Đây là điều Grab, Uber còn bỏ ngỏ mà Viettel và các doanh nghiệp nội đã tìm ra trên 'bàn cờ' gọi xe trực tuyến

20/09/2017 14:14 PM | Kinh tế vĩ mô

Uber, Grab hiện đang chiếm khoảng 40% thị trường xe trực tuyến tại Hà Nội và Tp. HCM. Tuy vậy hiện tại Việt Nam có khoảng trên dưới 10 dịch vụ gọi xe trực tuyến thuần Việt khác trên thị trường. Đó là những cái tên khá mới mẻ như vivu, 123xe, Gonow, Vietgo.

Mảnh sân còn rất rộng

Chọn điểm đi, điểm đến, chọn ngày giờ, chỉ vài thao tác trên điện thoại, anh Hậu đã đặt xong chuyến xe từ Hà Nội về Hải Phòng thay vì phải ra bến bắt xe nay đã có xe đón tận nơi.

"Tổng số tiền tôi phải chi trả cho chuyến xe này là 200 nghìn ngoài ra còn phải mất thêm 50 nghìn tiền taxi. Trong khi đó giờ đặt qua sàn giao dịch điện tử chỉ mất 150 nghìn và đưa đón từ nhà cho đến cơ quan làm việc. Một điểm nữa là xe không dừng bắt khách dọc đường", anh chia sẻ.

Để giảm chi phí cho người dùng, sàn giao dịch trực tuyến này đã đưa ra phương pháp đấu giá ngược các chuyến đi đặt trước. Sau khi nhận thông tin hành khách, thông tin sẽ được gửi cho 600 hãng vận tải hành khách trên hệ thống căn cứ vào địa điểm, số lượng xe, các nhà xe sẽ đưa ra mức giá thấp nhất cho quãng đường đó.

Đây là điều Grab, Uber còn bỏ ngỏ mà Viettel và các doanh nghiệp nội đã tìm ra trên bàn cờ gọi xe trực tuyến - Ảnh 1.

Mô hình sàn giao dịch vận tải trực tuyến.

"Taxi có những hãng đã triển khai được trên toàn quốc nhưng riêng về xe hợp đồng chưa có một doanh nghiệp nào đủ tiềm lực để bao trùm khắp toàn quốc, rải khắp nơi phương tiện của họ. Nhưng với Gonow đây sẽ là sự kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải khắp nơi trên toàn quốc để đảm bảo cho khách hàng di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác", Bà Trần Huyền Trang, Tổng giám đốc sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow chia sẻ với VTV.

Nhờ công nghệ kết nối hành khách và nhà xe, doanh nghiệp vận tải như Beepro đã giảm được 30% số chuyến xe đi 1 chiều mà không có khách đồng thời tiết giảm chi phí quản lý. Theo chia sẻ của ông Đoành Công Nguyên, giám đốc điều hành công ty này, để đưa hành khách đi du lịch thì thường phương tiện của công ty phải ở lại 2-3 ngày hoặc là nếu khách ở Hà Nội thì phải đi không ra Hà Nội. Việc chạy không có hành khách doanh nghiệp vận tải chịu thiệt hại rất lớn.

Sàn giao dịch Gonow dự tính sẽ trở thành trung gian giúp người dùng có thể đặt xe theo gói kết hợp được cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Có nghĩa là hành khách chỉ cần đưa ra yêu cầu đi lại, ứng dụng sẽ tính toán quãng đường, phương tiện di chuyển phù hợp và báo giá trọn gói.

Khác với cách lựa chọn phân khúc của Gonow, Vietgo lại lựa chọn phân khúc khá hẹp là từ sân bay Nội bài về Nội thành. "Các lái xe chuyên chạy tuyến sân bay thường gặp khó khăn trong việc kiếm khách đi cả 2 chiều sân bay và thành phố nên họ thường đi 1 chiều không có khách. Qua ứng dụng của chúng tôi, khách hàng có thể tìm được những chuyến xe di chuyển với mức giá tốt nhất ", ông Hà Huy Vũ, giám đốc điều hành Vietgo chia sẻ.

Uber và Grab mới chỉ chiếm 40% thị phần gọi xe trực tuyến tại Hà Nội và Tp. HCM chứng tỏ chỗ đứng trên thị trường này còn rất rộng và đủ chỗ cho các tên tuổi mới như Vietgo hay Gonow. Và mới đây Gonow tìm được người khổng lồ để bắt tay là Viettel.

Khi đổi mới là điều tất yếu

"Không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác trên thế giới họ cũng phải làm cách nào đó để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng tốt hơn. Cái đó là xu thế tất yếu phải làm", ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó tổng giám đốc Vinasun trả lời phỏng vấn VTV.

Không chỉ Vinasun, các hãng taxi truyền thống cũng nhanh chóng thay đổi đưa ứng dụng gọi xe trực tuyến vào kinh doanh. Theo anh Lục, một tài xế của hãng taxi Thành Công cho biết từ khi đưa ứng dụng vào sử dụng lượng khách của anh đã trở lại mức bình thường. Với anh gọi xe trực tuyến đã giúp cho việc cạnh tranh với Grab và Uber đã cân bằng trở lại sau thời gian đầu bị sụt giảm.

Thành Công là đơn vị taxi tiên phong ứng dụng gọi xe trực tuyến không những thế còn là đơn vị đầu tiên gọi xe qua tin nhắn Facebook. Với họ hiện thị phần còn lớn và quan trọng là phục vụ khách hàng tốt hơn.

"Mục tiêu của chúng tôi là muốn chăm sóc tốt hơn nữa đối với các khách hàng cũ, nay có thêm hình thức gọi xe mới là gọi xe qua mạng. Ngoài mục tiêu chăm sóc khách hàng, còn có mục tiêu là chăm sóc phát triển khách hàng mới", đại diện hãng taxi này cho biết.

Đây là điều Grab, Uber còn bỏ ngỏ mà Viettel và các doanh nghiệp nội đã tìm ra trên bàn cờ gọi xe trực tuyến - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho biết hiện lượng xe Grab, Uber đã ngang bằng với các hãng taxi truyền thống. Tại Hà Nội và Tp.HCM hiện chiếm 40% lượng hành khách tuy nhiên cuộc cạnh tranh không đáng lo ngại cho gọi xe trực tuyến Việt Nam khi thị phần tại các ngách còn rất lớn.

"Hợp đồng điện tử đang là thí điểm tại 5 thành phố lớn trong khi đó tại Đà Nẵng thì cấm. Như vậy thị trường Việt Nam còn rất rộng lớn. Grab, Uber mất rất nhiều năm để phát triển sản phẩm từ thử nghiệm đến hoàn chỉnh và chúng ta có thể bỏ qua giai đoạn thử nghiệm. Người Việt Nam hoàn toàn có thể viết ra những phần mềm mà không cần qua công đoạn thử nghiệm nữa", tiến sỹ Đặng Quang Vinh, viện nghiên cưu và quản lý kinh tế Trung ương phân tích.

60 tỉnh thành còn lại thị trường còn rất mở từ chia sẻ đi sân bay, đi các thành phố lớn với quãng đường 100-200 km. Phân khúc này hiện chưa được Grab hay Uber nhắm tới và rõ ràng có chỗ cho doanh nghiêp Việt, những người hiểu thị trường nội địa.

Đánh bật Uber và chiến thắng thị trường trong nước là điều các doanh nghiệp gọi xe trực tuyến Trung Quốc đã làm được. Thị trường gọi xe nước này cũng chỉ mới phát triển từ 5-7 năm nay nhưng đã chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt khi Uber gia nhập. Năm 2014 Uber xuất hiện khiến cho 2 ông lớn trong lĩnh vực gọi xe tại thời điểm này là Kuaidi Dache và Didi Dache do 2 tập đoàn Tencent và Alibaba hậu thuẫn phải tuyên bố sáp nhập vào tháng 2/2015 với một thương hiệu hoàn toàn mới là Didi Chuxing. Trong suốt 18 tháng sau cuộc chiến giữa DiDi và Uber trên thị trường đã tiêu tốn của mỗi bên tới 1 tỷ USD cho các dịch vụ giảm giá xe, khuyến mãi.

Tuy nhiên DiDi với lợi thế sân nhà kết hợp với hệ thống gọi xe tiện lợi cho phép cả Taxi truyền thống, taxi tư nhân, xe đi chung sử dụng chung 1 nền tảng để gọi xe. Cùng với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ trong việc đề ra quản lý các ứng dụng taxi trực tuyến như tài xế phải có hộ khẩu tại nơi lái xe, không tiền án tiền sự, lắp đặt hệ thống định vị trên xe nên các đối thủ khác của DiDi không thể nào tìm ra được cách cạnh tranh.

Hệ quả là tháng 8 năm 2016 Uber chi nhánh Trung Quốc tuyên bố bán mình cho DiDi Chuxing. Sự kiện này đã chứng minh sự lớn mạnh nội tại của một doanh nghiệp Trung Quốc trước cơn bão Uber toàn cầu. Hiện DiDi đang chiếm 90% miếng bánh thị trường gọi xe trực tuyến tại nươc này. Và thậm chí đã và đang mở rộng đầu tư vào các ứng dụng gọi xe tại nước ngoài như Mỹ, Brazil.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM