Đề xuất lập 2 thành phố thuộc Hà Nội
Hà Nội dự kiến có 2 thành phố trực thuộc gồm thành phố logistics, dịch vụ (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (Hoà Lạc, Xuân Mai).
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về chính quyền Thủ đô, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc là thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); tại phía Tây sẽ là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Tăng số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân từ 95 lên 125 đại biểu, tỉ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng Nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng Nhân dân.
Đồng thời, quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội, với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, UBND, đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức Thủ đô, đề xuất cho Hội đồng Nhân dân thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.
Giao Thường trực Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C.
Đáng chú ý, tương tự cơ chế áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, dự thảo luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP Hồ Chí Minh).
Về bảo vệ môi trường, Chính phủ đề xuất thành phố quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm.
Cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Dự thảo luật cũng bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo.
Về tài chính, ngân sách, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần.
Ngân sách thành phố giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời.