Đẩy giá smartphone lên tới cả nghìn USD một chiếc, Apple và các hãng Android đang làm thế nào để bán được chúng?

20/06/2020 08:39 AM | Công nghệ

Dù cùng bán những chiếc smartphone giá nghìn USD, nhưng Apple và thế giới Android đang chọn cách làm trái ngược nhau.

Làm thế nào để thuyết phục người dùng bỏ ra số tiền cả nghìn USD cho việc nâng cấp một chiếc smartphone flagship? Câu hỏi này càng hóc búa hơn khi thị trường smartphone đang ngày càng đi đến điểm bão hòa, và chênh lệch giữa một chiếc điện thoại tầm trung và một chiếc flagship đang ngày càng thu hẹp lại.

Cùng để trả lời câu hỏi đó, nhưng Apple và thế giới Android lại chọn các cách tiếp cận rất khác nhau.

Đẩy giá smartphone lên tới cả nghìn USD một chiếc, Apple và các hãng Android đang làm thế nào để bán được chúng? - Ảnh 1.

Apple: Tập trung cho thiết bị đeo

Đối với Apple, họ gần như không có nhiều nâng cấp cho dòng iPhone của mình. Trong các thế hệ iPhone gần đây, nâng cấp đáng kể nhất chính là dòng iPhone 11 Pro với 3 camera sau. Thay vào đó, họ lại dành nhiều sức lực cho việc tập trung nâng cấp các thiết bị đeo như AirPods và Apple Watch.

AirPods được bổ sung phiên bản mới, giá rẻ hơn. Ra mắt phiên bản AirPods Pro với khả năng chống ồn. Apple Watch được bổ sung thêm nhiều tính năng chăm sóc sức khỏe hơn, màn hình được bổ sung phiên bản lớn hơn, đẹp hơn. Không những thế, những chiếc Apple Watch thường được xuất hiện trong cùng sự kiện iPhone mới với những câu chuyện về lợi ích sức khỏe khi đeo chiếc đồng hồ thông minh này.

Các nâng cấp này không chỉ giúp gia tăng doanh số thiết bị đeo mà hơn hết còn để giữ chặt chân người dùng ở lại trong hệ sinh thái Apple, nhờ vào sự gắn kết chặt chẽ giữa các thiết bị này với nhau.

Quan trọng hơn cả, các nâng cấp này còn để hấp dẫn người dùng mới – những người chưa từng dùng iPhone – và một khi đã sở hữu những thiết bị đeo này, người dùng sẽ khao khát sở hữu cho mình một chiếc iPhone mới để tận dụng hết lợi thế phần cứng trong hệ sinh thái Apple.

Chính nhờ sự gắn kết giữa người dùng với hệ sinh thái bao gồm cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ của Apple, quả Táo chẳng vội vàng gì nâng cấp lớn tính năng cho iPhone. Dù chỉ cần bổ sung một camera sau cho iPhone 11 Pro – một tính năng quá quen thuộc trong thế giới Android – Apple vẫn tạo nên cơn sốt nâng cấp đối với người dùng iPhone.

Thậm chí Apple còn chẳng cần bổ sung thêm tính năng mới, mà chỉ cần hạ giá chúng xuống là tạo nên các cơn sốt nâng cấp máy của người dùng. Đây chính là trường hợp đã xảy ra đối với iPhone XR, iPhone 11 và mới đây là iPhone SE, khi những thiết bị này thậm chí vẫn còn dùng màn hình LCD và chỉ có một camera.

Flagship Android – khai thác các tính năng độc đáo trên smartphone

Không cạnh tranh được với Apple trên thị trường thiết bị đeo, cũng không tạo được hệ sinh thái riêng của mình các nhà sản xuất Android đang chọn một cách tiếp cận khác đa dạng hơn. Thay vì chỉ mang đến cho người dùng các flagship với những nâng cấp về cấu hình, họ còn liên tục bổ sung các tính năng độc đáo, để hấp dẫn người dùng khi nâng cấp thiết bị mới.

Đẩy giá smartphone lên tới cả nghìn USD một chiếc, Apple và các hãng Android đang làm thế nào để bán được chúng? - Ảnh 2.

Cảm biến ToF trên Galaxy Note 10 Plus.

Samsung có cảm biến camera 3D ToF trên Galaxy Note 10 Plus để tăng cường khả năng dựng hình 3D cũng như chụp xóa phông, zoom lai 100x trên Galaxy S20 Ultra. Không chịu kém cạnh, OnePlus 8 và 8 Pro còn mang đến khả năng chụp được cả hồng ngoại, nhằm tạo ra các bức ảnh với hiệu ứng đặc biệt. Còn với Google Pixel 4, vốn đã quá nổi tiếng vì chất lượng camera, lại trang bị tính năng điều khiển bằng cử chỉ chuyển động Motion Sense để tạo điểm nhấn.

Cũng tạo điểm nhấn ở camera nhưng Huawei Mate 30 còn trang bị khả năng quay siêu chậm 7680fps, giúp ghi lại những khoảnh khắc thú vị như bật một tia lửa hay nhỏ một giọt nước. Xiaomi dù chẳng có được nâng cấp lớn về tính năng nhưng lại giới thiệu chiếc Mi Mix Alpha – thiết bị với màn hình cảm ứng bao quanh. Dù chưa bán ra, thiết bị này thực sự tạo nên tiếng vang trên toàn cầu.

Đẩy giá smartphone lên tới cả nghìn USD một chiếc, Apple và các hãng Android đang làm thế nào để bán được chúng? - Ảnh 3.

Motorola Razr màn hình gập và Samsung Galaxy Z Flip

Trên hết các hãng như Samsung còn có một vũ khí khác, đó là công nghệ màn hình gập. Dù Huawei và nhiều đối thủ khác cũng đã giới thiệu các thiết bị màn hình gập khác nhau, Samsung cho thấy họ mới là người kiên trì nhất đối với công nghệ này. Không chỉ ra mắt ra mắt đến 2 thiết bị với thiết kế khác nhau, Samsung còn tăng cường công nghệ kính cường lực để những thiết bị mỏng manh này trở nên bền bỉ hơn, sang trọng hơn.

Cho dù vậy, cách tiếp cận dựa trên khai thác tính năng độc đáo của thế giới Android dường như chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Đẩy giá smartphone lên tới cả nghìn USD một chiếc, Apple và các hãng Android đang làm thế nào để bán được chúng? - Ảnh 4.

Báo cáo về thị trường smartphone Quý 4 năm 2019 vừa qua cho thấy, 5 smartphone bán chạy nhất trong quý đều là các iPhone của Apple, góp mặt trong số đó còn có cả iPhone 11 Pro và 11 Pro Max – những thiết bị cao cấp. Trong khi đó, thế giới Android chỉ góp mặt trong bảng xếp hạng này bằng các thiết bị giá rẻ hoặc tầm trung, thay vì các thiết bị cao cấp.

Có lẽ đã đến lúc các hãng Android nên học tập Apple trong việc tạo nên một hệ sinh thái thiết bị gắn bó chặt chẽ với nhau nếu muốn thúc đẩy hơn nữa doanh số của các flagship.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM