Đây là bí quyết khiến người dùng “phát cuồng” của Elon Musk và Steve Jobs

12/04/2016 13:41 PM | Marketing

Các chuyên gia cho rằng Elon Musk đã học hỏi bí quyết này từ Steve Jobs.

Đâu là điểm tương đồng giữa Elon Musk và Steve Jobs? Cả hai đều là những tay lão luyện trong nghệ thuật ra mắt sản phẩm. Dưới thời Steve Jobs, các sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Apple là những lễ hội thực sự. Musk cũng cho thấy mình chẳng hề kém cạnh khi Tesla ra mắt mẫu xe Model 3 trong tuần qua.

Gần như ngay lập tức, 276.000 người đã bỏ xuống khoản tiền đặt cọc 1.000 USD để đặt mua một chiếc Model 3 mà chưa biết ngày nào mới nhận được (ngay cả mức giá cũng chưa hoàn toàn xác định). Các chuyên gia cho rằng số người tham dự buổi ra mắt của Tesla còn đông hơn cả buổi công chiếu phim Star Wars.

Nhưng làm thế nào Elon Musk có thể hồi sinh phép thuật của Steve Jobs và khơi dậy niềm tin và sự cuồng nhiệt của nhiều người đến vậy? Lý do là cả hai người đàn ông này đều hiểu cách thu phục tâm trí của đám đông, kể cả các chuyên gia.

Trên thị trường di động, chiến thuật điển hình của những công ty muốn gây bất ngờ là là đánh lén các gã khồng lồ chậm chạp trong ngành bằng những sản phẩm giá rẻ. Điều này giống như việc các hải tặc lái những con thuyền nhỏ tấn công một tàu chở dầu siêu lớn vậy. Những kẻ nổi loạn thành công bắt đầu với các sản phẩm rẻ tiền, rồi sau khi đã chiếm được thị phần sẽ dần chuyển đổi sang sản phẩm cao cấp hơn.

Thế nhưng, Steve Jobs hiểu rằng nếu Apple đủ tốt, đủ lớn thì hãng có thể trấn áp mọi kế hoạch gây bất ngờ của đối thủ. Apple đã làm được điều này bằng sự hoàn hảo của sản phẩm. Công ty ra mắt sản phẩm chất lượng, mới ngay từ ngày đầu tiên. Rõ ràng, Elon Musk đã học hỏi chiến thuật này từ Apple và áp dụng cho Tesla.

Bằng cách gây ấn tượng tốt ngay từ đầu, Tesla và Apple đã tạo ra một bản lý lịch không tỳ vết, đưa sản phẩm của họ lên một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt so với các đối thủ. Với việc khơi gợi sự phấn khích và tin tưởng của người tiêu dùng, cả hai công ty có thể bắt đầu với sản phẩm cao cấp và chiếm lĩnh thị trường từ đó.

Sự ra mắt của iPhone đã làm đảo lộn mọi quan điểm truyền thống và đánh bật các sản phẩm rẻ tiền của đối thủ. Điều này chứng minh chiến thuật của Steve Jobs là hoàn toàn đúng đắn khi Apple đã chinh phục thị phần toàn cầu. Và giờ đây, với iPhone SE, Apple đang giảm giá sản phẩm cao cấp xuống mức mà người nghèo ở các nước đang phát triển, những người rất thèm muốn iPhone, cũng có thể mua.

Elon Musk đã mượn chiến thuật “bắt đầu với sản phẩm cao cấp để thúc đẩy tăng trưởng của sản phẩm giá rẻ sau này”. Giống như iPhone ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, một biểu tượng của sự hoàn hảo, Tesla đem lại cảm giác khác biệt và đột phá của Thung lũng Silicon. Chính vì ngưỡng mộ quyết tâm “làm ô tô điện bằng mọi giá” của Elon Musk mà 276.000 người đã ngày đêm xếp hàng để dặt mua Model 3. Nhiều người trong số này còn chưa từng nhìn thấy chiếc xe bao giờ. Họ nghĩ rằng xe của Tesla thì dĩ nhiên là đẳng cấp rồi.

Liệu các đối thủ khác có thể mượn chiến thuật này để chinh phục thị trường không? Có thể, nhưng muốn làm được điều đó họ phải có một sản phẩm thực sự vượt trội, một điều cực kỳ khó thực hiện. Nhưng nếu thành công họ sẽ dẫn dầu thị trường với sản phẩm cao cấp của mình. Khi khởi đầu với một sản phẩm chất lượng, công ty có thể tạo dựng được lòng trung thành của khách hàng. Điều này sẽ giúp khách hàng dễ tính hơn với các yếu kém của nhà sản xuất trong tương lai.

Đó là lỳ do tại sao nhu cầu mua sản phẩm của Apple vẫn cao ngất ngưởng bất chấp sự sụt giảm trong chất lượng phần mềm. Đó cũng là lý do tại sao Tesla sẽ nhận được sự cảm thông tương tự nếu Model 3 được giao hàng muộn và có giá cao hơn mức cam kết.

Cùng chuyên mục
XEM