Đầu tư tài chính cá nhân: Hãy cân nhắc cẩn thận kênh đầu tư chứng khoán quốc tế, bởi tất cả đều đang hoạt động ‘chui’

19/10/2020 13:31 PM | Kinh doanh

Hiện tại, Nhà nước vẫn chưa cấp phép để các sàn giao dịch quốc tế hoạt động tại Việt Nam, nên nếu ai đó chào mời bạn đầu tư vào cổ phiếu Coca Cola hay Apple đó là bất hợp pháp.

Trong vài năm gần đây, người Việt Nam – nhất là giới trẻ rất cởi mở với chuyện đầu tư tài chính cá nhân. Họ rất háo hức với những kênh đầu tư ngắn hạn mang lại tỷ suất lợi nhuận khủng. Tất nhiên, lợi nhuận lớn sẽ luôn đi kèm với rủi ro cao. Nhưng, cho dù hàng ngày họ nghe và thấy thông tin về rất nhiều ‘chiến sỹ’ ngã xuống, song ai cũng nghĩ ‘là bởi người đó không giỏi bằng mình’ nên mới thế.

Lợi dụng tâm lý muốn ‘liều ăn nhiều’ của không ít nhà đầu tư, thị trường Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều hình thức đầu tư được quảng cáo là "một vốn bốn lời". Tuy nhiên, theo ông Võ Sáng Xuân Vinh – Founder và CEO Sóng Xanh, thì chúng ta cần tỉnh táo khi nghe những lời đường mật nói trên, bởi trên đời chẳng có kênh đầu tư hợp pháp nào lại ‘tuyệt vời’ như thế.

Ông Võ Sáng Xuân Vinh có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, từng là Giám đốc Đầu tư của Quỹ Aureos Capital Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam nhận Chứng chỉ phân tích tài chính CFA của Viện phân tích tài chính CFA (Mỹ).

"Hằng ngày, tôi nhận được rất nhiều lời mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế và bất động sản từ nhiều nguồn khác nhau. Sau khi tiếp xúc với họ, tôi hiểu vì sao nhiều nhà đầu tư tin và đi theo họ. Bởi, họ đánh đúng tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam – có xu thế hay nhu cầu tạo ra lợi ích lớn nhất từ đồng vốn nhỏ nhất", ông Võ Sáng Xuân Vinh cho biết.

Về đầu tư kênh chứng khoán quốc tế: để tạo niềm tin, họ gửi cho ông Vinh rất nhiều thông điệp, rồi chụp màn hình Zalo để chứng minh cho ông Vinh thấy, một ai đó đã đầu tư vào cổ phiếu của Coca Cola và cổ phiếu đó đã tạo ra lợi nhuận vài 100% cho nhà đầu tư nọ. Tiếp theo, họ lại gửi ảnh một tài khoản quốc tế đã chuyển tiền lời vào tài khoản Vietcombank cho nhà đầu tư đó.

Lý thuyết đầu tư luôn là: lợi nhuận cao, rủi ro cao; song họ chỉ đề cập đến lợi nhuận mà không hề nói một chút nào đến rủi ro!

Hơn nữa, pháp luật Việt Nam quy định, các kênh đầu tư dù có khả năng tạo ra lợi nhuận cao đến đâu, cũng không được cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư. Hiện tại, ở Việt Nam không có bất cứ kênh đầu tư chứng khoán quốc tế hoặc kênh đầu tư nước ngoài nào hợp pháp. Tức là, nếu tổ chức hoặc công ty nào đó đến chào mời bạn mua cổ phiếu Coca Cola hay Apple, thì họ đang tiến hành kinh doanh bất hợp pháp.

Về kênh đầu tư bất động sản: họ gửi cho ông Vinh rất nhiều dự án "trên trời dưới biển", thậm chí có cả ở Phú Quốc. Với kênh đầu tư này, chúng ta cần phải căn cứ vào mục tiêu và nhu cầu của mình để quyết định có nên tiếp nhận hay không. Nếu bạn có nhu cầu đầu tư dài hạn và không cần thanh khoản cao, bạn có thể thử.

Ví dụ: nếu con chúng ta còn nhỏ và chúng ta có ý định đưa con đi du học sau cấp 3. Chúng ta có thể mua một miếng đất to ở xa và đợi 10 năm sau mới bán để thực hiện mục tiêu đó. Nói chung, bất động sản là kênh đầu tư không có khả năng thanh khoản tốt và chuyển đổi sang tiền mặt khó.

Đầu tư tài chính cá nhân: Hãy cân nhắc cẩn thận kênh đầu tư chứng khoán quốc tế, bởi tất cả đều đang hoạt động ‘chui’ - Ảnh 1.

Ông Võ Sáng Xuân Vinh – Founder và CEO Sóng Xanh

Cũng theo ông Vinh, trong tất cả, chứng khoán Việt Nam là một kênh đầu tư tốt. Khi đầu tư vào kênh này, chúng ta có thể thực hiện bằng 2 hình thức: tự chơi hoặc bỏ vào quỹ uỷ thác hay quỹ mở. Đầu tư qua quỹ mở đồng nghĩa với chuyện chúng ta sẽ bỏ tiền vào quỹ và quỹ sẽ có các chuyên gia đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đầu tư cho chúng ta. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng hơn 30 quỹ mở.

"Ai cũng có ước mơ là sẽ mua ở đáy và bán ở đỉnh, nhưng rất ít người làm được điều đó. Bởi, nếu dễ dàng làm được điều đó thì ai cũng giàu rồi! Theo quan điểm của tôi, để có thể đoán định chính xác đỉnh hay đáy cần rất nhiều chuyên môn cũng như may mắn.

Thế nên, thay vì lo lắng đến ‘đáy hay đỉnh’, chúng ta hãy chuyên tâm chọn thời điểm tốt và cơ hội tốt để mua vào hoặc bán ra – nếu thời điểm đó là đáy/đỉnh thì tốt hơn nữa. Muốn có tỷ suất lợi nhuận cao, chúng ta nên mua lúc thị trường xuống hoặc lúc đó có thể không phải đáy của thị trường nhưng là đáy của doanh nghiệp đó", CEO Sóng Xanh khuyến nghị.

Đồng quan điểm, MC Trần Quốc Khánh – Founder và CEO Kat Media cũng chia sẻ: hiện tại, các sàn giao dịch quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam không được Nhà nước bảo hộ. Họ đang hoạt động trong ‘vùng xám’. Thế nên, nếu các nhà đầu tư nếu tham giao vào đó, sẽ phải chịu rủi ro rất cao.

"Tôi biết đang có rất nhiều sàn giao dịch quốc tế chuẩn bị vào Việt Nam, họ vẫn đang chờ xin giấy phép. Chứng khoán Mỹ có những sản phẩm tốt hơn Việt Nam, nên các nhà đầu tư Việt Nam đang có nhu cầu lớn được đầu tư vào đây. Nhận thấy xu hướng này, các sàn giao dịch quốc tế rất mong chờ được Nhà nước chúng ta cấp phép", MC Trần Quốc Khánh tiết lộ.

Về nguyên tắc, các sàn không được quyền cam kết lợi nhuận với các nhà đầu tư; do đó, sau này, các nhà đầu tư cần cảnh giác khi sàn nào làm thế. Trước khi quyết định đầu tư vào sàn nào, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ tiềm lực cũng như uy tín của các sàn. Trong tương lai, xu thế đầu tư chứng khoán có thể là qua các sàn giao dịch quốc tế và quỹ mở.

"Tuy nhiên, dù chúng ta đầu tư kênh nào cũng phải có tư duy dài hạn, làm việc chăm chỉ - bằng cách trau dồi kiến thức tài chính hằng ngày, bắt đầu càng sớm càng tốt. Đầu tư ngay bây giờ và không bao giờ là quá muộn! Chúng ta nên đọc nhiều hơn các sản phẩm tài chính mới, vì điều đó có thể kích thích chúng ta tiết kiệm tiền tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên, đừng đầu tư theo cảm xúc hoặc phong trào, thấy bạn mình đầu tư cái này cái kia, chúng ta vội đi theo", Founder và CEO Kat Media, nhắn nhủ.

Phần mình, bà Trần Thị Kim Cương – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam cho hay: bà cũng đã trải nghiệm việc xin phép để kênh đầu tư quốc tế vào Việt Nam, nhưng không thành công.

Manulife có 1.000 quỹ mở hoạt động khắp Bắc Mỹ và châu Á, nên doanh nghiệp này muốn mang một vài trong đó về Việt Nam để bán. Manulife đã đi xin Uỷ Ban chứng khoán lẫn Bộ Tài chính cho phép họ ‘nhập khẩu’ quỹ mở, song rất khó khăn và vẫn chưa thành công. Hiện tại, quỹ mở của Manulife đang hoạt động tại Việt Nam là do Manulife Việt Nam tự xây dựng và phát triển.

"Tôi hiểu lý do vì sao Nhà nước chúng ta chưa muốn cấp phép cho các kênh đầu tư nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, vì Nhà nước vẫn muốn tập trung tất cả nguồn lực để đầu tư phát triển trong nước. Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nên Nhà nước muốn phát triển nội địa trước, sau đó mới ‘mang chuông đi đánh xứ người’.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam đừng mang tư tưởng ‘cỏ nhà bên cạnh luôn xanh hơn nhà mình’. Chứng khoán Việt Nam vẫn là một kênh đầu tư tốt và chúng ta cần tận hưởng nó", bà Kim Cương kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM