Bước ngoặt lịch sử của Elon Musk: SpaceX hạ cánh thành công tên lửa Falcon 9 trên biển
Sau bốn lần thất bại, SpaceX cuối cùng đã hạ cánh thành công tên lửa Falcon 9 lên một chiếc xà lan không người lái trên biển.
Đây là lần đầu tiên SpaceX hạ cánh thành công tên lửa trên biển sau bốn lần thử nghiệm thất bại. Thành công hôm nay là một cột mốc rất quan trọng với SpaceX bởi cuối cùng hãng này có thể hạ cánh thành công tên lửa trên cả đất liền và trên biển.
Trước đó, hồi tháng 12/2015, SpaceX đã hạ cánh thành công Falcon 9 xuống một điểm hạ cánh trên mặt đất đặt tại một căn cứ ở Cape Canaveral, Florida, Mỹ sau khi tên lửa này đưa một vệ tinh vào không gian. Với bước tiến này, SpaceX đang ngày càng tiến gần hơn tới viễn cảnh có thể tái sử dụng tên lửa nhằm tiết kiệm chi phí cho các chuyến du hành vũ trụ.
Hạ cánh thành công trên biển rất quan trọng bởi SpaceX sẽ ưu tiên thực hiện kiểu hạ cánh này trong tương lai do sự linh động của nó, ngoài ra, hạ cánh kiểu này không tốn nhiên liệu bằng hạ cánh trên đất liền. Mới đây, tại một cuộc họp báo của NASA, Hans Koeingsmann, phó chủ tịch phụ trách sứ mệnh của SpaceX, chia sẻ rằng 2 đến 3 chuyến bay tiếp theo sẽ có liên quan tới việc hạ cánh trên xà lan không người lái giữa đại dương. SpaceX dự kiến hạ cánh 1/3 tên lửa trên đất liền và số còn lại hạ cánh trên biển.
Tại sao SpaceX tìm mọi cách để hạ cánh thành công trên biển?
Hạ cánh một tên lửa xuống một xà lan nổi trên biển khó hơn rất nhiều so với việc hạ cánh xuống mặt đất bằng. Bản thân mặt nước biển luôn chuyển động, có nghĩa là bạn sẽ phải cho một tên lửa đang không ổn định đáp xuống một bệ đỡ cũng không hoàn toàn ổn định. Khi hạ cánh, sẽ có rất nhiều việc diễn ra không như dự kiến, và bạn sẽ phải cố để hạn chế các biến số, vốn đang liên tục thay đổi.
Đầu tiên, chỉ đơn giản vì lý do an toàn, khi tên lửa có thể cách xa các khu vực đông dân cư. Hai lần hạ cánh xuống các xà lan không người lái trước đây của SpaceX, dù đã gần thành công nhưng đều kết thúc bằng các vụ nổ.
Các vụ nổ này khiến mọi người lo lắng. NASA, cơ quan chi trả cho chuyến bay đặc biệt này của SpaceX, hiển nhiên không sẵn sàng gánh chịu các rủi ro này cùng với công ty. Vì vậy, cho dù SpaceX muốn tiếp tục hạ cánh tên lửa của mình xuống mặt đất, NASA có thể sẽ không cho phép việc đó.
Trong khi đó, chuyến bay vào ngày 21 tháng Mười Hai tại căn cứ không quân Cape Canaveral được đặt hàng bởi công ty tư nhân Orbcomm. Rất có thể họ có các chính sách khác nhau về vị trí của việc phóng tên lửa.
Nếu lần này SpaceX có thể đáp xuống thành công, việc này thậm chí sẽ còn ấn tượng hơn lần thứ đầu. Khả năng đưa tên lửa đáp một cách hoàn hảo xuống một xà lan không người lái sẽ mang lại cho họ sự linh hoạt lớn hơn trong những lần phóng trong tương lai. Vì tùy thuộc vào địa điểm phóng và người đặt hàng các chuyến bay, không phải lúc nào cũng có thể hạ cánh các tên lửa xuống mặt đất. Trong khi đó, một chiếc xà lan tự động, không người lái có thể di chuyển, thay đổi vị trí và về lý thuyết có thể là địa điểm hạ cánh an toàn và hiệu quả nhất.
Hơn nữa, hạ cánh trên biển giúp SpaceX tối ưu được lượng nhiên liệu cần nạp cho tên lửa. Để trở về trái đất và hạ cánh thành công, Falcon 9 sử dụng số nhiên liệu còn lại sau lần cất cánh để kích hoạt động cơ, điều chỉnh tốc độ cũng như tái định hướng tên lửa vào đúng vị trí để xâm nhập bầu khí quyển và sau đó là hạ cánh.
Lượng nhiên liệu cần cho hai kiểu hạ cánh này rất khác nhau và có liên quan tới cách phóng Falcon 9. Tên lửa không đi vào không gian theo đường thẳng đứng mà theo một một đường vòng cung và rời bệ phóng. Do vậy, tên lửa phải đi một quãng đường rất dài để có thể trở về bãi hạ cánh. Nó phải giảm dần tốc độ khi hướng tới bãi hạ cánh, quay ngược lại và sau đó xoay thẳng đứng để hạ cánh. Quá trình này tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu.
Hạ cánh trên biển đơn giản hơn. Xà lan không người lái của SpaceX có thể tự xác định điểm hạ cánh lý tưởng để đón tên lửa trở về mặt đất. Điều này làm giảm quãng đường tên lửa cần di chuyển cũng như giảm lượng nhiên liệu mà động cơ Falcon 9 cần dùng cho việc hạ cánh.
Tựu chung lại, mọi nỗ lực của SpaceX đều nhắm tới mục đích tiết kiệm chi phí cho các chuyến du hành vũ trụ. Hiện tại, hầu hết tên lửa bị phá hủy hoặc mất tích sau khi được phóng vào không gian, các cơ quan hàng không vũ trụ luôn phải chế tạo tên lửa mới cho mỗi nhiệm vụ.
SpaceX hy vọng tái sử dụng được càng nhiều tên lửa càng tốt nhằm giảm chi phí chế tạo tên lửa mới. Chế tạo Falcon 9 cần 60 triệu USD và 200.000 USD chi phí cho nhiên liệu nên theo Chủ tịch SpaceX, Gwynne Shotwell, tái sử dụng tên lửa sẽ giúp giảm khoảng 30% chi phí phóng tên lửa.