Để “chú bé Rơm” không kết thúc cuộc đời ở đống tro tàn
Dự án “Chuyến Đi Của Rơm” được thành lập với khao khát viết tiếp một câu chuyện thú vị cho hành trình của chú bé Rơm.
Việt Nam phát sinh 47 triệu tấn rơm rạ mỗi năm
Ngoài vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đốt phế phẩm nông nghiệp ngoài trời cũng là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới và hiện đang có 4,1 triệu ha đất lúa. Trước đây, sau khi thu hoạch, rơm rạ thường được các hộ nông dân mang về nhà đánh đống để đun nấu, làm thức ăn cho gia súc, lợp nhà, ủ chuồng làm phân bón.
Trong những năm gần đây, đời sống người dân đã được cải thiện, các hộ nông dân không còn sử dụng rơm rạ vào những mục đích như trước đây và xu hướng đốt rơm rạ ngay ở ngoài đồng ruộng ngày càng phổ biến.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 47 triệu tấn rơm rạ từ sản xuất lúa gạo, nhưng mới có khoảng 30% được thu gom và sử dụng với mục đích làm giá thể nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót chuồng gia súc… Một tỷ lệ lớn rơm được đốt ngay tại ruộng sau thu hoạch, phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Một cuộc điều tra trên 96 hộ nông dân ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế do nhóm dự án thực hiện cho thấy đốt rơm rạ sau khi thu hoạch là sự lựa chọn của phần lớn của các hộ nông dân, với tỷ lệ đốt ngoài trời trong vụ Hè Thu và Đông Xuân tương ứng là 35,2% và 46,8%.
Rơm sinh ra từ lúa, vươn lên từ cánh đồng, thấm đẫm những giọt mồ hôi của người nông dân. Nhưng với quan niệm truyền thống, thật đáng tiếc khi rơm kết thúc cuộc đời ở đống tro tàn. Nhận thức về điều này, dự án “Chuyến Đi Của Rơm” được thành lập với khao khát viết tiếp một câu chuyện thú vị cho hành trình của chú bé Rơm.
Rơm đi để trở về!
“Hành trình bền vững trên cánh đồng xanh” là slogan và đó cũng là một trong những sứ mệnh của “Chuyến đi của Rơm”. Trên mỗi chặng dừng chân, Rơm mong muốn được giúp đỡ mọi người: Tận dụng được nguồn tài nguyên nông nghiệp, giúp người nông dân phần nào đỡ vất vả, tạo ra những món hàng bền vững, giảm thiểu được những tác động của rác thải nhựa, giúp các bạn học sinh, người dân nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường.
Đồng thời, ngay bản thân Rơm cũng phải đảm bảo an toàn và được kiểm tra các chỉ số về kim loại độc như Cu, Zn, Pb. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu bèo lục bình để làm quai xách li cũng được kiểm tra các chỉ số tương tự.
Chuyến đi của Rơm là một dự án không chỉ tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng tại Thừa Thiên Huế. Các sản phẩm mà dự án đã mang đến cho người tiêu dùng rất đa từ mẫu mã, kích thước và luôn đảm bảo về mặt chất lượng. Một số sản phẩm nổi bật của nhóm như tem sách, tranh ảnh, túi đưng, hộp quà và rất nhiều mặt hàng khác.
Dự án đã để lại dấu ấn sâu sắc tại Huế với những thành tích nổi bật trong nước và quốc tế. Một số thành tích của nhà rơm:
- Từ tháng 7/2023 đến tháng 09/2024: 2 Lần nhận tài trợ toàn phần thông qua Cuộc thi Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa do Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở Miền Trung Việt Nam (WWF-Vietnam) tổ chức
- Tháng 11/2023: Đạt giải thưởng Dự án tiềm năng của cuộc thi Tech Challenge 2023 do dự án InnoGreen Platform tài trợ và tổ chức
- Tháng 12/2023: Được tham gia Giải thưởng Hành động vì cộng đồng – Human Act Prize
- Tháng 12/2023: Đạt giải “Best Oral Presentation” và “Excellent Young Researcher” tại hội thảo quốc tế VANJ 2023, Tokyo
Tháng 01/2024: Nhận giấy khen của BCH Hội sinh viên Đại học Huế vì đã đạt giải thưởng tại các cuộc thi Quốc gia và Quốc tế;
Và rất nhiều giải thưởng khác…
Chương trình "Cùng rơm vẽ ước mơ" được tổ chức tại một trường học
Nhóm đã triển khai nhiều hoạt động như điều tra tình hình sử dụng rơm rạ tại xã Phú Mậu, xây dựng quy trình sản xuất giấy từ rơm và quai xách ly từ bèo lục bình, đánh giá chất lượng sản phẩm. Hơn 30 cơ sở kinh doanh đã nhận được sản phẩm miễn phí, và nhóm đã tổ chức khảo sát ý kiến người dùng, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về việc giảm thiểu rác thải nhựa cho 11 trường học, 1 UBND xã, các địa điểm khác.
Dự án thu hút hơn 1.700 người theo dõi trên mạng xã hội, lan tỏa thông điệp rộng rãi trong, ngoài nước. Sản phẩm đã tới khắp mọi miền tổ quốc và các quốc gia như Mỹ, Bỉ, Nhật Bản, Đài Loan.
Tầm nhìn đến năm 2025, dự án sẽ cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ rơm rạ, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize