MALAYSIA NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (Kỳ 1): Touch&Go để về thủ đô, câu chuyện ngôi chùa ở cạnh thánh đường và đại công trường giữa lòng Kuala Lumpur

15/07/2019 09:22 AM | Kinh doanh

Những ngày đầu tháng 6, khi đang ngồi trong văn phòng nhìn ra Landmark 81, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ Medifly - một trong các đối tác chính thức của Hội đồng du lịch y tế Malaysia - MHTC tại Việt Nam. Họ đề xuất một chuyến bay sang Malaysia để trải nghiệm về y tế và du lịch.

Ở thời điểm nhận được cuộc gọi, ký ức gián tiếp về Malaysia của tôi chỉ quẩn quanh bởi "đại án" 1MDB, câu chuyện người ta tìm thấy hàng đống tiền trong nhà cựu thủ tướng Najib Razak và xa hơn nữa là sự trở lại chính trường của Mahathir Mohamad - nhân vật nguyên lão lừng danh trong tuyển tập Những người khổng lồ châu Á của nhà báo Tom Plate...

Tuy nhiên, khi đặt chân đến Malaysia, tôi đã cảm nhận nhiều câu chuyện khác...


Vượt qua vịnh Thái Lan xuôi phương Nam, ánh thái dương vùng cận xích đạo đánh thức tôi tỉnh giấc. Từ mây trắng rợp trời nhìn xuống, Malaysia núi non một dải gập ghềnh bên bờ sóng lặng.

Cao độ bắt đầu hạ thấp dần. Dưới mặt đất, phi đạo mở ra trước mắt. Trong nhà ga hành khách, hai nữ nhân viên của MHTC đã chờ đoàn chúng tôi từ sớm.

Tôi gặp người đại diện của MTHC tại một trạm tiếp đón y tế thường trực do họ tổ chức ở khu vực nhà ga. Từ sân bay, họ cung cấp dịch vụ sơ cứu lâm thời và hỗ trợ chuyển bệnh về thủ đô.

Trong không gian giới hạn khoảng 20m2, người Malaysia cố gắng cung cấp thông tin đầy đủ nhất về hệ thống bệnh viện, dịch vụ y tế và du lịch.

Cuộc chạy đua quảng bá du lịch-y tế hòng đuổi kịp người Singapore và Thái Lan sau 20 năm bỏ lỡ vận hội đang được chính phủ Malaysia khởi động tại nơi chứng kiến hàng triệu lượt du khách quốc tế ghé thăm mỗi ngày.

MALAYSIA NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (Kỳ 1): Touch&Go để về thủ đô, câu chuyện ngôi chùa ở cạnh thánh đường và đại công trường giữa lòng Kuala Lumpur - Ảnh 2.

Ở vùng đất Nam Đảo đa văn hoá, sau cơn mưa rào nhiệt đới, nhìn qua cửa kính cao ốc, tôi thấy những nóc thánh đường Hồi giáo thấp thoáng bên bờ biển, bỏ lại cảnh trí sau lưng, trở nên trầm mặc đến lạ thường


Touch&Go và đường về thành đô

Giống như quy hoạch phi trường quốc tế Nội Bài của Việt Nam, phi trường quốc tế Kuala Lumpur cách thủ đô hơn nửa tiếng chạy ô tô trên cao tốc.

Hạ tầng của Malaysia rất đồng bộ, nếu đi xa từ khu vực này qua khu vực khác hầu như bạn đều di chuyển bằng đường cao tốc. Tốc độ lưu thông trung bình tương tự cao tốc Trung Lương, từ 80 - 110 km/h.

Malaysia từng là thuộc địa của Anh, do đó, họ ảnh hưởng tập quán lái xe bên phải. Trên cao tốc, có xe máy chạy lẫn ô tô nhưng họ duy trì đúng tốc độ và khoảng cách. Không riêng gì cao tốc, khi lưu thông trong nội ô lúc kẹt xe, các tài xế đều tuân thủ nguyên tắc này.

Trạm thu phí đầu tiên đón chúng tôi bằng thương hiệu của thẻ chi trả Touch&Go treo cao và dễ nhìn thấy từ đằng xa. Ở đây, nhà điều hành không duy trì nhân viên thu phí cơ hữu. Tài xế có một thẻ từ thanh toán, họ cứ việc quẹt thẻ và đi qua trạm.

Nhiều hãng thẻ cung cấp phương thức thanh toán tương tự nếu bạn ghé trạm dừng chân giữa mỗi cao tốc để nạp nhiên liệu, sử dụng các loại tàu điện, xe buýt...

Tiềm năng bất động sản ngoại ô tại Malaysia khá lớn. Dọc theo các cao tốc từ phi trường về Kuala Lumpur, từ Kuala Lumpur đi Malacca cổ kính, chính phủ hoặc tư nhân thường treo pano hai bên đường kêu gọi đầu tư vào đất đai. Đặc biệt là các dự án xây dựng biệt thự trên vùng đồi dốc.

MALAYSIA NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (Kỳ 1): Touch&Go để về thủ đô, câu chuyện ngôi chùa ở cạnh thánh đường và đại công trường giữa lòng Kuala Lumpur - Ảnh 3.

Một góc phố thanh bình tại thành phố cổ Malacca

Đường cao tốc dẫn về thủ đô đưa chúng tôi qua khu vực Cyberjaya rộng 30 km2. Nơi này được mệnh danh là thung lũng Silicon của Malaysia, làm "đầu tàu tăng trưởng" cho bang Selangor (bang lớn nhất Malaysia về kinh tế và bao quanh Kuala Lumpur).

Khu vực Cyberjaya nằm trong ý tưởng chính sách lớn của đương kim Thủ tướng 93 tuổi Mahathir Mohamad với vai trò kiến tạo đất nước mà tôi từng nhắc ở đầu ký sự.

Hơn ba mươi phút di chuyển, chúng tôi đến cửa ngõ thủ đô Kuala Lumpur. Lúc ô tô của MHTC chạy qua Lãnh sự quán Indonesia, từ ngọn dốc bên tòa lãnh sự thoải xuống, tôi rất ấn tượng bởi khung cảnh một ngôi chùa nằm cạnh thánh đường Hồi giáo bề thế. Len lỏi giữa hai bến bờ tâm linh đó chỉ là một con đường mòn.

Kiến trúc ngôi chùa này mang dáng dấp văn hóa Phật giáo Nam tông. Những chóp nhọn, mái vòm vút cong như bàn tay vũ nữ múa apsara. Tuy nhiên (nếu không nhìn lầm), bảng treo ở vị trí trịnh trọng trước cổng chùa lại có nền đỏ chữ vàng theo kiểu miếu đường Trung Hoa.

Ở khu vực đô thị trung tâm Kuala Lumpur có diện tích ngang ngửa thành phố Nha Trang, chỉ dấu đa văn hóa đầu tiên vụt qua đã để lại trong lòng lữ khách ít nhiều bâng khuâng, lưu luyến.

MALAYSIA NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (Kỳ 1): Touch&Go để về thủ đô, câu chuyện ngôi chùa ở cạnh thánh đường và đại công trường giữa lòng Kuala Lumpur - Ảnh 4.

Có một nền văn hóa giao thoa ở xứ sở Malaysia



Một Malaysia sắp bước qua cửa ải "trung bình" và đại công trường giữa lòng thủ đô Kuala Lumpur

Thời điểm chúng tôi đến, người Malaysia đang biến Kuala Lumpur thành một đại công trường. Có một số dự án tàu điện đô thị - MRT được che chắn thi công kỹ lưỡng.

Mặc dù các dự án ngổn ngang trên phố phường nhưng tôi cảm thấy nhà thầu không chủ trương ngăn xe cản lộ. Giải pháp của họ là mở ra những nhánh giao thông len lỏi để điều tiết phương tiện.

Ở Việt Nam, trên các tấm thép che chắn hoạt động thi công công trình hạ tầng đô thị như metro, cống ngầm hay tu bổ đường sá, các nhà thầu mong bà con thông cảm bằng ngôn từ súc tích : "Xin lỗi vì sự bất tiện".

Thậm chí, có một dự án lớn ngay trung tâm quận 10, nhà thầu còn gửi gắm cả một thông điệp nên thơ lên công trình của họ, nguyên văn: "Vinh quang cho những ai đổ rác đúng chỗ. Xấu hổ cho những ai vứt rác ra đường"

Người Malaysia cũng làm điều tương tự, nhưng họ kêu gọi chia sẻ theo cách trịnh trọng hơn : "Vì quá trình phát triển chung - chúng tôi lấy làm tiếc cho sự bất tiện này".

Có một đại công trình như vậy cách khách sạn Pullman tầm 200m. Đúng 16 giờ, xe MHTC đưa chúng tôi đến đây.

Pullman hiện là hệ thống khách sạn tại hơn 30 quốc gia, thuộc quyền quản lý của AccorHotels. Tại Việt Nam, họ có một chi nhánh nằm cạnh khu vực phố Tây Bùi Viện tại TPHCM và một chi nhánh nằm trên đường Cát Linh ở Hà Nội.

MALAYSIA NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (Kỳ 1): Touch&Go để về thủ đô, câu chuyện ngôi chùa ở cạnh thánh đường và đại công trường giữa lòng Kuala Lumpur - Ảnh 5.

Ảnh : Một người Malaysia dùng smartphone trong cửa hiệu đồng hồ cũ tại thành phố du lịch Malacca

Trong lúc chờ check-in và chuẩn bị cho cuộc họp với CEO MHTC tầm một tiếng sau đó, tôi mở file lưu các chuyên trang kinh tế cũ ra đọc. (Tài liệu này có được do thói quen đọc, cất giữ và số hóa báo giấy từ trước đây của tôi).

Khi đang tranh thủ xem lại lần cuối những thông tin liên quan đến Malaysia, tôi dừng mắt ở một bài do chuyên gia viết có tựa: "Thoát bẫy thu nhập trung bình - Đâu là con đường cho Việt Nam?", đăng khoản năm 2014. Tác giả có viết một đoạn khá lý thú.

Đoạn này nói rằng những nước sau khi vượt ngưỡng thu nhập thấp (995 USD) và nỗ lực chuyển từ lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi kỹ năng giản đơn sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đòi hỏi kỹ năng phức tạp hơn cho đến lúc GDP bình quân đầu người tích lũy qua ngưỡng 12.195 USD thì sẽ gia nhập nhóm thu nhập cao.

Vào năm tác giả viết bài báo đó, GDP bình quân đầu người của Malaysia đã vượt 10.500 USD. Mặc dù khoảng cách trên rất xa so với đảo quốc Sư Tử láng giềng nhưng tôi nghĩ tương lai của đất nước này còn nhiều triển vọng khi hình dung về những câu chuyện trải dài từ phi trường đến thành đô.


MHTC là tổ chức gì ? Người Malaysia trông chờ gì vào dịch vụ du lịch y tế ? Một "Vingroup" của Malaysia có dáng dấp như thế nào ? (Còn tiếp)

Phương Danh.

Cùng chuyên mục
XEM