Đề xuất nghỉ lễ vào ngày toàn dân đưa trẻ tới trường
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề xuất đưa ngày toàn dân đưa trẻ đến trường trở thành ngày nghỉ thêm trong năm.
Góp ý về vấn đề tăng thêm ngày nghỉ trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng do số lượng ngày nghỉ lễ Tết của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nên cần tăng thêm 2 ngày nghỉ so với hiện nay. Ngày nghỉ thêm thứ nhất là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, 5/9 dương lịch và ngày thứ hai là ngày Gia đình Việt Nam, 28/6 dương lịch.
"Ngày 5/9 là ngày rất có ý nghĩa đối với các cháu. Nhiều cháu đến trường rất thiệt thòi và bố mẹ cũng rất tủi thân vì không được đưa con đến trường bởi phải đi làm. Nếu phải được lựa chọn một trong hai phương án này, theo tôi nên lựa chọn phương án là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, mùng 5/9 là ngày nghỉ thêm trong năm", ông Tiến giải thích.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc). (Ảnh: Quochoi.vn)
Bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) bày tỏ ý kiến đồng tình với phương án trong dự thảo luật đưa ra là chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch) là ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Bà Hiền đưa ra 3 lý do ủng hộ đề xuất này.
Thứ nhất, tôn vinh ngày Gia đình Việt Nam hướng tới các giá trị truyền thống theo lời dạy của Bác Hồ “gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn” là việc làm rất ý nghĩa và cần thiết hiện nay khi ngày càng nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến sự gắn bó bền vững của gia đình vốn là nền tảng bền vững cho xã hội.
Lý do thứ hai, ngày 28/6 nằm ở khoảng giữa hai giai đoạn gần 4 tháng không có ngày nghỉ lễ nào, cũng là thời điểm giữa mùa hè, bởi vậy phương án này không chỉ là lựa chọn tốt nhất về thời điểm mà còn thuận lợi để người lao động có thể kết hợp ngày nghỉ phép trong năm đưa con cái về quê hoặc đi du lịch.
Thứ 3, ngày 28/6 được lấy làm ngày Gia đình Việt Nam vào năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ này. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng nếu Quốc hội thông qua đề xuất này thì vào năm 2021, năm đầu tiên thi hành bộ luật mới cũng là thời điểm kỷ niệm tròn 20 năm, 2 thập kỷ ngày Gia đình Việt Nam sẽ rất có ý nghĩa trên nhiều mặt.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng thay vì giữ nguyên hoặc chỉ tăng 1 ngày như 2 phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, nên tăng thêm 3 ngày nghỉ là ngày Gia đình Việt Nam, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và dịp Tết dương lịch.
"Nếu như không được 3 ngày thì cũng nên quy định nghỉ thêm 2 ngày, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, vì đây ngày này có một ý nghĩa hết sức tốt đẹp trong xã hội, vì tương lai con em chúng ta. Thứ hai nên tăng thêm 1 ngày nghỉ Tết dương lịch. Ngày nghỉ Tết dương lịch cũng là ngày sum họp gia đình và cũng phù hợp với quốc tế. Hiện nay, chúng ta nghỉ Tết dương lịch chỉ có 1 ngày, nếu chúng ta tăng thêm được 1 ngày nữa thì cũng đồng nghĩa với ngày sum họp gia đình, sau 1 năm lao động hết sức vất vả", bà Thủy cho biết thêm.
Đề xuất tăng 3 ngày nghỉ mỗi năm
Nếu đề xuất tăng 3 ngày nghỉ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được chấp nhận, Việt Nam sẽ có 13 ngày nghỉ mỗi năm.
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị tăng ngày nghỉ lễ cho người lao động
Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp đề nghị tăng thời gian nghỉ lễ, Tết trong năm theo phương án nghỉ ghép thêm vào dịp lễ Quốc Khánh, Tết Dương lịch.