Dịch Covid-19: Dấu chấm hết cho ngành than?
Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy mức tiêu thụ than đá đang trên đà giảm mạnh chưa từng có kể từ Thế chiến II và năng lượng sạch đang dần thế chỗ cho khoảng trống đó.
Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng sâu rộng ảnh hưởng đến toàn nhân loại và chúng đã làm thay đổi hoàn toàn một số ngành nghề. Thương mại điện tử lên ngôi, mảng chăm sóc sức khỏe được ưa chuộng trong khi ngành du lịch, bán lẻ lại chật vật tìm cách khôi phục trở lại.
Việc nhiều nước áp dụng lệnh giãn cách khiến mọi người ít dùng điện năng hơn và chúng cũng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng. Theo một số chuyên gia, dịch Covid-19 có thể là dấu chấm hết cho ngành than khi chúng không thể trở lại thời hoàng kim như trước được nữa.
Xu thế của thế giới
Tại Anh, ngành điện chưa từng khởi động một nhà máy nhiệt điện chạy than nào trong 60 ngày qua. Đây là mức dài nhất kể từ sau cuộc cách mạng công nghệ hơn 200 năm trước với nguyên liệu chủ yếu thời đó là than đá và sức hơi nước.
Nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc thấp hơn so với mọi năm
Khi phỏng vấn với hãng tin BBC, các quan chức ngành điện tại Anh cho biết họ chưa muốn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than nếu chưa thực sự cần thiết.
Tại Mỹ, lần đầu tiên mức tiêu thụ điện năng sạch cao hơn điện năng từ than, bất chấp những chính sách hỗ trợ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho ngành than đá. Trong khi đó chỉ cách đây 10 năm, gần 50% lượng điện tiêu thụ tại Mỹ đến từ than đá.
Thậm chí tại Ấn Độ, quốc gia có tốc độ tăng trưởng sử dụng than đá nhanh nhất thế giới cũng có sự suy giảm nhu cầu về loại nhiên liệu này do các lệnh cách ly. Lần đầu tiên trong 37 năm qua, lượng khí thải nhà kính của Ấn Độ suy giảm.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 chỉ là giọt nước làm tràn ly khi ngành điện năng chạy than đã qua thời hoàng kim và đây là xu thế của thế giới cũng như đà phát triển của công nghệ.
Số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy mức tiêu thụ than đá đang trên đà giảm mạnh chưa từng có kể từ Thế chiến II và năng lượng sạch đang dần thế chỗ cho khoảng trống đó.
Xu thế này đã bắt đầu từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát và các lệnh cách ly trở thành cơ hội để nhiều nước thay thế loại nhiên liệu không thân thiện với môi trường này. Năm 2019, sản lượng điện năng bằng than trên thế giới đã giảm với mức kỷ lục 3%, tương đương 300 Terawatt/h.
Bên cạnh yếu tố môi trường, việc giảm lợi nhuận biên khi đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than cũng khiến nhu cầu than đá đi xuống. Bài toán đầu tư hiện nay khá đơn giản, khi bạn bỏ tiền xây trạm điện thì một nhà máy chạy bằng sức gió hay mặt trời về dài hạn bao giờ cũng rẻ hơn chạy bằng than hay xăng dầu.
Trong khi các nhà máy nhiệt điện than phải tốn tiền mua than và xử lý lượng chất thải sau khi đốt thì những nhà máy năng lượng sạch lại tốn chi phí thấp trong dài hạn. Đó là chưa kể với sự phát triển của công nghệ, chi phí xây dựng các nhà máy năng lượng sạch hiện nay ngày một rẻ hơn.
Chuyên gia phân tích Sunil Dahiya cho biết mới đây Ấn Độ đã cho đấu thầu cung cấp điện và điều ngạc nhiên là mức giá các nhà máy năng lượng mặt trời đưa ra còn thấp hơn cả những nhà máy nhiệt điện chạy than.
Nếu điều này diễn ra trên toàn thế giới thì ngành than gần như là chấm dứt bởi phần lớn nhu cầu than hiện nay là cho ngành điện.
Giọt nước tràn ly
Nếu dịch Covid-19 không diễn ra, các quốc gia chỉ đơn giản xây thêm những nhà máy năng lượng sạch và ngành than vẫn có thể lay lắt thêm vài thập niên nữa.
Tuy nhiên khi đại dịch bùng phát và nhu cầu điện năng giảm, mức cung quá lớn sẽ buộc các nước đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than thay vì những trạm năng lượng sạch. Như vậy, trong khi các trạm năng lượng sạch liên tiếp được xây mới, các nhà máy nhiệt điện dùng than lại ngày một suy giảm. Thậm chí khi nhu cầu điện năng quay trở lại, chính phủ cũng sẽ ưu tiên các nhà máy năng lượng sạch trước.
Do đó, có thể nói dịch Covid-19 là một cơ hội khiến ngành than có thể bị chấm dứt khi các quốc gia có thời gian để tái cơ cấu lại hệ thống cung ứng năng lượng.
Đối với các nhà đầu tư, việc bỏ tiền cho một nhà máy nhiệt điện than đòi hỏi chúng phải vận hành 30-40 năm để quay vòng thu hồi vốn cũng như sinh đủ lợi nhuận. Thế nhưng liệu có ai chịu bỏ tiền cho một công nghệ ngày càng lỗi thời, không thân thiện môi trường và có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào?
Theo chuyên gia Dahiya, dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều nhà máy nhiệt điện than tại Ấn Độ phá sản vì nhu cầu xuống thấp.
"Những nhà máy nhiệt điện than tại Ấn Độ chỉ chạy chưa đến 60% công suất và họ không thể thanh toán các chi phí", Chuyên gia Dahyia nhấn mạnh.
Hệ quả tất yếu là hàng loạt quỹ đầu tư trên thế giới đã bắt đầu từ bỏ ngành than. Quỹ đầu tư quốc gia Thụy Điển cùng một loạt quỹ khác như BNP Paribas, Blacrock, Standard Chartered hay JP Morgan Chase đã cho ngành than vào "danh sách đen" khi có rủi ro quá cao.
Với những tín hiệu như trên, IEA cho rằng chính phủ nhiều nước cuối cùng cũng sẽ có động thái mạnh tay với ngành than trong tương lai.
Tuy nhiên, ngành than có lẽ sẽ chưa thể chấm dứt nhanh chóng khi chúng là nguồn tài nguyên chính tại Trung Quốc. Từ vài thập niên trở lại đây, than đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế của thị trường số 1 thế giới này. Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới đây nhất, chính quyền Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng 20% với ngành than để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, than đá cũng là nguyên liệu chính cho nhiều nước nghèo và đang phát triển, vốn chưa đủ công nghệ để tiếp xúc với nguồn năng lượng sạch giá rẻ.
Thậm chí tại Ấn Độ, gói hỗ trợ hàng tỷ USD chống dịch Covid-19 cũng bao gồm các khoản cứu trợ ngành than.
Những dự báo của các chuyên gia cho thấy tiêu thụ ngành than đã đạt đỉnh vào năm 2019 và sẽ xuống dốc, nhưng nguồn năng lượng này vẫn sẽ còn lay lắt cho đến thập niên 2030.