Đến thăm "Vingroup của Malaysia", tận hưởng bệnh viện thiên đường và triết lý trị bệnh từ đôi tay tới trái tim
Người Malaysia rất biết cách tận dụng dịch vụ tại bệnh viện tư. Theo chân nhân viên bệnh viện Mahkota xuống sảnh, tôi thấy một quầy thu đổi ngoại tệ nhỏ dành cho bệnh nhân quốc tế nằm đối diện Family Mart trong khuôn viên. Tại đây, ngoài các đồng tiền thanh toán quốc tế như USD, EUR, bảng điện tử còn niêm yết tỷ giá quy đổi VNĐ, nhưng đơn vị quy đổi phải từ tiền triệu trở lên.
Nếu Việt Nam có Tập đoàn Vingroup thì Malaysia cũng có Tập đoàn Sunway. Tập đoàn này kinh doanh đa ngành và ngành mạnh nhất là bất động sản. Sunway sở hữu dự án đại đô thị Sunway City với quy mô ước tính 200.000 dân cư. Ngoài mảng bất động sản, Sunway còn là chủ của nhiều trung tâm mua sắm, trường đại học, khách sạn. Hệ thống bệnh viện thuộc Tập đoàn Sunway mang tên SunMed, sắc đỏ chính là màu đồng phục chủ đạo của nhiều nhân viên tại đây.
Xem 2 phần trước: Kỳ 1 và Kỳ 2
Những bệnh viện thiên đường và căn bệnh ung thư cổ tử cung không cần phải phẫu thuật
Các bệnh viện tư ở Malaysia thường do một tập đoàn tư nhân đầu tư. Trong số ba bệnh viện mà chúng tôi đi thăm, nhiều người có cái tên gốc Hoa đang nắm các giữ vị quản lý cấp trung và cấp cao.
SunMed thuộc Tập đoàn Sunway hợp tác y khoa với Đại học Cambrige và Havard Media School. Thời điểm chúng tôi đến đây, có một đoàn nữ sinh đang được hướng dẫn thực tập.
Hệ thống SunMed là đại diện tiêu biểu cho niềm tự hào bệnh viện thiên đường ở quốc gia Nam Đảo này. Phòng bệnh của SunMed được thiết kế ấm cúng như căn hộ gia đình, có phòng mini cho người chăm bệnh, phòng khách, phòng bếp.
Giá mỗi phòng như vậy là 1.700 ringgit/ngày (tức hơn 9,5 triệu đồng). Riêng phòng VIP có giá khoảng 2.000 USD/ngày, cao hơn nhiều so với giá phòng bình quân của khách sạn Pullman.
Bên ngoài hành lang, thông qua bộ cảm biến, các nữ y tá liên tục theo dõi "thượng đế" của mình. Cảm biến này cho phép họ quan sát nhịp tim, tình trạng thức/ngủ của mỗi bệnh nhân.
Ở SunMed, căn bệnh ung thư cổ tử cung đã không cần phải tiến hành phẫu thuật và cắt bỏ bộ phận. Đội ngũ quản lý bệnh viện cho biết họ đã ứng dụng tiến bộ trong việc sử dụng đồng vị phóng xạ tiêm vào tĩnh mạch và dùng máy công nghệ cao kiểm soát hướng di chuyển, kích hoạt đồng vị tiêu diệt tế bào ung thư.
Các thực tập sinh tại bệnh viện SunMed
Tương tự SunMed, một bệnh viện địa phương tại thành phố du lịch Malacca tên Mahkota cũng giới thiệu về dịch vụ điều trị ung thư và vô sinh. Kỹ thuật tầm soát ung thư của họ có giá ngang ngửa các bệnh viện danh tiếng như Bạch Mai và Chợ Rẫy tại Việt Nam.
Giá một giường bệnh ở Mahkota không đắt đỏ như SunMed, chỉ 370 ringgit/giường/ngày cho phòng Deluxe (tầm hơn 2 triệu đồng).
Một bệnh viện khác gần SunMed Kuala Lumpur là Subang Jaya chia sẻ với chúng tôi về những triển vọng hợp tác y tế giữa hai nước thông qua các cuộc gặp chính thức cấp Bộ.
Subang Jaya có thế mạnh trong lĩnh vực huyết học - ung thư. Nhằm giúp bạn đọc hình dung ra quy mô, tôi cân nhắc dùng từ hệ sinh thái để mô tả hệ thống phòng lab sử dụng công nghệ cao trong việc tiếp nhận, phân tích, xử lý các mẫu máu, mô và phòng chống ung thư của họ (theo hình bên dưới).
Subang Jaya có nhiều phòng lab phối hợp với nhau trong việc tiếp nhận, phân tích, xử lý các mẫu máu, mô và phòng chống ung thư
Tượng mẹ bồng con ở SunMed và triết lý "Hands that treat, Hearts that heal"
Tượng mẹ bồng con được đặt tại sảnh chính của bệnh viện SunMed ở Kuala Lumpur, biểu tượng này hàm chứa ý nghĩa "lương y như từ mẫu" như ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ ký sự này, tôi không bàn quá sâu đến kỹ thuật y khoa. Bởi vì, điều làm tôi lưu tâm nhất khi đến SunMed là bức tượng mẹ bồng con đầy cảm hứng thẩm mỹ đặt trang trọng giữa sảnh lớn. Nó làm tôi nhớ tới bệnh viện Từ Dũ của Việt Nam. Lãnh đạo SunMed nói rằng, đó là biểu tượng của sự tận tâm, giống câu "lương y như từ mẫu" mà người Việt Nam thường nói.
Không chỉ SunMed, bệnh viện Mahkota cũng có triết lý "Hands that treat, Hearts that heal". Hiểu theo nghĩa bay bổng là bác sĩ ngoài chữa trị bằng chuyên môn thì cần phải có một trái tim bác ái.
Triết lý Hands that treat, Hearts that Heal của bệnh viện Mahkota
Triết lý y tế của người Malaysia không thể tóm lược bằng kỹ thuật tân kỳ, bỏi vì nó ẩn chứa bên trong cách thức tổ chức và quản trị bệnh viện rất tinh tế.
Hình phía dưới do tôi chụp là một shop hoa dành cho người thăm bệnh nằm gần cổng ra vào bệnh viện tại Malaysia. Mặc dù toạ lạc trong một không gian còn nồng mùi hoá chất, shop hoa này vẫn bày trí gọn gàng, tỏ vẻ không hề kém cạnh bất kỳ shop hoa nào mà bạn nhìn thấy khi lưu thông trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 ở TP.HCM.
Nghệ thuật quản lý thường "ăn tiền" ở chỗ người ta coi trọng những chi tiết thường tình. Ngay cả bảng cảnh báo dán trước cửa phòng chẩn xạ dành cho phụ nữ nghi ngờ mình đang mang thai cũng là sự đầu tư nghiêm túc về mặt thẩm mỹ.
Shop hoa dành cho người thăm bệnh ở một bệnh viện tại Kuala Lumpur
Bảng cảnh báo trước phòng chẩn xạ dành cho các phụ nữ nghi ngờ mình đang mang thai cũng là sự đầu tư nghiêm túc về mặt thẩm mỹ
Từ bệnh viện SunMed nhìn ra
Theo chân nhân viên của Mahkota đi xuống sảnh bệnh viện, tôi mới thấy người Malaysia rất biết cách tận dụng dịch vụ. Có một quầy thu đổi ngoại tệ nhỏ dành cho bệnh nhân quốc tế nằm đối diện Family Mart trong khuôn viên Mahkota.
Tại đây, ngoài các đồng tiền thanh toán quốc tế như USD, EUR, bảng điện tử còn niêm yết tỷ giá quy đổi VND, nhưng đơn vị VND quy đổi phải từ tiền triệu trở lên.
Sau Mahkota, bệnh viện SunMed là chặng cuối trong hành trình của chúng tôi. Từ phòng bệnh có giá 1.700 ringgit/ngày của SunMed nhìn ra, tôi thấy cả một hệ sinh thái dịch vụ thuộc "đế chế" Sunway. Đó là một công viên giải trí cây cối um tùm, bao quanh những toà bạch dinh thấp thoáng.
Khi đứng ở tầng cao Mahkota, MHTC hay Pullman nhìn ra, đâu đâu cũng có màu xanh non nước trải dài, những xa lộ đông đúc, thánh đường Hồi giáo cô tịch và hàng hàng lớp lớp công trình.
Bao quanh Mahkota là các khu vực mua sắm, khách sạn và danh lam thắng cảnh thuộc xứ sở được mệnh danh Venice của Malaysia. Ở thời điểm chúng tôi đến, dòng vốn của người Trung Quốc bắt đầu chảy vào thành phố cổ xưa này, với một dự án đô thị điểm nhấn kiểu Sunway City...
Khi ánh sáng kinh kỳ của trung tâm Pavilion vừa tắt, Kuala Lumpur có gì lạ ? (Còn nữa)