Đề xuất ưu đãi thuế, phí ô tô điện: Liên Bộ Công thương – Tài chính trả lời thế nào?

11/06/2021 14:40 PM | Kinh doanh

Bộ Tài chính khẳng định sẽ trình chính phủ theo trình tự thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi đó, Bộ Công thương cho biết "có thể xem xét" việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho ô tô điện.

Ngày 29/5, Phó thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo, giao Bộ tài chính tổng hợp ý kiến, trình Thủ tướng trước ngày 10/6 về đề xuất của tập đoàn Vingroup trong việc thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ôtô điện. Ngày 4/6, Bộ Tài chính gửi công văn cho các Bộ gồm Công thương, Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Giao thông vận tải và Phong thương mại và công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến.

"Có thể xem xét" áp dụng thí điểm ưu đãi thuế và lệ phí với ô tô điện

Ngày 10/6, trong công văn gửi cho Bộ Tài chính về kiến nghị, Bộ Công thương cho biết việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét".

Bộ Công thương cũng khẳng định Việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo.

 Đề xuất ưu đãi thuế, phí ô tô điện: Liên Bộ Công thương – Tài chính trả lời thế nào?  - Ảnh 1.

Trước đó, trong công văn lấy ý kiến, Bộ Tài chính cho biết: Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các dòng xe ô tô thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường. Xe điện sử dụng những vật liệu có lợi cho môi trường và có nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, không phát thải khi sử dụng ngoài môi trường, giảm tiếng ồn và cải thiện chất lượng không khí.

Theo Bộ Tài chính, tốc độ tăng trưởng xe ô tô điện hiện rất nhanh, năm 2019 thế giới chỉ ghi nhận tiêu thụ hơn 3,2 triệu xe điện, nâng tổng số xe điện tiêu thụ lên đến 10 triệu xe. Mặc dù hàng năm, xe ô tô điện chỉ chiếm 2,6%/tổng lượng xe bán trên toàn cầu nhưng mức tăng trưởng được ghi nhận tăng 50%.

Theo báo cáo của InsideEVs.com, thị trường Mỹ, doanh số xe điện năm 2019 tăng 21% so với năm 2018, tương ứng lượng xe điện bán ra hơn 200.000 chiếc, Tesla Model 3 là chiếc xe điện duy nhất tạo nên cơn sốt ở Mỹ khi đè bẹp các đối thủ, với lượng bán ra hơn 160.000 chiếc.

Tại châu Âu, tính đến hết tháng 6/2020, lượng xe ô tô điện bán ra xấp xỉ 195.000 chiếc, tăng 42% so với năm 2019. Na Uy là nước dẫn đầu khi xe ô tô điện bán ra hơn 36.500 xe, chiếm 37%. Iceland là quốc gia đứng thứ 2 với 19%. Thụy Điển đứng thứ 3 với 8%.

Sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn

Các quốc gia trên thế giới hiện có xu hướng hạn chế hoặc bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện nhiên liệu sạch. Nhiều quốc gia đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế, tài chính để ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng ô tô điện, chẳng hạn:

Hàn Quốc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với ô tô điện, Trung Quốc miễn thuế tiêu dùng, Indonesia giảm hoặc miễn thuế hàng hoá xa xỉ; Thái Lan giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2016, các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5-8 năm; Nhật Bản áp dụng chính sách ưu đãi thuế với xe điện và xe có lượng phát thải thấp; Mỹ áp dụng chính sách ưu đãi (miễn/giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, khấu trừ thuế, giảm khí đăng ký, phí đỗ xe, hỗ trợ lắm trạm sạc tuỳ từng bang.

Hãng tư vấn Wood MacKenzie dự báo, đến năm 2035, cứ 9 xe ô tô bán ra trên thế giới sẽ có một xe ô tô chạy điện, số xe điện năm 2035 có thể lên đến 125 triệu chiếc. Bloomberg dự báo năm 2022 hoặc sớm hơn, ô tô điện sẽ rẻ bằng xe chạy xăng và khi ấy thị trường và doanh số ô tô điện sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Dự báo đến năm 2050, ô tô điện chiếm 80% tổng phương tiện trên thế giới.

 Đề xuất ưu đãi thuế, phí ô tô điện: Liên Bộ Công thương – Tài chính trả lời thế nào?  - Ảnh 2.

Trên thế giới, thị trường ô tô điện đang phát triển mạnh mẽ.

Bộ Tài chính cho biết, tại Việt Nam ô tô điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ và hiện chỉ có VinFast đầu tư, sản xuất. Tháng 4, hãng này mới cho ra mắt chiếc xe đầu tiên, dự kiến công suất xe chạy pin của VinFast có thể lên đến 250.000 chiếc/năm và có thể nâng lên 500.000 đến 1 triệu chiếc xe/năm.

Bộ cho rằng trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong phát triển xe điện là cơ sở hạ tầng: trạm sạc còn thiếu, năng lượng cung cấp điện chủ yếu từ nguồn nhiên liệu có phát thải CO2 cao, chiếm gần 50% tổng sản lượng điện huy động, trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo (mặt trời, sức gió, sinh khối) chỉ chiếm 4,3% và được coi là nguồn điện không ổn định).

Theo khảo sát của Frost & Sullivan (Mỹ), 33% người Việt được hỏi đều trả lời họ nghĩ đến mua ô tô điện từ lần đầu ra mắt. Vì vậy, Việt Nam được hứa hẹn là thị trường tiềm năng cho xe điện chạy pin.

Để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và nội dung này thuộc thẩm quyền Quốc hội. Vì vậy phải trình Quốc hội sửa luật. Về lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho biết đây là thẩm quyền của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh đại dịch, trường hợp phải ban hành sớm hơn, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thành Duy

Cùng chuyên mục
XEM