Đây là cách học cực kỳ hiệu quả được Elon Musk kế thừa từ Thomas Edison và Nikola Tesla
Cũng như Musk, một số bộ óc vĩ đại nhất như Aristotle, Euclid, Thomas Edison, Feynman và Nikola Tesla cũng sử dụng gạch nối còn thiếu này để tăng tốc độ học hỏi, giải quyết vấn đề và tạo ra những thành quả lớn lao trong cuộc đời họ.
Khi mới 46 tuổi, Elon Musk đã có trong tay 3 công ty trị giá hàng tỷ USD ở các lĩnh vực khác nhau – PayPal (dịch vụ tài chính), Tesla (sản xuất ô tô) và SpaceX (hàng không vũ trụ). Đó là chưa kể đến Solar City (năng lượng), công ty mà ông góp phần xây dựng và mua lại với giá 2,6 tỷ USD.
Musk nói ông từng làm việc 100 giờ mỗi tuần trong 15 năm liền và gần đây đã giảm xuống còn 85 giờ. Người ta còn đồn rằng nhiều khi ông không ăn trưa, và làm nhiều việc một lúc như vừa ăn vừa họp, trả lời email, v.v.
Rõ ràng tinh thần làm việc đóng vai trò quan trọng trong quá trình khai mở sáng tạo, nhưng vẫn có những người làm việc cật lực suốt cả đời mà không đạt được thành quả như mong muốn.
Vậy đâu là gạch nối còn thiếu giữa trí sáng tạo và thành công?
Cũng như Musk, một số bộ óc vĩ đại nhất như Aristotle, Euclid, Thomas Edison, Feynman và Nikola Tesla cũng sử dụng gạch nối còn thiếu này để tăng tốc độ học hỏi, giải quyết vấn đề và tạo ra những thành quả lớn lao trong cuộc đời họ.
Tư duy nguyên tắc đầu tiên
Tư duy nguyên tắc đầu tiên về cơ bản là chất vấn mọi giả định bạn nghĩ là mình biết về một vấn đề hay một viễn cảnh nào đó, sau đó tạo ra kiến thức và giải pháp từ đầu. Nó khác với phép loại suy, trong đó việc tạo dựng kiến thức và giải quyết vấn đề dựa trên các giả định, niềm tin.
Điều cốt yếu là tư duy nguyên tắc đầu tiên sẽ giúp bạn tạo ra một thế giới quan riêng biệt để sáng tạo và giải quyết các vấn đề khó khăn theo cách mà không một ai khác có thể nghĩ tới.
Dưới đây là 3 bước giúp bạn nhanh chóng sử dụng cách tư duy này
Thomas Edison
Bước 1: Nhận diện và chỉ rõ các giả định của bạn
Albert Einstein đã nói: "Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ dành 55 phút để nghĩ về vấn đề đó và 5 phút để tìm ra giải pháp".
Dưới đây là một số ví dụ về các vấn đề mà ta có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày:
"Mở rộng việc làm ăn sẽ khiến tôi phải tốn rất nhiều tiền".
"Tôi sẽ phải vật lộn và nhiều khi sống kham khổ nếu muốn trở thành một nghệ sĩ thành công".
"Tôi không có đủ thời gian để tập thể dục và đạt được mục tiêu giảm cân của mình".
Khi bạn gặp phải một vấn đề tương tự, việc đầu tiên rất đơn giản đó là viết ra giả định của bạn về chúng.
Bước 2: Chia vấn đề thành các nguyên tắc cơ bản
Những nguyên tắc cơ bản này nhìn chung là các sự thật hoặc chi tiết về bất kỳ điều gì. Cách tốt nhất để biết được chúng là đặt ra những câu hỏi phù hợp.
Dưới đây là một ví dụ về Musk trong một cuộc phỏng vấn:
Ai đó có thể nói "Các khối pin quá đắt và sẽ luôn đắt như thế. Đã có lúc chi phí bỏ ra cho chúng là 600 USD/kWh".
Với tư duy nguyên tắc đầu tiên bạn sẽ nói, "Thành phần nguyên liệu để làm pin là gì? Giá trị trên thị trường chứng khoán của các nguyên liệu này là bao nhiêu?" Nó gồm cô-ban, ni-ken, các bon, một số loại chất dẻo và một vật chứa kín. Chia các loại thành phần này ra và thử hỏi "Nếu ta mua trên Sàn giao dịch Kim loại London thì mỗi thứ này sẽ tốn bao nhiêu tiền?"
Mức giá khi đó sẽ là 80 USD/kWh. Vì thế rõ ràng bạn chỉ cần nghĩ ra những hướng đi sáng suốt hơn để mua các loại nguyên liệu đó, rồi kết hợp chúng lại và đưa vào hình hài một viên pin. Nhờ đó bạn có thể có được những viên pin rẻ hơn rất nhiều.
Bước 3: Tạo ra giải pháp từ đầu
Khi đã nhận diện và chia nhỏ được vấn đề hoặc các giả định thành những sự thật cơ bản nhất, bạn có thể bắt đầu tạo những giải pháp thấu triệt mới hoàn toàn.
Chẳng hạn với giả định: "Mở rộng việc làm ăn sẽ khiến tôi phải tốn rất nhiều tiền".
Tư duy nguyên tắc đầu tiên sẽ dẫn ta đến những cặp câu hỏi/trả lời như:
- Bạn cần làm gì để làm ăn có lãi? Tôi cần bán sản phẩm dịch vụ cho càng nhiều khách hàng càng tốt.
- Liệu việc tìm các khách hàng mới có tốn nhiều tiền không? Không nhất thiết, nhưng tôi sẽ cần có đường tiếp cận các khách hàng mới này theo hướng không tốn quá nhiều chi phí.
- Ai có đường tiếp cận và làm thế nào bạn tạo được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi? Tôi đoán là mình có thể hợp tác với các công ty khác hiện đang phục vụ chính những khách hàng mới đó và chia lợi nhuận 50-50.
Tư duy khác biệt
Thường thì khi đối mặt với các vấn đề phức tạp, ta hay nghĩ như số đông. Tư duy nguyên tắc đầu tiên là một cách hiệu quả để giúp bạn phá vỡ lối mòn tư duy này, nghĩ vượt ra khỏi khuôn khổ mình vốn có, và tạo ra những giải pháp hoàn toàn mới cho các vấn đề quen thuộc.
Nhờ nhận diện các giả định, chia chúng thành những sự thật cơ bản rồi tạo ra các giải pháp hoàn toàn mới, bạn có thể khám phá ra những hướng đi cực kỳ mới mẻ cho các vấn đề phức tạp và tạo nên những thành quả lớn lao cho sự nghiệp cũng như cuộc sống của mình.