CNN: Nền kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử

09/06/2020 09:26 AM | Xã hội

Các chuyên gia kinh tế thì dự báo GDP quý II/2020 của Mỹ sẽ giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo hãng tin CNN, số liệu được Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) công bố mới đây cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ dài nhất lịch sử từ sau cuộc khủng hoảng 2008 đã chấm dứt từ tháng 2/2020.

Mức độ giảm sâu của nền kinh tế khiến NBER không ngần ngại tuyên bố Mỹ đã bước vào một cuộc suy thoái mới. Động thái này của NBER hoàn toàn khác với những lần tuyên bố trước khi đợi suy thoái cả một năm, khi mọi người đều đã biết rồi mới chính thức công bố. Đây cũng là lần tuyên bố suy thoái nhanh chóng nhất của NBER kể từ khi cơ quan này bắt đầu vào năm 1979.

Việc giãn cách xã hội nhằm chống dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nặng, từ ngành hàng không, nhà hàng, dịch vụ cho đến giải trí.

CNN: Nền kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử - Ảnh 1.

"Mức suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động, sản xuất cũng như quy mô vô cùng sâu rộng đối với nền kinh tế cả nước đã đảm bảo một sự chắc chắn về suy thoái, dù đợt suy thoái này có vẻ sẽ ngắn hơn so với những lần trước", báo cáo của NBER nhận định.

Hiện tại, hơn 42 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhiều công ty lớn như JCPenny, J Crew hay Het đã phải nộp đơn xin phá sản. Các chuyên gia kinh tế thì dự báo GDP quý II/2020 của Mỹ sẽ giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu dự báo của NBER là chính xác, đại dịch Covid-19 sẽ là dấu chấm hết cho thời kỳ tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ kể từ sau khủng hoảng 2008. Tính đến tháng 7/2019, Mỹ đã tăng trưởng 128 tháng liên tiếp không gián đoạn, dài nhất kể từ năm 1854 và phá vỡ kỷ lục 120 tháng của giai đoạn 3/1991-3/2001 trước khi bong bóng dotcom xì hơi.

Thông thường các chuyên gia kinh tế nhận định một cuộc suy thoái diễn ra khi nền kinh tế có 2 quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp. Trong quý I/2020, GDP của Mỹ đã giảm 5% và nhiều khả năng quý II cũng kết thúc với một tỷ lệ âm.

Dẫu vậy, NBER không chờ cho đến khi số liệu quý II được công bố mà quyết định tuyên bố luôn kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái. Theo lý thuyết, không có một tiêu chuẩn rõ ràng nào định hình thế khi nào một nền kinh tế rơi vào suy thoái mà tùy thuộc phần lớn vào các quyết định của những chuyên gia.

Theo NBER, kinh tế Mỹ suy giảm rất mạnh trong tháng 3/2020 khiến GDP và thị trường lao động quý I/2020 vô cùng thấp so sánh với quý IV/2019.

CNN: Nền kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử - Ảnh 2.

Những hy vọng le lói

Dù cuộc suy thoái kinh tế này diễn ra khá bất ngờ với người dân Mỹ nhưng nhiều chuyên gia lại kỳ vọng rằng GDP sẽ tăng trưởng tốt trở lại trong quý III/2020 khi các doanh nghiệp tái hoạt động trở lại còn người dân bắt đầu chi tiêu.

Ngoài ra, Cục dự trữ liên Bang Mỹ (FED) cùng Nghị viện đã liên tiếp tung ra các gói cứu trợ, cho vay ưu đãi hay giảm lãi suất để cứu nền kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử, FED quyết định mua trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường, bao gồm cả những trái phiếu hạng "rác" (Junk Bond), qua đó tạo nên tính thanh khoản và cho phép các doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng kỳ vọng những ngày đen tối nhất của kinh tế Mỹ đã qua đi khi số liệu của Cục thống kê lao động Mỹ (BLS) cho thấy nước này đã tạo thêm 2,5 triệu việc làm mới trong tháng 5/2020. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi BLS theo dõi chỉ số này vào năm 1939.

Tuy nhiên, số liệu khả quan này vẫn bị phủ bóng đen bởi dự đoán 8 triệu người mất việc trong tháng 5/2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đã giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5 nhưng vẫn là mức cao chưa từng thấy kể từ sau khủng hoảng 2008 cho đến đầu năm 2020.

Hiện một phần của nền kinh tế Mỹ, bao gồm nhiều nhà hàng, rạp phim, hãng hàng không… vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi nước này phát triển được Vaccine chống dịch Covid-19. Tồi tệ hơn, nguy cơ về một đợt lây lan thứ 2 cũng có thể khiến kinh tế Mỹ phải đóng cửa một lần nữa do các lệnh cách ly.

AB

Cùng chuyên mục
XEM