Diễn biến mới trên thị trường ô tô: Người tiêu dùng đã có thể tiếp cận xe nhập khẩu với giá rẻ?
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy lượng ô tô nhập về Việt Nam đã tăng trở lại sau khoảng thời gian giảm. Ô tô không chỉ từ Thái Lan mà còn từ Mỹ, Anh, Nhật. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội các nhà Sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại nhận định: "May ra chỉ mỗi Honda được thông quan".
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của VAMA nhận xét đường nhập xe về Việt Nam trong thời gian tới trước mắt chỉ có Thái Lan, nguồn từ các nước khác vẫn phải chờ đợi.
"Chắc chắn việc nhập xe vẫn khó khăn", ông Tuấn khẳng định. Hiện ngoài Thái Lan đã cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho các dòng xe xuất khẩu sang Việt Nam nhằm đáp ứng Nghị định 116 thì Chính phủ Indonesia cũng đã có động thái. Thời gian các loại giấy chứng nhận có thể có vào khoảng 2 – 3 tháng, cộng với khoảng thời gian tương tự chờ đợi thử nghiệm, ít nhất từ 5 -6 tháng nữa, xe nguồn gốc từ Indonesia mới có mặt tại Việt Nam.
Đối với xe nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Anh, Mỹ, châu Âu, đại diện VAMA cho rằng khả năng cao họ sẽ không sửa đổi Luật để cấp giấy, bởi Việt Nam là thị trường nhỏ, "chỉ có mình theo họ, còn buộc họ theo mình thì khó".
Về lượng xe nhập tăng lên trong thời gian qua, ông Tuấn cho rằng nhập về nhưng vẫn nếu không đủ giấy tờ, những chiếc xe này có thể phải tái xuất. "Trước mắt may ra chỉ có xe của Honda", ông nói.
Nói riêng về xe của Toyota, ông cho biết hiện tại trên thị trường chưa có xe mới. Toyota đang làm giấy xác nhận chủng loại với Thái Lan và đặt hàng. Do vậy, phải vài tháng nữa xe mới về đến Việt Nam. Lượng xe dao động từ 200 – 300 xe, ít hơn lượng xe Honda nhập về.
Đại diện của hãng Ford Việt Nam cũng xác nhận từ đầu năm đến nay hãng không nhập thêm bất cứ xe nào vì vướng Nghị định 116.
"Ford đang dần dần gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy trình, sẽ phải làm việc với Thái Lan và Mỹ (hai nguồn nhập xe của hãng) để làm các thủ tục", đại diện này cho biết.
Về phía Thái Lan, theo Ford Việt Nam hiện đã có nhiều tín hiệu tốt nhưng còn vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến kiểm tra theo lô khi đăng kiểm với hai vấn đề: quy trình kiểm tra khí thải, an toàn khác trước và thời gian giải quyết các vẫn đề thử nghiệp kéo dài hơn tạo khó khăn khi lưu kho. "Phải có quy trình ổn mới làm tiếp được", người này cho biết.
Về phía Mỹ, hãng sản xuất sẽ cung cấp giấy chứng nhận, điều này đã được Việt Nam đồng ý. Còn đối với giấy chứng nhận khí thải, an toàn thì phải nhờ bên thứ 3 là nước Anh, cũng đã đạt được thoả thuận. Như vậy, theo Ford Việt Nam, các loại giấy tờ cơ bản đã xong tuy nhiên, họ cho rằng vẫn còn nhiều thử thách khi kiểm nghiệm theo lô khi thông quan.
Ford cũng không đưa ra thời gian dự kiến xe có mặt tại thị trường vì còn chờ đợi quy trình thử có được trơn tru hay không cũng như việc đặt lại hàng.
Trả lời câu hỏi về giá xe có thể giảm không, đại diện VAMA và Ford đều cho rằng nếu xe từ các nước ASEAN về được thì giá xe có thể rẻ hơn năm trước do thuế về 0%. Tuy nhiên, đại diện Ford cũng lưu ý giá xe ngoài thuế nhập khẩu còn bị ảnh hưởng bởi các chính sách trong nước liên quan đến thuế, phí cũng như những cạnh tranh trên thị trường.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần (ghi nhận từ ngày 2/3/2018 đến ngày 8/3/2018) trên phạm vi cả nước có tất cả 2.020 nghìn chiếc xe ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu, với trị giá nhập khẩu đạt 44,42 triệu USD, trong đó chủ yếu nhập khẩu loại xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Trong tuần, không có xe ô tô nguyên chiếc trên 9 chỗ ngồi đăng ký nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan cho biết ôtô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký nhập khẩu đã tăng trở lại. Những xe này có xuất xứ chủ yếu từ Thái Lan với lô xe của Honda.
Dù vậy, các xe xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ và Anh cũng đã xuất hiện nhưng số lượng còn ít. Các xe được nhập chủ yếu tại cảng Sài Gòn và Hải Phòng.
Trước đó, 2 tháng đầu tiên của năm 2018, lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập vào Việt Nam giảm kỷ lục. Chỉ có tổng cộng 18 chiếc ôtô cập cảng trong tháng 1 và 13 chiếc trong tháng 2. Lượng ôtô tải cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017.