"Đệ nhất mì gà" bị Châu Âu cảnh báo, Acecook phản hồi: Là hàng tồn kho chưa thu hồi từ tháng 8/2021

09/02/2022 09:48 AM | Kinh doanh

Đây là lần thứ 3 sản phẩm của Acecook bị cảnh báo kể từ tháng 8/2021.

Thông tin với báo chí vào chiều ngày 8/2, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết Văn phòng vừa nhận được thông báo của Liên minh Châu Âu về sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, sản phẩm bị Hệ thống thông báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh Châu Âu cảnh báo là mì ăn liền nhãn hiệu "Đệ nhất mì gà" do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất, địa chỉ: Lô số II-3, Đường số 11, cụm công nghiệp II, khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.

Quốc gia thông báo về thông tin sản phẩm là Cộng hòa Liên bang Đức. Sản phẩm có mối nguy là chứa 2-Chloroethanol ở mức 1,6mg/kg. Theo quy định của châu Âu, 2-CE chỉ được phép tồn dư dưới 0,05mg/kg.

Đệ nhất mì gà bị Châu Âu cảnh báo, Acecook phản hồi: Là hàng tồn kho chưa thu hồi từ tháng 8/2021 - Ảnh 1.

"Đệ nhất mì gà" là sản phẩm thứ 3 của Acecook bị Liên minh châu Âu cảnh báo.

Đây là lần thứ 3 sản phẩm của Acecook bị cảnh báo kể từ tháng 8/2021.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam báo cáo theo quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề nghị Quý Cơ quan gửi văn bản thông báo kết quả xử lý về Văn phòng SPS Việt Nam trong quý I/2022 để tổng hợp.

"Khi đã bị lọt vào danh sách cảnh báo, các doanh nghiệp bắt buộc phải rà soát lại toàn bộ quy trình từ nguồn gốc nhập nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển,… tập trung vào các mối nguy", ông Ngô Xuân Nam nói với báo chí.

Theo Tuổi trẻ, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã có văn bản báo cáo nhanh gửi Bộ Công thương và Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết đây là cảnh báo tương tự với cảnh báo lần đầu tiên về sản phẩm của Acecook Việt Nam có chứa 2-CE vào tháng 8-2021. Đây là những sản phẩm đã xuất khẩu sang Liên minh châu Âu trước tháng 8-2021.

"Mặc dù chúng tôi đã triển khai việc hủy toàn bộ các sản phẩm trong kho đại lý và ngừng xuất hàng sang châu Âu đến hiện nay, nhưng do sản phẩm bị cảnh báo nói trên là sản phẩm còn tồn trên các kênh bán hàng mà chúng tôi chưa thể thu hồi triệt để nên đã dẫn tới việc tiếp tục phát sinh cảnh báo này", Acecook Việt Nam cho hay.

Tại buổi làm việc chiều ngày 8/2, vị lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết đã có văn bản gửi Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam về việc thực thi Chương SPS của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Văn phòng SPS Việt Nam tập trung phản hồi quy định mới của Liên mình Châu Âu (EU) về việc tạm thời tăng tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam, tăng tần suất kiểm tra đối với các loại rau gia vị, đậu bắp và ớt; việc yêu cầu bổ sung chứng thư (health report) và test report với chỉ tiêu ethylene oxide đối với các sản phẩm thực phẩm ăn liền nhập khẩu vào EU. Thống nhất giải pháp và tiến độ để EU giảm tần suất kiểm tra nông sản, thực phẩm của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long và thực phẩm ăn liền.

Hồi tháng 8/2021, sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu "Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish" của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cũng bị Liên minh châu Âu cảnh báo.

Theo Nhịp sống kinh tế, Acecook là một trong 4 nhà sản xuất mì ăn liền nắm giữ gần 88% về sản lượng và 84% về doanh thu trên thị trường. Trong đó, Acecook luôn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường và giữ khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp còn lại, với 35,4% về sản lượng và 36% về doanh thu. Năm 2019, Acecook giữ vị trí quán quân, ghi nhận doanh thu thuần khổng lồ 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 1.660 tỷ đồng.

Đệ nhất mì gà bị Châu Âu cảnh báo, Acecook phản hồi: Là hàng tồn kho chưa thu hồi từ tháng 8/2021 - Ảnh 2.

Doanh thu của Acecook năm 2019 dẫn đầu toàn ngành

Những năm gần đây, Acecook đang đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm mì ly. Theo Nikkei, công ty này có kế hoạch tăng doanh số bán mì ly tại Việt Nam lên 350 triệu phần vào năm 2022, gấp đôi so với 2017.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM