Điện gió ngoài khơi có thể tạo giá trị gia tăng 60 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

25/01/2022 18:10 PM | Xã hội

'Càng ngày công nghệ càng phát triển. Với quy mô, sản lượng dự án về năng lượng điện gió, và điện gió ngoài khơi phát triển thì giá thành điện gió sẽ giảm dần, có thể giảm tới một nửa, thậm chí rẻ hơn điện than' – ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT T&T Group nói.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển trải dài trên 3.200 km, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió nói chung và điện gió ngoài khơi (ĐGNK) nói riêng là rất lớn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường ĐGNK với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô để bảo đảm tính hiệu quả của ngành ĐGNK của Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên tối thiểu khoảng 5 GW. ĐGNK có thể đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển ĐGNK tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.

Với việc xác định sẽ chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng xanh, điện gió ngoài khơi chắc chắn là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất cho Việt Nam, và bài học đã được nhìn thấy ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Theo các chuyên gia năng lượng và các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi với hơn 3.200 km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao. Với tốc độ trung bình hơn 10m/s, vùng lãnh hải của Việt Nam nằm trong top 10% những nơi có nhiều gió nhất trên hành tinh. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có tốc độ gió tốt nhưng lại bị hạn chế bởi biển sâu.

"Tuy nhiên, phát triển ĐGNK tại Việt Nam là lĩnh vực mới. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết thoả đáng bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và đặc biệt quan trọng là phát triển chuỗi cung ứng nội địa", ông Anh Lê Tuấn Anh Vụ trưởng Vụ kinh tế CN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tại Hội nghị về chuỗi cung ứng ĐGNK tại Việt Nam cũng như các tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ĐGNK do Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T Group đồng tổ chức mới đây.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương nhận định tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng gần 500 GW về mặt kỹ thuật, là nguồn điện rất lớn so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ năng lượng mới nói chung và năng lượng tái tạo (NLTT) nói riêng ngày càng phát triển với chi phí ngày càng cạnh tranh so với nguồn điện truyền thống.

Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu "Tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045".

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh: "Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu".

Trong đó, năng lượng là một lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên với các giải pháp đột phá nhằm xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để có thể hiện thực hoá cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Nhìn thấy tiềm năng trong lĩnh vực này, sau khi thực hiện hàng loạt dự án điện gió trên bờ, T&T Group đã ký một thỏa thuận hợp tác "khủng" với Tập đoàn năng lượng Ørsted (Đan Mạch) để đầu tư 4 dự án điện gió tại Bình Thuận và Ninh Thuận và Hải Phòng với tổng vồn đầu tư lên tới khoảng 30 tỷ USD trong 20 năm.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 1

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 1 có công suất lắp đặt dự kiến: 3.000 MW chia làm 3 giai đoạn năm 2028, 2030 và 2035, mỗi giai đoạn phát triển 1.000 MW. Tổng mức đầu tư trước thuế dự kiến là 223.462 tỷ đồng.

Dự án này đã được UBND Tỉnh Ninh Thuận trình Bộ Công Thương đề nghị cập nhật vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) tại văn bản số 2926/UBND-KTTH ngày 16 tháng 6 năm 2021.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 2

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 2 có công suất lắp đặt dự kiến: 2.000 MW chia làm 2 giai đoạn năm 2033 và 2035, mỗi giai đoạn phát triển 1.000 MW. Tổng mức đầu tư trước thuế dự kiến là 157.556 tỷ đồng.

Dự án ĐGNK Ninh Thuận 2 đã được UBND Tỉnh Ninh Thuận trình Bộ Công Thương đề nghị cập nhật vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) tại văn bản số 2927/UBND-KTTH ngày 16 tháng 6 năm 2021.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Tuy Phong

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Tuy Phong có công suất lắp đặt dự kiến: 4.600 MW chia làm 3 giai đoạn năm 2028, 2032 và 2034. Trong đó, giai đoạn 1 phát triển 1.000 MW, 2 giai đoạn sau mỗi giai đoạn 1.800MW. Tổng mức đầu tư trước thuế dự kiến là 367.780 tỷ đồng

Dự án ĐGNK Tuy Phong đã được UBND Tỉnh Bình Thuận trình Bộ Công Thương trình tổng thể trong danh mục các dự án ĐGNK tiềm năng của Tỉnh đề nghị cập nhật vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) tại văn bản số 589/UBND-KT ngày ngày 18 tháng 2 năm 2021.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Hải Phòng

Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Hải Phòng có công suất lắp đặt dự kiến: 3.900 MW chia làm 2 giai đoạn năm 2033 và 2035, mỗi giai đoạn phát triển 1.300 MW. Tổng mức đầu tư trước thuế dự kiến là 261.425 tỷ đồng

Dự án ĐGNK Hải Phòng đang trong giai đoạn lập Hồ sơ Dự án đầu tư (Pre FS) để trình UBND Thành phố Hải Phòng trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII). Hồ sơ Pre FS đã được tư vấn Viện Năng lượng lập và đang trong giai đoạn hoàn chỉnh các góp ý của Orsted. Dự kiến sẽ được trình tại cuộc họp giữa Sứ quán Đan Mạch, Orsted, T&T vào ngày 02/11/2021 tại UBND Hải Phòng.

Ngoài 4 dự án trên, T&T Group còn hướng tới việc tạo ra nền tảng cho lĩnh vực điện gió, đi sâu vào sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất để phục vụ công nghiệp xanh, không chỉ phục vụ trong nước mà còn để xuất khẩu, phục vụ các khu vực khác.

"Hiện nay, càng ngày công nghệ càng phát triển; với quy mô, sản lượng dự án về năng lượng điện gió, và điện gió ngoài khơi phát triển thì giá thành điện gió sẽ giảm dần, có thể giảm tới một nửa, thậm chí rẻ hơn điện than" - ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT T&T Group nói.

Theo Liên Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM