Đi tập thiền cùng bạn cho vui, tôi không ngờ đó là quyết định thông minh nhất đời mình suốt 14 năm sau đó: Không vướng bận, chẳng sầu lo, bình yên là đích đến cuối cùng!

01/06/2019 21:46 PM | Sống

Sau hàng nghìn giờ tập thiền và nghiền ngẫm 10 cuốn sách về chủ đề này, cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn trên một vài khía cạnh. Tôi đã học được nhiều điều về bản thân và thiền định.

Mọi chuyện bắt đầu từ 14 năm trước, khi một người bạn rủ tôi đi tập thiền cùng trong 2 tiếng. Ở đó, người ta giải thích thiền là gì, tác dụng của nó như thế nào. Dù không hiểu lắm nhưng tôi vẫn làm theo hướng dẫn, nhắm mắt và "kết nối với nội tâm" của mình. Một bản nhạc nhẹ nhàng được bật lên, và có tất cả 30 người ngồi trong căn phòng đó.

Trong vòng vài phút đó, tôi chưa bao giờ cảm thấy tâm trí thông suốt, cơ thể thư giãn đến thế. Từng là một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm, đây là một trải nghiệm mới mẻ (và quý giá) đối với tôi. Tôi cũng cảm thấy thỏa mãn, thư thái. Thế là tôi bắt đầu có hứng thú với bộ môn này. Đêm đó, tôi quyết định sẽ tập thiền thường xuyên.

Tôi bắt đầu tập thiền khoảng 20 phút mỗi tối (giờ thì tôi tăng lên 1 tiếng). Dù không biết mình đang làm gì, tôi vẫn tiếp tục. Khi đã nhuần nhuyễn, tôi đổi thử sang các kỹ thuật thiền khác và tới gặp các thiền sư ở Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nhật Bản và Australia.

Sau hàng nghìn giờ tập thiền và nghiền ngẫm 10 cuốn sách về chủ đề này, cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn trên một vài khía cạnh. Tôi đã học được nhiều điều về bản thân và thiền định để chia sẻ cho các bạn dưới đây.

 Đi tập thiền cùng bạn cho vui, tôi không ngờ đó là quyết định thông minh nhất đời mình suốt 14 năm sau đó: Không vướng bận, chẳng sầu lo, bình yên là đích đến cuối cùng!  - Ảnh 1.

Mỗi người có một mục đích khác nhau

Thiền định là bài tập tinh thần giúp bạn tập trung liên tục vào các mục tiêu như hơi thở, sự khẳng định, sự mường tượng, thần chú hoặc bất cứ thứ gì. Trong quá trình này, bạn phải cố gắng giữ được sự tập trung, không để tâm trí xao lãng, nghĩ ngợi về các thứ khác.

"Chánh niệm" là bài tập giúp bạn nhận thức được thực tại mà không cần suy xét. Nó cũng được coi là một dạng thiền định gắn liền với các hoạt động thường ngày.

Mọi người tập thiền với nhiều mục đích khác nhau: cải thiện sức khỏe, vượt qua lo âu, cải thiện hiệu suất làm việc, tăng cường sức sáng tạo, phát triển bản thân, chữa lành cảm xúc, vượt lên cái tôi,...

Dù động lực tập thiền của bạn là gì, đó đều là điều tốt. Hãy tập thiền vì chính mình, chứ đừng chỉ vì một lý nào đó.

Mỗi ngày bạn đều phải ăn, tắm, rồi ngủ. Hãy tập thiền đều đặn như vậy và bạn sẽ thấy được những lợi ích mà mình tìm kiếm.

3 đức tính cần thiết khi luyện tập

Chỉ cần ghi nhớ 3 điều này, quá trình tập thiền của bạn sẽ hiệu quả hơn: kiên định, hứng khởi và cởi mở.

Kiên định: Dù thế nào thì bạn cũng nên tập thiền mỗi ngày, kể cả khi chỉ tập trong 5 phút hay 1 phút. Dù mệt mỏi, chán nản, bận rộn, bối rối, thất vọng hay tức giận, cứ ngồi xuống và để thiền thả lỏng tâm trí bạn.

Hứng khởi: Hãy tìm cách để bản thân luôn hứng thú với thiền. Đọc về nó, nói về nó, gặp những người tập thiền khác, tất cả sẽ giúp bạn giữ lửa đam mê.

Cởi mở: Muốn tập thiền hiệu quả, bạn phải tạo cho mình một tư duy hoàn toàn khác. Tập thiền không phải để lấy kết quả, mà là vì trải nghiệm bạn có được. Càng đạt được nhiều lợi ích, bạn lại càng sớm quên. Vì thế, hãy kiên nhẫn khi tập thiền. Thay vì kỳ vọng quá nhiều, hãy tập thiền với tất cả lòng đam mê. Tất nhiên là không phải ai cũng làm được, kể cả tôi. Chỉ cần bạn ghi nhớ điều này là được.

 Đi tập thiền cùng bạn cho vui, tôi không ngờ đó là quyết định thông minh nhất đời mình suốt 14 năm sau đó: Không vướng bận, chẳng sầu lo, bình yên là đích đến cuối cùng!  - Ảnh 2.

Hòa mình vào thiền trong mọi khoảnh khắc

Nếu muốn thành thạo ngoại ngữ, chỉ học một ít mỗi ngày là chưa đủ. Để nhuần nhuyễn, bạn phải liên tục nghĩ về những thứ mình đã học và bắt đầu suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó mỗi ngày.

Thiền định cũng vậy. Chỉ ngồi yên trên đệm vài phút mỗi ngày sẽ không đem lại tác dụng gì.

Hãy nhắc nhở bản thân vài lần mỗi ngày về "không gian tĩnh lặng" - cảm giác bình yên mà bạn sẽ trải nghiệm khi thiền, dù là khi bạn đang nói chuyện, ăn uống hay làm việc,... Cứ thở thật sâu, cảm nhận cơ thể và tinh thần mình, tập trung vào không gian ấy. Đó chính là "chánh niệm".

Mọi thứ sẽ thay đổi

Bạn sẽ nhìn mọi thứ khác đi. Cách bạn nhìn nhận bản thân cũng thay đổi theo.

Tuy nhiên, đừng hoảng sợ. Bạn sẽ không trở thành một vị tu sĩ xa lánh trần đời hay ở trong trạng thái lúc nào cũng phấn khởi như dân hippie. Bạn sẽ nhận ra rằng, nhiều thứ mà bạn từng tin thật ra không đúng, nhờ đó, tâm trí bạn trở nên linh hoạt hơn.

Tôi không thể nói chính xác những thay đổi đó là gì. Nó còn phụ thuộc vào bạn.

 Đi tập thiền cùng bạn cho vui, tôi không ngờ đó là quyết định thông minh nhất đời mình suốt 14 năm sau đó: Không vướng bận, chẳng sầu lo, bình yên là đích đến cuối cùng!  - Ảnh 3.

Giải thoát bản thân khỏi những giới hạn

Một trong những món quà tuyệt nhất mà thiền định đem đến cho tôi, đó là sự thật: tôi và tâm trí mình là hai thực thể tách biệt, dù chuyện gì đang xảy ra.

Dù tôi nghĩ hay cảm thấy gì, đó cũng chỉ là chuyển động tạm thời bên trong tiềm thức. Đó có thể là lo lắng, sợ hãi, tư duy hạn hẹp. Chúng xuất hiện vào một thời điểm nhất định, ở lại một lúc, rồi biến mất. Không có gì ràng buộc tôi với những cảm xúc ấy - tôi có quyền lựa chọn - vì vậy, chúng sẽ sớm qua đi. Nhận ra điều đó, tôi không cảm thấy bị cầm tù trong chính cảm xúc của mình.

Tôi nhìn bản thân thở ra thở vào khi thiền, nhìn tâm trí trở nên bực bội, nhìn cơ thể khởi động, nhìn từng mạch máu nổi lên khi vận động. Và tôi biết rằng, mình luôn luôn có quyền lựa chọn. Lựa chọn làm điều gì, sử dụng điều gì, và bỏ qua điều gì. Đó chính là sức mạnh và sự tự do mà thiền định đem lại.

Bài chia sẻ của Giovanni Dienstmann - huấn luyện thiền, diễn giả, tác giả của nhiều cuốn sách về thiền, trong đó có "Practical Meditation" bán rất chạy.


Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM