Đi học 20 năm, thi hàng trăm môn nhưng nhà trường lại chẳng dạy ‘Tiền nhiều để làm gì?’: Những bài học về tiền bạc mà trường lớp không dạy bạn
Những bài học về tiền bạc mà trường lớp không dạy bạn.
Hệ thống trường học dạy chúng ta nhiều thứ như toán, khoa học, địa lý và ngoại ngữ. Nhưng lại chẳng giảng dạy điều gì về tiền bạc.
Khi còn nhỏ, có lẽ bạn biết đến tiền phần lớn nhờ tương tác với người trong gia đình. Bạn bắt chước cách xử lý tài chính của họ. Đó chính là trường hợp của tôi.
Đa số chúng ta bước vào thế giới người lớn mà không biết chút gì về khái niệm tiền bạc. Chúng ta thoải mái làm bất kỳ điều gì mình muốn với số tiền trong tay. Chúng ta thậm chí còn được tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn với số tiền chúng ta không có, theo hình thức nợ nần. Chúng ta phải tự mình tìm hiểu.
Tôi không thể lên tiếng thay tất cả mọi người, nhưng trong vòng tròn xã hội của tôi, tiền bạc là vấn đề rất riêng tư. Nó chỉ được nhắc đến một cách hời hợt mà thôi. Những cuộc trò chuyện của tôi với bạn bè và người quen thường không vượt quá chuyện chiếc iPhone kế tiếp sẽ đắt thế nào hoặc bình luận về tình trạng kinh tế nói chung. Tôi thậm chí cảm thấy nói về chuyện giường chiếu còn ít ngượng ngùng hơn là nói về tài chính cá nhân.
Kết quả là, phần lớn những gì tôi học về tiền là từ việc tích cực đọc, hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn và học bằng cách thực hành. Trong vô số dịp, tôi đã tự biến mình thành tên ngốc trong vấn đề tài chính. Mỗi bài học là một đòn giáng mạnh mẽ vào cái tôi và tài khoản ngân hàng của tôi. Những bài học mà tôi thật sự thấy đáng. Nhưng cũng vô cùng đau đớn.
Nếu kiến thức tài chính được giảng dạy tại trường học, nó sẽ khiến việc điều chỉnh tài chính dễ dàng hơn khi trưởng thành. Nó chắc chắn có ích hơn việc nhồi nhét vào đầu trẻ con những kiến thức khó nhằn mà chúng có thể dễ dàng tìm được trên Google hoặc Wikipedia.
Tài chính cá nhân không phải là một chương trình giảng dạy phức tạp. Những khái niệm cơ bản sẽ từ từ cung cấp một điểm khỏi đầu cho sự hiểu biết về tài chính. Nó chắc chắn đã giúp được cho tôi.
Có những nguồn thu nhập khác ngoài công việc hành chính
Khi lớn lên, tôi có một ý nghĩ ngây thơ rằng đa phần người lớn phải tuân theo kịch bản sau đây để có một cuộc sống thoải mái:
1. Học hành chăm chỉ
2. Lấy được bằng tốt nghiệp với ngành nghề đang được săn đón ở một trường đại học tốt
3. Có được việc làm ở một công ty lớn với lương hậu hĩnh
4. Thăng quan tiến chức để kiếm được nhiều tiền hơn
5. Tiết kiệm để giàu có hơn
6. Có một cuộc sống thoải mái nhờ số tiền đã kiếm được và tiết kiệm được
7. Thỉnh thoảng xả láng để tự thưởng vì đã làm việc chăm chỉ
8. Về hưu
Tôi có biết vài người đã làm rất tốt nhờ việc mở doanh nghiệp riêng của mình. Có một bí mật về họ. Tôi có ấn tượng sai lầm rằng họ là những con người sống không thực tế.
Tôi chắc rằng ngoài kia có những ngoại lệ may mắn nhưng phần đông chúng ta được dạy rằng con đường cần đi là được thăng chức.
Là người lớn, chúng ta biết rằng có rất nhiều cách để thành công. Một là làm công việc toàn thời gian, cách khác là điều hành doanh nghiệp riêng của bạn. Và có vô số khả năng giữa hai thái cực đó.
Có thể đó là một công việc giờ hành chính và một sự nghiệp bên ngoài. Lựa chọn khác nữa là phân chia thời gian đồng đều giữa các công việc. Cũng có những người kiếm được tiền nhờ đầu tư vào kinh doanh và những thứ khác. Cho vay để kiếm lời lại là một lựa chọn khác nữa.
Tôi không coi thường tầm quan trọng của việc có được sự giáo dục chính quy để có một sự nghiệp có ý nghĩa. Trong một số ngành nghề nhất định, điều này rõ ràng rất quan trọng. Tôi sẽ không đến gặp một bác sĩ không có bằng cấp và tự học chữa trị trên web và gửi thắc mắc trên Quora.
Ý của tôi là, có thể có ích khi cho trẻ em thấy được rằng các khả năng để kiếm tiền về căn bản là không có giới hạn. Chúng sẽ không còn nói mỗi câu "Khi lớn lên con muốn trở thành luật sư hoặc bác sỹ". Thậm chí có thể chúng sẽ nói "Con muốn làm việc ở không gian làm việc chúng tại Quần đảo Canaria. Con muốn điều hành doanh nghiệp vận tải của mình và tái đầu tư lợi nhuận vào trái phiếu lợi nhuận cao."
Khi lớn lên, chúng sẽ có nhiều sự sáng tạo về tài chính hơn. Tâm trí của chúng sẽ rộng mở với nhiều cách thức để tìm ra con đường mang đậm dấu ấn cá nhân mang đến cả cảm giác cân bằng về sự thỏa mãn và sự ổn định tài chính.
Hãy coi tiền như một công cụ
Chúng ta bị xã hội quy định rằng tiền được dùng để chi trả:
● Những thứ chúng ta cần - nhà ở và thức ăn
● Những thứ chúng ta muốn - một kỳ nghỉ sang trọng ở Bahamas và một chiếc Porsche 911
Khái niệm cơ bản được chôn sâu trong tiềm thức của chúng ta rằng nếu chúng ta nghèo, chúng ta nên tập trung vào việc sử dụng tiền cho những thứ chúng ta cần. Nếu dư dả, chúng ta có thể chi cho một chuyến đi sang chảnh hoặc một vật dụng đắt tiền nào đó.
Khi trưởng thành hơn nữa, tôi biết được rằng có cách khác để nhìn nhận về tiền: sử dụng tiền như một công cụ.
Trong một khoảng thời gian dài, tôi có cảm giác những người giàu có chỉ dùng tiền để mua những thứ xa xỉ. Tôi nhận ra mình đã sai khi tôi bắt đầu chủ động quan sát các giám đốc điều hành được trả lương cao tại công ty công nghệ mà tôi làm việc. Đầu tiên, tôi quan sát để thỏa trí tò mò. Sau đó, sự quan sát biến thành một nguồn lớn các bài học tài chính.
Tôi để ý được rằng những vị giám đốc điều hành kia chủ ý nỗ lực dùng tiền để cải thiện bản thân. Họ thuê những huấn luyện quản lý có nhiều kinh nghiệm hơn họ, trả tiền cho các chuyên gia tư vấn bên ngoài để tìm ra những thiếu sót, tham dự các hội thảo kỹ năng mềm và mua sách để mở mang kiến thức. Kết quả là, họ trở nên thành thạo hơn trong công việc và được trả nhiều tiền hơn.
Chúng ta đều biết câu ngạn ngữ cổ: thời gian là tiền bạc. Mặt khác, tiền có thể mua được thời gian, ở một mức độ nhất định.
Khi giá trị ròng của bạn vượt qua ngưỡng nhất định, bạn không phải đứng xếp hàng ở ngân hàng nữa. Nếu xe bạn có vấn đề, cửa hàng sẽ cử người đến tận nhà bạn đem xe đi sửa. Bạn không phải cần phải lau dọn nhà bếp của mình nữa.
Mới đầu, những đặc quyền như vậy có vẻ như phô trương một cách không cần thiết. Nhưng không nên đánh giá thấp lợi ích được mang lại. Bên cạnh lợi ích là tiết kiệm thời gian, nó cũng giải thoát tâm trí bạn để bạn tập trung vào những việc bạn quan tâm và thích làm hơn.
Tôi nhận ra rằng đây là một trong những lý do những người có nhiều tiền lại có thể dễ dàng kiếm nhiều tiền hơn nữa. Bạn có thể xem nó như bàn đạp để thúc đẩy tài chính của bạn.
Chúng ta đều biết trẻ em là những sinh vật không biết sợ hãi và đầy sức sáng tạo. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu khi còn nhỏ chúng được dạy rằng tiền có thể sử dụng để tiết kiệm thời gian và khiến chúng thông minh hơn. Chắc chắn nó sẽ hữu ích hơn là cách nói tiền là để mua những thứ đồ chơi khiến chúng hạnh phúc.
Tương quan giữa cảm xúc và tiền bạc
Khi trưởng thành, chúng ta biết rằng cảm xúc và quan hệ của chúng ta với tiền bạc liên quan mật thiết đến nhau. Cảm xúc của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến quyết định tài chính. Mặt khác, biến động trong tình hình tài chính sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta.
Lấy ví dụ là thị trường chứng khoán. Trong một thị trường tăng trưởng, đa số mọi người mua cổ phiếu là vì lòng tham. Khi cầu vượt cung, giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh, mọi người tham lam hơn. Khi thị trường chứng khoán biến động, tình hình đi theo hướng ngược lại. Cổ phiếu được bán vì mọi người sợ hãi. Cần phải có tâm lý vững chắc để không hoảng sợ và chống lại hiệu ứng bầy đàn.
Chúng ta chi tiêu theo cảm xúc. Bản thân tôi hay mua một thứ gì đó sau một ngày khó chịu để cảm thấy tốt hơn. Tôi cũng phải xấu hổ thừa nhận rằng tôi thường lượn qua các cửa hàng bán đồ trực tuyến để giải khuây trong giờ nghỉ.
Việc các nhà sản xuất lợi dụng cảm xúc của chúng ta để bán được nhiều thứ hơn không phải là điều bí mật gì cả. Apple bán phụ kiện Mac có màu Gray Space với giá cao hơn 20 USD so với những mặt hàng tương tự nhưng màu trắng. Các mặt hàng có thông số kỹ thuật như nhau chỉ khác mỗi màu sắc. Cái giá Hoàn toàn vô lý nếu bạn mua phiên bản Gray Space nhưng vẫn có người chấp nhận mua.
Nhà thần kinh học Antonio Damasio đã thực hiện nghiên cứu trên các bệnh nhân bị tổn thương vùng não tạo cảm xúc. Các bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trong các hoạt động thường ngày, ngoại trừ một việc: họ không thể đưa ra lựa chọn. Trong quá trình đưa ra lựa chọn, họ có thể tập hợp các ưu và nhược điểm có lý cho từng lựa chọn nhưng họ chỉ đơn giản là không thể quyết định được.
Điều này chứng minh chúng ta bị dẫn dắt bởi cảm xúc khi đưa ra quyết định. Không cần phải nói, điều này cũng tương ứng với các quyết định tài chính của chúng ta
Sẽ thật tuyệt vời khi cho trẻ nhận thức được ở giai đoạn đầu đi học về sự ảnh hưởng của cảm xúc đến các quyết định liên quan đến tiền bạc? Hãy tưởng tượng bọn trẻ sẽ là kiểu người nào khi lớn lên. Với tôi, tôi chắc chắn sẽ thu được lợi ích từ việc đó.