Lối mòn tư tưởng ‘chăm chỉ = thành công’ chẳng đem lại thành quả kỳ diệu lập tức, công thức mới này mới là thứ dẫn lối cho bạn

06/03/2019 08:30 AM | WeLearn

Niềm tin rằng “làm việc chăm chỉ = thành công” rõ ràng chẳng hề đúng. Niềm tin sai lầm này mang lại nhiều thiệt hại hơn lợi ích.

"Bạn phải gấp gáp hoàn thành công việc 24/7…"

"Làm việc thật chăm chỉ và bạn sẽ thành công…"

"Tôi muốn bạn ngừng ngay việc xem Netflix và tận dụng từng phút để làm việc…"

Nghe quen lắm phải không?

Ngày nay, gần như mọi nhà diễn thuyết truyền động lực, các chuyên gia thành công hay huấn luyện viên "tư duy" đều đưa thông điệp này vào cuộc sống và trên các kênh Youtube, Instagram hay Facebook.

Chúng ta luôn bị nhồi nhét khái niệm làm việc chăm chỉ là chìa khóa dẫn đến thành công. Tất cả những gì chúng ta phải làm là phải bỏ ra thật nhiều thời gian và năng lượng để đạt được mục tiêu và rồi thành công sẽ xuất hiện một cách diệu kỳ ngay trước mặt.

Nhưng nếu những điều này không hề đúng thì sao?

Nếu lời khuyên kinh điển này không hiệu quả như cách mọi người vẫn nghĩ thì sao?

Quan niệm sai lầm về sự chăm chỉ

Ý tôi là, hãy dành vài phút suy nghĩ xem. Một vài người chăm chỉ nhất trong xã hội của chúng ta như các công nhân xây dựng, nông dân, lính cứu hỏa và quân nhân nhận được mức lương rất thấp.

Nếu làm việc chăm chỉ là tác nhân quyết định thành công về mặt tài chính hay thành công sự nghiệp, những người này hẳn phải là triệu phú rồi. Nhưng họ lại không phải.

Niềm tin rằng "làm việc chăm chỉ = thành công" rõ ràng chẳng hề đúng. Niềm tin sai lầm này mang lại nhiều thiệt hại hơn lợi ích.

Lối mòn tư tưởng ‘chăm chỉ = thành công’ chẳng đem lại thành quả kỳ diệu lập tức, công thức mới này mới là thứ dẫn lối cho bạn - Ảnh 1.

Được rồi, tôi phải thừa nhận. Cho dù nghe có vẻ giống nhưng tôi không có phản đối làm việc chăm chỉ đâu. Bạn cần bỏ ra thời gian, nỗ lực và năng lượng nếu bạn muốn đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của mình. Bạn không thể gian lận trên bước đường đến với thành công với việc chơi FIFA trên máy Playstation cả ngày trời.

Tuy nhiên rõ ràng là có gì đó còn thiếu trong "phép toán thành công" này. Thứ gì đó mà không mấy người nói đến…

Đó là lý do có nhiều người dù đã rất cố gắng chăm chỉ làm việc vẫn không thể đạt được điều mình muốn.

Bạn cần làm việc một cách thông minh hơn chứ không phải chăm chỉ hơn

Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó có giá trị trong một khoảng thời gian hợp lý, bạn sẽ phải bắt đầu làm việc thông minh hơn. Thông minh hơn rất nhiều.

Nếu bạn làm việc 60-80h/tuần nhưng không có chiến lược và ưu tiên thì điều này vô nghĩa. Nhưng đó lại là điều phần lớn mọi người vẫn làm. Đó là vì ngày nay, bỏ ra thật nhiều thời gian và làm việc thật chăm chỉ được xem như một danh hiệu danh dự đâm thẳng vào cái tôi. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn mọi người mang trên mình danh hiệu này chỉ đơn giản là đang bỏ phí thời gian của mình bằng việc làm những việc chỉ ở mức trung bình.

Thực tế, phần đông những người làm việc chăm chỉ đơn giản chỉ là đang giữ bản thân bận rộn. Cực kỳ bận rộn. Và bằng cách lợi dụng sự bận rộn như một lá chắn, chúng ta ngăn bản thân khỏi những thứ chúng ta thực sự cần làm. Chúng ta có thể trốn tránh sau sự chăm chỉ như một cái cớ để không phải nhìn đến lý do thực sự khiến chúng ta vẫn không đạt được những gì chúng ta vẫn nghĩ mình đáng ra phải sở hữu lúc này.

Sau tất cả, chúng ta đang làm việc chăm chỉ phải không? Vậy đó không thể là vấn đề được. Có lẽ chúng ta nên lờ đi mà tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn nữa. Có lẽ đó là giải pháp!

Nhưng sự thật là…

Vâng, nó có thể là một thành phần tạo nên thành công, nhưng chỉ khi làm việc chăm chỉ đi cùng với những việc làm đúng đắn. Chỉ khi bạn kết hợp nó với làm việc một cách thông minh.

Không quan trọng bạn làm chăm chỉ thế nào mà công việc bạn làm sai (nghĩa là, những việc chỉ có giá trị mức trung bình). Thay vào đó, việc chúng ta cần làm là thay đổi suy nghĩ. Chúng ta cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng. Chúng ta cần tập trung vào những giá trị mà chúng ta đem lại thay vì những nỗ lực chúng ta bỏ ra. Như thế chúng ta có thể thực sự thực hiện quy trình nhanh hơn và ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết.

Chất lượng > Số lượng

Nếu bạn muốn rút ngắn quá trình thành công, bạn sẽ cần bắt đầu tập trung vào giá trị mà bạn tạo ra trong thời gian của mình (chất lượng của khoảng thời gian đó) thay vì thời gian mà bạn bỏ ra (số lượng).

Số giờ bạn làm việc không hề nói lên điều gì về những giá trị bạn đem lại trong một ngày. Nhưng, thành công của bạn được liên kết trực tiếp với những giá trị bạn tạo ra. Nếu bạn muốn thành công hơn nữa, bạn cần tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Lối mòn tư tưởng ‘chăm chỉ = thành công’ chẳng đem lại thành quả kỳ diệu lập tức, công thức mới này mới là thứ dẫn lối cho bạn - Ảnh 2.

Điều này không có nghĩa là bạn phải làm nhiều hơn hoặc nỗ lực hơn (dù bạn có thể). Điều đó có nghĩa là bạn nên tập trung hơn vào các nhiệm vụ và dự án tạo ra nhiều giá trị nhất cho công ty hoặc khách hàng của bạn và loại trừ hoạt động không tạo ra được nhiều giá trị tương đương.

Chất lượng của kết quả bạn tạo ra mới là điều quan trọng, không một ai thực sự quan tâm đến thời gian bạn làm việc hay bạn nỗ lực bao nhiêu.

Làm việc thông minh hơn: Ưu tiên

Một trong những cách để làm việc thông minh hơn đó là biết phân bổ mức độ ưu tiên công việc. Bằng cách ưu tiên, bạn có thể thực sự tạo ra giá trị nhiều hơn gấp 10 lần trong 3-4 giờ làm việc so với ngày bình thường.

Hãy nhớ kỹ, không phải tất cả các nhiệm vụ, dự án và những việc phải làm đều giá trị gấp 10 lần những thứ khác. Liên tục hoàn thành những công việc đó là điều thực sự đưa bạn đến thành công. Những việc có giá trị thấp chỉ đơn thuần làm tốn thời gian và năng lượng bởi chúng không đóng góp nhiều cho việc đạt được mục đích của bạn.

Làm việc chăm chỉ không còn là điều cần thiết nữa khi bạn biết điều gì là quan trọng và điều gì không. Khi bạn biết được việc nào thực sự quan trọng và cái nào không, thì đó là lúc bạn thực sự làm việc một cách thông minh. Điều này giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và năng lượng đồng thời đẩy nhanh tốc độ đạt được mục tiêu mà bạn muốn.

Khi bạn liên tục giải quyết những việc quan trọng nhất, bạn không cần đến 60-80h/ tuần nữa. Thực ra, làm việc nhiều như vậy chỉ là một dấu hiệu rằng bạn không giỏi đưa ra ưu tiên và bạn phải xác định chính xác hơn những việc và hoạt động bạn sẽ dành thời gian và năng lượng quý giá để làm.

Cách để đưa ra ưu tiên: Quy tắc 80/20

Một trong các kỹ thuật mà cá nhân tôi sử dụng để đưa ra ưu tiên là quy tắc 80/20. Nói ngắn gọn, quy tắc 80/20 nói rằng 20% những gì bạn làm sẽ mang đến 80% kết quả. Nói cách khác, khoảng 20% các hoạt động và việc mà bạn làm thực sự chịu trách nhiệm cho 80% kết quả bạn muốn có được.

Điều này nghĩa là chỉ có vài thứ thực sự quan trọng.

Chỉ một vài việc là quan trọng và đặc biệt mang đến lợi ích giúp bạn đạt được kết quả mong muốn. Những việc đó là những việc bạn nên dành phần lớn thời gian nỗ lực để làm. Tất cả những việc khác không nằm trong top 20% nên được dành ít thời gian hơn, thuê người khác làm hoặc trực tiếp loại bỏ.

Lối mòn tư tưởng ‘chăm chỉ = thành công’ chẳng đem lại thành quả kỳ diệu lập tức, công thức mới này mới là thứ dẫn lối cho bạn - Ảnh 3.

Đó là cách bạn bắt đầu giải phóng quỹ thời gian của mình, trí óc và sự tập trung cho những việc thực sự quan trọng. Khi bạn liên tục hoàn thành những việc trong top 20% của mình, bạn thực sự trở nên năng suất. Đó cũng là lúc tỷ lệ thành công của bạn tăng cao.

Thay vì cố hoàn thành 25 việc cần làm trong một ngày, hãy nhắm đến mục tiêu hoàn thành 3 đến 6 việc. Nhưng hãy chắc rằng những việc này phải cực kỳ giá trị. Làm như thế, tất cả những việc có giá trị tầm trung hoặc giá trị thấp sẽ (1) không cần thiết hoặc (2) dễ dàng hoàn thành hơn.

Khi thấy bản thân đang làm việc quá sức, bạn nên thu hẹp mối quan tâm của mình lại trong phạm vi vài công việc và dự án thực sự quan trọng. Do đó, tôi khuyến khích bạn thực hiện phân tích 80/20 cho công việc của bạn thường xuyên nhất có thể.

Đầu tiên, xác định kết quả quan trọng nhất mà bạn muốn có được là gì và xác định 1-5 việc đóng góp nhiều nhất đến thành quả bạn mong đợi. Những việc này nên trở thành ưu tiên của bạn và bạn nên dành thời gian và năng lượng vào đó.

Bây giờ hãy thực hiện đi

Thay vì làm theo ý tưởng lối mòn "chăm chỉ = thành công," hãy làm theo công thức mới "chăm chỉ + làm việc thông minh = thành công." Thực tế, làm việc thông minh hơn còn quan trọng hơn cả làm việc chăm chỉ hơn. Bạn cần liên tục nghĩ về cách bạn sử dụng thời gian, bạn đang tạo ra bao nhiêu giá trị trong khoảng thời gian bạn đã dành ra và liệu bạn đang tập trung vào số lượng hay chất lượng. Nếu bạn thường xuyên làm điều này, tỷ lệ thành công của bạn sẽ tăng lên nhiều hơn so với việc mù quáng làm việc một cách chăm chỉ.

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM