Để giữ môi trường sạch đẹp, an ninh, cách làm nghiêm khắc này của Singapore khiến ai cũng phải dè chừng
Khác biệt với hình phạt Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Singapore có hình phạt đánh roi. Bạn có biết họ đánh ra sao không?
Hình phạt đánh roi được coi là hình thức xử phạt hợp pháp lần đầu tiên được đưa ra ở Malaysia và Singapore từ thời thuộc địa Anh vào thế kỷ 19. Trong thời kỳ đó, những tội danh phải nhận hình phạt đánh roi bao gồm trộm cướp tài sản, hành hung với ý định lạm dụng tình dục, phạm tội lần thứ hai với hành vi hãm hiếp, liên quan đến mại dâm, hành nghề mại dâm,…
Mặc dù đã trở thành một quốc gia độc lập và cũng không còn là một phần của Malaysia, Singapore vẫn tiếp tục giữ hình phạt đòn roi đến tận ngày nay như một hình phạt thể hiện sự nghiêm minh để răn đe các hành vi phạm tội: Các tội liên quan đến tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, quấy rối tình dục; các tội danh về trộm, cướp, giết người, gây rối, vẽ bậy tại nơi công cộng, bạo loạn, khủng bố, buôn người, buôn bán ma túy…
Đối tượng bị đánh roi:
Nam giới, tuổi từ 18 đến dưới 50, đủ sức khỏe theo xác nhận của y tế.
Đối tượng không bị đánh roi:
- Phụ nữ
- Nam giới trên 50 tuổi và thanh niên dưới 18, trường hợp nam thanh niên có thể bị đánh roi nếu tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 phải do tòa Tối cao Singapore tuyên án.
- Người đã bị tuyên án tử hình hoặc sức khỏe không đảm bảo.
Số lượng roi bị phạt : Tối đa 24 gậy cho 1 người
Không phải ai cũng được cho phép thực hiện hình phạt này
Những người thực hiện hình phạt đánh roi thực ra được lựa chọn rất cẩn thận và được huấn luyện đặc biệt cho công việc này. Họ đều là những người có sức khỏe tốt và một số thậm chí còn thành thục võ thuật (Martial Arts) mặc dù đó không phải một yêu cầu công việc.
Những người này được đào tạo để có thể sử dụng toàn bộ trọng lượng cơ thể để thực hiện cú đánh thay vì chỉ sử dụng lực của cánh tay đồng thời họ được huấn luyện để thực hiện cú đánh càng đau càng tốt. Họ có thể vung roi với tốc độ lên đến 160 km/h và tạo ra một lực tác động ít nhất là 90kg.
Người nhận hình phạt sẽ được kiểm tra y tế trước khi thụ án
Người thụ án sẽ không được cho biết khi nào phải nhận hình phạt, họ chỉ được thông báo vào ngày bản án được thực hiện. Vào đúng ngày thi hành án, người thụ án sẽ được kiểm tra y tế dưới sự giám sát của các chuyên gia xem họ có đủ sức khỏe để nhận đòn roi không. Nếu anh ta được xác nhận là đủ sức khỏe, bản án sẽ được thi hành, nếu không anh ta sẽ được dời ngày thi hành án.
Người thụ án bị đánh bằng roi mây vào mông trần. Cây roi để đánh tội phạm có chiều dài khoảng 1,2 m và dày khoảng 1,27 cm, được ngâm nước và ngâm chất khử trùng trước khi sử dụng để tránh nhiễm trùng bởi trong đa số các trường hợp, việc đánh bằng roi sẽ gây chảy máu. Một miếng đệm bằng cao su sẽ được lót quanh từ thắt lưng trở xuống để tránh tổn thương đến thận và cột sống.
Trong quá trình nhận phạt, nếu các nhận viên y tế xác nhận người thụ án không đủ sức khỏe để trải qua phần còn lại của sự trừng phạt, việc thi hành án sẽ được dừng lại. Người thụ án sau đó sẽ được gửi trả lại tòa án để được xem xét giữ lại số đòn roi còn lại hay chuyển đổi sang ngồi tù.
Hình phạt đánh roi của Singapore được coi là một biện pháp hiệu quả mang tính răn đe không chỉ cho người dân của Quốc đảo Sư tử mà cho cả những du khách đến thăm nơi đây. Micheal P. Fay người Mỹ bị tuyên án 6 gậy do hành vi vẽ bậy nơi cộng cộng.
Sự việc lên đến cao trào khi đích thân Tổng thống Mỹ Clinton can thiệp đề nghị miễn hình phạt nhưng Singapore không có ngoại lệ và chỉ giảm cho 2 roi "nể mặt" Tổng thống Clinton và anh chàng Fay đã chịu phạt 4 roi ngày 5 tháng 5 năm 1994. Sau khi nhận phạt, Micheal Fay đã quay trở về Mỹ và thề sẽ không bao giờ quay trở lại Singapore nữa vì hình phạt nhớ đời.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thực hiện hình phạt đáng sợ này nhưng đa phần người Singapore đều công nhận hình phạt này đã giúp ngăn ngừa tình trạng tội phạm một cách có hiệu quả.