Điểm đặc biệt của địa phương bỏ ra 1 đồng ngân sách thu về 8-9 đồng để đầu tư phát triển kinh tế

28/06/2023 16:16 PM | Kinh tế vĩ mô

Một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ bỏ ra 1 đồng ngân sách thu về 8-9 đồng để đầu tư phát triển kinh tế.

Tại tọa đàm "Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không" diễn ra vào tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã tư duy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Trong suốt thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong lĩnh vực này.

Trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra thì Quảng Ninh thu hút được 8 - 9 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Nhờ đó, giai đoạn 2014 cho đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 140.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh theo phương thức đối tác công-tư đã huy động được 45.000 tỷ đồng.

Đến nay, hạ tầng giao thông của Quảng Ninh đã từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại. Cụ thể, Quảng Ninh đã hoàn thành được 180 km đường cao tốc chạy suốt chiều dài của tỉnh. Hơn nữa, Quảng Ninh cũng đã đầu tư thành công Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Cùng với đó, tỉnh thành công xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đến tất cả các địa phương ở trong khu vực.

Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh. Trong 7 năm liên tiếp, Quảng Ninh đạt được tăng trưởng GRDP 2 con số. Đặc biệt trong năm 2021, 2022, dù diễn ra dịch COVID-19, Quảng Ninh đạt tăng trưởng khoảng 10,25%.

Điểm đặc biệt của địa phương bỏ ra 1 đồng ngân sách thu về 8-9 đồng để đầu tư phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh giai đoạn 2016-2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong tự huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, cảng hàng không quốc tế Vân Đồng là cảng hàng không đầu tiên mà Chính phủ giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện, và cũng là cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT.

Đây là cảng hàng không được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế với chiều dài cất cánh 3.600 m, công suất thiết kế đến năm 2030 là 2,5 triệu lượt khách và sau 2030 là 5 triệu lượt khách. Hơn nữa, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Cùng với đó, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 60km là tuyến cao tốc đầu tiên Quảng Ninh huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, hoàn thành vào cuối năm 2018. Tỉnh cũng từ chối vốn vay ODA với các ràng buộc ngặt nghèo để huy động nguồn lực mới triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài gần 90km.

Nhờ vào việc quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển kinh tế, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và 10 năm liền (2013 – 2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Tại Lễ công bố Chỉ số PCI năm 2022, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể.

Tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển "một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực", đặc biệt sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Từ đó tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô...

Theo đó, Quảng Ninh mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế biển.


Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM