tra tôi đi’), bạn sẽ là người quyết định thời điểm kiểm tra. Bạn giành lại quyền kiểm soát từ chiếc điện thoại. Bạn cũng có thể ẩn đi những ứng dụng gây nghiện nhất với mình."
Nhưng bạn sẽ mắc lỗi. Tất cả chúng ta đều thế. Vậy cách khắc phục là gì?
3. Sử dụng "Quy tắc ngăn chặn"
Bạn có bao giờ bảo là mình sẽ "chỉ kiểm tra điện thoại thật nhanh" để rồi lại sử dụng nó cả tiếng đồng hồ không?
Bạn kiểm tra email, Facebook, Twitter và Instagram… Và đến khi bạn làm xong những việc đó, đã đến lúc kiểm tra email, Facebook, Twitter, và Instagram một lần nữa. Bạn có thể gọi đây là "nơi chốn hạnh phúc" của mình, còn các nhà nghiên cứu thì đặt cho nó cái tên là "vòng lặp vui chơi" – thứ mà những cái máy đánh bạc được thiết kế để tạo ra.
"’Vòng lặp vui chơi’ xuất hiện khi bạn bị cuốn vào một trải nghiệm có tính gây nghiện. Như hành động kéo cần gạt của chiếc máy đánh bạc, bạn bước vào trạng thái được xoa dịu mà trong đó bạn liên tục lặp lại hành động hết lần này đến lần khác. Hành động đó trở thành một trạng thái dễ chịu đối với bạn, và bạn sẽ không dừng lại cho đến khi bị ‘kéo’ khỏi đó theo nghĩa đen."
Và bỗng dưng, có điều gì đó xảy ra khiến bạn bừng tỉnh, "Đã một tiếng rồi ư?!?!" Vậy việc bạn cần làm là đảm bảo lên kế hoạch trước cho sự gián đoạn tương tự.
Đó là "quy tắc ngăn chặn", cho bạn biết rằng đã đến lúc cần dừng lại. Nó phá vỡ trạng thái chìm đắm trong thói quen gây nghiện và khiến bạn nghĩ đến một điều khác. Tốt nhất là hãy dùng lời tuyên bố như, "Mình sẽ không xem nhiều hơn 2 tập phim."
Và công cụ đồng hồ đếm ngược trong điện thoại sẽ vô cùng hữu hiệu trong việc này. Có lẽ đó là điều bạn nên thực hiện đầu tiên trước khi bị cuốn vào "vòng lặp vui chơi" tiếp theo.
Vậy một "quy tắc ngăn chặn" có thể giúp bạn dừng việc mải mê kiểm tra điện thoại. Nhưng làm sao bạn xóa bỏ được thói quen này mãi mãi?
4. Bạn không phá bỏ mà chỉ thay thế thói quen
Khoảng cách là yếu tố then chốt đúng không nào? Khi bạn ngồi trên ghế sofa, hãy đảm bảo điện thoại đang cách bạn thật xa trong khi một quyển sách thì nằm ngay trong tầm với. Điều này có nghĩa là bạn đang thay thế một thói quen xấu bằng một thói quen tốt: Khi muốn kiểm tra điện thoại thì bạn cầm lấy quyển sách.
"Điều bạn cần làm là tìm một hành vi thay thế cho hành vi bạn muốn ngăn mình làm. Bạn thay thế điều không nên làm bằng một điều nên làm."
Đến đây, có lẽ bạn đang dự định kết hợp nhiều lời khuyên bên trên và cảm thấy thật hào hứng. Tuyệt lắm. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta rất dễ "ngựa quen đường cũ,"và đây là những gì bạn cần làm…
5. Công cụ cần thiết phá bỏ "gông cùm" của các thói nghiện
Trong tiểu thuyết "Bác Sĩ Jekyll Và Ngài Hyde" nhân vật chính biết mình sẽ biến thành sói khi đêm xuống nên anh rào cửa chính lại và tự xích mình lại dưới tầng hầm. Như thế khi biến thành quái vật, anh sẽ không thể làm hại ai.
Bằng cách dự đoán vấn đề rồi đưa ra các quyết định khôn ngoan, bạn có thể đảm bảo trong tương lai mình sẽ không làm điều gì ngu ngốc như nghiện kiểm tra điện thoại.
"Ta khó lòng làm được việc đúng đắn ngay hôm nay. Điều bạn cần làm căn bản là đảm bảo thúc đẩy con người tương lai của mình hành động đúng", Adam nói.
Bạn sang nhà một người bạn để ăn tối và biết mình sớm muộn gì cũng sẽ kiểm tra điện thoại một cách bất lịch sự trong khi ăn? Hãy bỏ điện thoại vào túi áo khoác. Ai lại siêng năng đến mức cứ mỗi 5 phút lại bước tới chỗ treo áo khoác một lần để kiểm tra điện thoại? Hãy tóm tắt lại mọi thứ và tìm hiểu vì sao việc nghiện điện thoại có thể là một điều rất tốt về lâu dài…
Thực chất, các thói nghiện bắt đầu khi có một vấn đề trong cuộc sống mà bạn đang vất vả đối mặt. Vì vậy việc kiểm tra điện thoại quá nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bạn.
Khi bạn có một đời sống đầy đủ, có các phương thức tốt để xoa dịu lo âu như các mối quan hệ tốt, bạn sẽ khó hình thành những thói nghiện hành vi.
Vậy giải pháp lâu dài không phải là xử lý chiếc điện thoại, mà là cải thiện và củng cố các mối quan hệ tốt đẹp để những lo âu của bạn được xoa dịu.
Vậy nếu bạn đang đọc bài viết này trên điện thoại, hãy nhắn tin hoặc email cho người mà bạn quan tâm và cho họ biết bạn quan tâm đến họ. Hãy hẹn ngày giờ để gặp họ.
Và sau đó cất điện thoại đi.
(Barcodermagazine)