Đây là 2 thủ phạm làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày
Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới (WCRF) chỉ ra rằng những người uống từ 3 cốc bia hay rượu trở lên và ăn khoảng 50g thịt xông khói mỗi ngày có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới cho biết những người uống hơn 45g rượu hay bia mỗi ngày thì có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
Ăn khoảng 50g thịt xông khói mỗi ngày cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày, tăng cân hoặc béo phì. Nhưng ăn trái cây họ cam quýt có thể làm giảm nguy cơ này, các chuyên gia cho biết.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm có 5000 người chết trong số khoảng 7.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày ở Anh. Hầu hết các bệnh nhân đều ở giai đoạn cuối của ung thư rồi mới phát hiện ra bệnh.
Theo nghiên cứu ung thư ở Anh, các bác sĩ thường nghĩ rằng bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sau vẫn có thể sống được khoảng 2 năm.
Cũng theo các con số thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với nữ giới và bệnh xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học WCRF có nói "bằng chứng mạnh mẽ" ở đây cho thấy rằng uống ba cốc bia hay rượu mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày cũng như tăng cân hoặc béo phì.
Họ cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ các loại thực phẩm được bảo quản bằng cách ướp muối cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư, chẳng hạn như rau cải muối chua hoặc các loại cá khô có phổ biến ở châu Á và bằng chứng mạnh mẽ nhất ở đây gây ra ung thư chính là " việc sử dụng nhiều các loại thịt đã được chế biến sẵn”.
Báo cáo cho biết: "Loại thịt qua chế biến đã được bảo quản bằng cách phơi hay muối hoặc bổ sung các chất bảo quản. Ví dụ như giăm bông, thịt xông khói, bò hun khói và xúc xích”.
Các nhà khoa học cũng cho rằng có một số bằng chứng cho thấy ăn nhiều đồ nướng sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đáng chú ý là nếu như trong khi ăn một bữa tiệc nướng mà bạn không có thêm một vài loại trái cây thì điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Tiến sĩ Rachel Thompson, người đứng đầu nghiên cứu của WCRF, cho biết: "Bằng chứng mới này mang lại cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về ung thư.
Bây giờ chúng ta đã có thể khẳng định rằng việc uống rượu, ăn các loại thịt đã qua chế biến có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày. Những phát hiện này hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những gì họ đang làm có khả năng gây tăng nguy cơ ung thư hay không để họ có thể đưa ra quyết định về sự lựa chọn lối sống của họ".
Tại Anh, cứ 67 người là nam giới thì sẽ có một người có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao và ở phụ nữ là 1/135. Các chuyên gia của WCRF tin rằng hơn 1.200 trường hợp ung thư dạ dày ở Anh có thể được ngăn ngừa mỗi năm nếu việc tiêu thụ thịt đã qua chế biến và số lượng bia rượu họ uống được giới hạn.
Giáo sư Michael Leitzmann, tới từ Đại học Regensburg ở Đức, là một trong những chuyên gia hàng đầu của báo cáo cho biết: "Những phát hiện của báo cáo này là bằng chứng mới nhất vừa được công bố từ quỹ nghiên cứu ung thư thế giới. Báo cáo có các bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày sẽ tỷ lệ thuận với mức độ tiêu thụ rượu bia, các loại thịt đã qua chế biến hàng ngày. Các bằng chứng từ báo cáo này sẽ giúp công chúng và cộng đồng y tế hiểu rõ hơn về những gì có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày. Đó cũng là một đóng góp vô giá cho thấy rằng thực tế luôn có cách để phòng chống bệnh ung thư".