Đây là gia đình được xem là đại trí thức hàng đầu Việt Nam: Nhà có 5 giáo sư, đọc thành tích mà tự hào
Họ đều là những tấm gương sáng về trí tuệ, nhân cách và tinh thần dấn thân cho cách mạng.
Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) là nhà giáo mẫu mực, nhà nghiên cứu văn học xuất sắc đã đặt nền móng cho môn lịch sử văn học; là người khởi xướng chương trình quốc học cho nền giáo dục hiện đại.
Ông học cả chữ Nho và chữ quốc ngữ, từng tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Vị giáo sư này sau đó đi dạy ở trường Bưởi (tiền thân của trường Chu Văn An sau này). Ông được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Trung học rồi làm Hiệu trưởng trường Bưởi sau Cách mạng tháng Tám.
Ông hy sinh vào những ngày Thủ đô kháng chiến cuối năm 1946, đến năm 2000 được công nhận liệt sĩ. Cuộc đời vỏn vẹn 48 năm của giáo sư Dương Quảng Hàm không chỉ để lại nhân cách và tác phẩm lưu danh sử sách mà 8 người con của cụ đều hiếu học, học giỏi, trở thành những trí thức tiêu biểu, hết lòng phụng sự Tổ quốc.
Bố là Giáo sư huyền thoại, 8 người con đều nổi tiếng
Thông tin trên QĐND, theo ông Dương Tự Minh (con út của GS Dương Quảng Hàm) thì anh cả Dương Bá Bành học giỏi nhất nhà. Ông là một trong số ít sinh viên tốt nghiệp bác sĩ Y khoa khóa đầu tiên Trường Đại học Y dược khoa, là thế hệ bác sĩ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vinh dự được Bác Hồ trực tiếp trao bằng tốt nghiệp vào năm 1945.
Bà Dương Thị Ngân (người con thứ hai) là một trong hai phát thanh viên đầu tiên vào phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam cất lên câu nói lịch sử: "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa".
Người con thứ ba là GS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với đức tính khiêm nhường, giản dị, chuẩn mực nên ông được bạn bè dành tặng 4 chữ "Mô phạm truyền gia", coi như người kế tục sự nghiệp của bố. Ông có vai trò quan trọng trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa Vật lý đầu tiên cho học sinh THPT, là một trong 3 nhà khoa học vật lý Việt Nam đầu tiên được cử sang nghiên cứu vật lý hạt nhân tại viện Dubna (Liên Xô trước đây); tham gia nghiên cứu và xây dựng bộ thuật ngữ tiếng Việt đầu tiên cho môn Vật lý...
Bà Dương Thị Thoa (người con thứ tư) hăng hái hoạt động cách mạng nhất nhà và nổi tiếng với bí danh Lê Thi-là một trong hai người phụ nữ vinh dự được kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" ngày 2-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hồi phổ thông, bà Thoa học rất giỏi, được giải thưởng của Toàn quyền Đông Dương cho đi tham quan Vịnh Hạ Long, vào Huế dự Lễ tế Nam Giao của vua Bảo Đại. Bà nguyên là cán bộ tiền khởi nghĩa, đoàn viên Đoàn Phụ nữ cứu quốc, tham gia đoàn chiếm trại bảo an binh giành chính quyền năm 1945. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà được cử đi học Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc và trở thành Giáo sư triết học, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Người con thứ năm là nhà giáo Dương Hồng. Là giáo viên dạy môn Sinh học, ông nổi tiếng về tinh thần tự học, tự soạn các loại từ điển như: Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Sinh vật, từ điển dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, tự vẽ bộ sưu tập tranh các con vật để phục vụ việc dạy học.
Bà Dương Thị Duyên (người con thứ sáu) là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam - TTXVN), phóng viên duy nhất của nước ta được tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam tại Pháp. Về sau do yêu cầu công tác, bà chuyển sang làm Trưởng ban Quốc tế của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.
Người con thứ bảy - Dương Thị Cương cũng trở thành GS, bác sĩ, nguyên Trưởng bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), đại biểu Quốc hội khóa IV. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên của ngành Y - Dược Việt Nam được nhận Giải thưởng Kovalevskaia nhờ những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu các bệnh ung thư phụ nữ, trẻ em, thai nhi, hiếm muộn...
Noi gương các anh chị, người con út Dương Tự Minh cũng hoạt động cách mạng từ lúc 13 tuổi trong đoàn học sinh kháng chiến, tham gia in, phát hành báo "Nhựa sống" trong lòng địch. Ông hai lần bị địch bắt tù đày vào Nhà lao Hỏa Lò. Ông nguyên là Trưởng ban Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nguyên Giám đốc Khách sạn Hà Nội.