Bộ Y tế đề xuất F0 và F1 có thể đi làm: Chuyên gia nói gì?

06/03/2022 15:45 PM | Xã hội

Đề xuất cho F0 không triệu chứng đi làm là một trong những đề xuất mới trong chiến lược phòng chống dịch tại Việt Nam.

Bảo vệ tránh lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết lúc này cần phải hiểu Covid-19 vẫn là bệnh đặc biệt, bệnh mới nổi và có dịch, tác hại lớn và có thể lây lan. Căn bệnh Covid-19 sẽ còn hiện hữu và chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó.

Cho đến hiện nay, độ phủ vắc xin tại Việt Nam đã rất cao (chỉ còn trẻ em chưa được tiêm) cho nên đã giúp giảm số ca chuyển nặng, tử vong dù số ca mắc cao trên 100.000 ca/ngày.

Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, dịch hiện nay vẫn đang lây lan mạnh ở các thành phố lớn, nơi đông người. Số ca bệnh báo cáo hiện nay chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì nhiều người mắc bệnh không khai báo.

Bộ Y tế đề xuất F0 và F1 có thể đi làm: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân F0, ảnh Việt Hùng.

Về đề xuất để F0 không triệu chứng đi làm của Bộ Y tế, bác sĩ Hà phân tích: "Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tới đời sống và vẫn sẽ có số ca tử vong. Do vậy, Covid-19 vẫn là căn bệnh cần phải lưu tâm hiện nay. Đặc biệt, ở nhóm người yếu thế, nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện)… Do vậy, việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong", bác sĩ Hà nói.

Theo bác sĩ Hà, nhóm F0 có thể đi làm chỉ nên áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Hiện nay, dịch chưa lên tới đỉnh do số ca vẫn mắc vẫn đang tăng cáo. Do vậy F0 vẫn cần cách ly đề phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng có thể làm trực tuyến tại nhà.

Bác sĩ Hà cho biết trước đây F1 cần phải cách ly, truy vết thì hiện F1 có thể không cần phải cách ly. Tuy nhiên, cần phải lưu ý nếu F1 trong cùng một gia đình thì khả năng phơi nhiễm cao hơn nhiều (do tiếp xúc hàng ngày) so với các trường hợp F1 tiếp xúc thoáng qua. Khi trong gia đình có 1 F0, thì nguy cơ lây nhiễm cho những người khác có thể lên tới 70-80%.

Dù F1 không cách ly nhưng vẫn phải phải theo dõi sức khoẻ của mình. Đối với biến chủng Omicron, các triệu chứng rất thô sơ: chảy nước mũi, đau mỏi người, rát họng… Do vậy, F1 cần lưu ý khi có biểu hiện này cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác.

Điều kiện để F0 đi làm

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: "Trong thời gian sắp tới thì chúng ta cũng phải coi Covid-19 như là một bệnh lưu hành (cúm, sốt xuất huyết). Còn hiện tại số ca bệnh Covid-19 vẫn đang tăng, tín hiệu vui là số lượng tử vong ổn định, do vậy vẫn cần phải lưu tâm tới Covid-19.

Để Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì phải có những tiêu chí nhất định: Số ca mắc và tử vong ổn định hàng năm; Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, hiện Việt Nam đã đáp ứng tương đối tốt; Tính miễn dịch cộng đồng (mắc tự nhiên, tiêm chủng); Tâm lý người dân đã chấp nhận bệnh như là bệnh thường trực. Hiện WHO chưa công nhân Covid-19 là bệnh lưu hành vì còn nhiều nước trên thế giới chưa được tiêm phòng vắc xin".

Về đề xuất F0 đi làm, theo PGS Huy Nga, người nhiễm virus không có triệu chứng vẫn có thể đi làm nhưng phải đảm bảo được việc tránh lây nhiễm cho người khác. Ví dụ, người nông dân nhiễm virus vẫn khoẻ mạnh, đi làm ngoài đồng không tiếp xúc với ai thì khó có thể lây nhiễm cho người khác. Hay trường hợp chuyên gia đi làm có xe riêng, phòng riêng không tiếp xúc với ai thì có thể đi làm.

"Nguyên tắc khi F0 đi làm cần phải lưu ý thực hiện tốt 5K, cần phải có những điều kiện để tránh lấy nhiễm như: cơ quan tạo điều kiện tránh tiếp xúc với người khác; đảm bảo phòng riêng không lây nhiễm...

Cần phải lưu ý với F0 không triệu chứng cần phải thông báo với cơ quan, người xung quanh mình là F0 để mọi người có biện pháp phòng ngừa", PGS Huy Nga phân tích.

Theo PGS Huy Nga, khi dịch bệnh có đủ các tiêu chí để trở thành bệnh lưu hành thì tất cả F0 đều có thể đi làm và thực hiện tốt 5K. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, chỉ F0 đáp ứng đủ được các điều kiện phòng lây nhiễm mới nên đi làm, ví dụ như nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0…

Đối với đề xuất F1 không cần cách ly, PGS Huy Nga lưu ý nhóm F1 vẫn cần phải theo dõi sức khoẻ bản thân và thực hiện 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay, ý thức tự giác của F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng.

Ngày 5/3, Bộ Y tế đã có đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét về việc cho người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) và trường hợp tiếp xúc gần (F1) được đi làm trong thời gian cách ly.

Đề xuất này áp dụng với nhóm F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Những người có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (F1) nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.

Theo Ngọc Minh

Từ khóa:  F0 đi làm
Cùng chuyên mục
XEM