Dạy đầu tư chứng khoán kiếm tiền khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 95 bỏ hẳn 1 tỷ đồng lập startup ‘Uber gia sư’, lên Shark Tank gọi vốn 4 tỷ

02/08/2021 09:05 AM | Kinh doanh

Nguyễn Hà Minh Thông sinh năm 1995 tại Bình Định, lên 7 tuổi thì theo chân cha mẹ vào TPHCM lập nghiệp. Anh cùng cộng sự là một lập trình viên lập startup ‘Uber cho gia sư’, phiên bản có nâng cấp của các trung tâm gia sư từng nở rộ. Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, anh tiết lộ nghề tay trái kiếm sống của mình là dạy đầu tư chứng khoán.

‘Uber cho gia sư’ lên Shark Tank gọi vốn 4 tỷ

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 4 tập 14, Nguyễn Hà Minh Thông - Founder kiêm CEO Edubox muốn kêu gọi 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần của công ty.

Edubox là một ứng dụng công nghệ mang đến giải pháp gia sư cho các học sinh. Edubox hoạt động theo mô hình "bắt mạch" hổng kiến thức qua hỏi đáp, sau đó mới đưa ra gợi ý nên học thêm bao nhiêu buổi để lấy lại kiến thức đã hổng. Ứng dụng sẽ hiển thị tên giáo viên và chi phí để học sinh có thể lựa chọn. Phương tiện thanh toán là ví điện tử Ngân lượng của Shark Bình.

Edubox ra mắt vào tháng 7/2019, tiền thân là một ứng dụng đặt giáo viên về nhà dạy offline, với kế hoạch đạt 50.000 users mới chuyển sang mô hình online. Thế nhưng, Covid xảy ra, mảng offline điêu đứng, không ai muốn người lạ tới nhà dạy.

"Tụi em phải nghĩ ra một cách nào đó để cứu mình. Việc dạy online thông qua Zoom quá phổ biến, tại sao mình không làm phần đặt câu hỏi, rồi tìm được lỗ hổng, rồi chỉ cần học 3 buổi, thuê giáo viên dạy 3 buổi là có thể lấy lại được kiến thức này. Thế là tụi em chuyển đổi mô hình", Thông nói.

"Trước em hơi ngây thơ, em cữ nghĩ đặt giáo viên offline là sẽ đứng ở giữa thu commission (hoa hồng). Sau nhận ra việc đứng giữa ăn comission như vậy không bền vững, nếu mai mốt bỏ tiền ra marketing thì chỉ thu tiền từ khách hàng mới và chỉ thu được 1 lần, rồi em quyết định chuyển sang thu phí từ phụ huynh và trả ngược lại cho gia sư. Lúc đó dòng tiền sẽ đều hơn".

Hiện GMV (Tổng giá trị giao dịch) của doanh nghiệp rơi vào khoảng 4.000 USD và thu phí 30%/1 giao dịch. Founding Team đã bỏ ra 1 tỷ đồng cho startup, đã có nhà đầu tư thiên thần đầu tư

- "Bạn có làm gì khác để kiếm sống?", Shark Hưng hỏi.

- "Em đi dạy đầu tư chứng khoán"

- "Dạy đầu tư chứng khoán kiếm tiền khởi nghiệp?"

- "Em background là tài chính", Thông nói.

Shark học Sư phạm chê không đầu tư, Shark Linh và Shark Bình giành giật startup

Dạy đầu tư chứng khoán kiếm tiền khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 95 bỏ hẳn 1 tỷ lập startup ‘Uber gia sư’, lên Shark Tank gọi vốn 4 tỷ - Ảnh 1.

Shark Liên nhìn nhận với mô hình này, điều quan trọng nhất là chất lượng của giáo viên. "Uber vận chuyển khác với Uber trong giáo dục…Tôi được đào tạo sư phạm nên chất lượng giáo viên rất quan trọng", Shark Liên nói và từ chối đầu tư.

Shark Linh thì cho rằng Gia sư khác với Giáo sư, nên uy tín không cần thể hiện qua bằng cấp. Startup có thể dùng cộng đồng sinh viên và học sinh để đánh giá gia sư. Quan trọng nhất với Edubox bây giờ là tìm khách hàng. Đang ở trong giai đoạn còn trẻ nên Shark Linh cho rằng, startup nên tập trung phát triển công nghệ và cần tìm một người giúp mình thu hút được khách hàng. "Chị nghĩ chị có thể là người đó để giúp em vì chị rất quan tâm đến giáo dục", Shark Linh chia sẻ, đồng thời đưa ra đề nghị 4 tỷ cho 40% cổ phần.

Cho rằng startup còn "non và xanh", chưa thấy long mạch, không có gió đông, Shark Bình đề nghị sẽ đầu tư cho startup theo mô hình "Venture Build", và đưa ra offer 4 tỷ đồng đổi lấy 70% cổ phần.

"Chúng ta chỉ cần một phần nhỏ trong một miếng bánh lớn, chứ không cần một miếng bánh lớn của một startup bé tí chưa biết sống chết như thế nào hiện nay", Shark Bình nói.

Shark Linh cho rằng nếu chỉ giữ 30% cổ phần thì startup sẽ không có đủ động lực để phát triển. Chị cũng tiết lộ mình đang là đại diện của một quỹ đầu tư trị giá 430 tỷ USD bên Singapore nên có thể hỗ trợ nhiều cho startup, kể cả về công nghệ. "Em đã xây dựng nền tảng rồi và bây giờ phát triển mạnh, chúng ta có thể gọi thêm vốn cho em tăng trưởng ra khỏi Việt Nam và có thể đi được toàn cầu", Shark Linh nói.

Lúc này, Minh Thông chia sẻ, nền tảng của mình cần nhiều vốn để có thể tăng trưởng được. Vì vậy, anh mong muốn các Shark cùng anh gọi vốn các vòng sau. Nhìn nhận con số 70% quá cao, Thông mong Shark Bình có thể offer tỷ lệ cổ phần thấp hơn nhưng Shark Bình không đồng ý.

Khi Shark Linh gật đầu có thể thưởng lại 5% nếu startup đạt KPI đề ra trong vòng 1-2 năm tới, Shark Bình cũng lập tức tuyên bố sẽ tặng lại 20% nếu Edubox đạt được điểm hòa vốn trong 1 năm.

Sau khi suy nghĩ, Minh Thông đồng ý với đề nghị đầu tư từ Shark Linh. "Shark Bình có một hệ sinh thái cực kỳ tốt và có thể bổ trợ cho dự án của tôi, nhưng mà nếu như chấp nhận cổ phần nó như vậy thì mình không còn quyền tự quyết trong cuộc đua nữa. Shark Linh rất giỏi về marketing và làm thương hiệu, chưa kể công nghệ là một mảng mà Shark Linh thường xuyên đầu tư. Shark Linh hoàn toàn có thể giúp dự án của mình bay xa hơn", Thông tâm sự sau gọi vốn.

Dạy đầu tư chứng khoán kiếm tiền khởi nghiệp, chàng trai sinh năm 95 bỏ hẳn 1 tỷ lập startup ‘Uber gia sư’, lên Shark Tank gọi vốn 4 tỷ - Ảnh 3.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM