Đau khổ vì thất nghiệp, người đàn ông giả vờ đi làm mỗi ngày rồi mất tích bí ẩn: 10 năm sau, những góc khuất cay đắng dần được hé lộ
Cảm thấy tội lỗi vì bị mất việc, người đàn ông không dám nói với gia đình mà vẫn giả vờ đi làm như bình thường. Buổi sáng hôm ấy, ông vẫn ra khỏi nhà và biến mất mãi mãi.
Khi gặp những vấn đề bế tắc trong cuộc sống, nhiều người chọn cách biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Ở Nhật Bản, hiện tượng này được gọi là "Jouhatsu".
Từ thập niên 60 của thế kỷ 20, Jouhatsu bắt đầu được biết đến và ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt ở những năm 90, khi nền kinh tế đi xuống, nhiều người làm văn phòng mất việc, nợ nần chồng chất khiến ai cũng muốn trốn khỏi hiện tại.
Từ đó, giống như chủ đề tự tử, Jouhatsu cũng là điều cấm kỵ trong các cuộc trò chuyện của người Nhật.
Những người bốc hơi bí ẩn
Năm 2008, nhà báo người Pháp Léna Mauger lần đầu tiên nghe về những người "bốc hơi" khỏi xã hội Nhật Bản. Họ không chết cũng không bị bắt cóc, chỉ biến mất mà không một lời giải thích. Cô quyết định dành 5 năm sau đó, cùng người cộng sự Stéphane Remael, tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng bí ẩn này.
Thành quả 5 năm điều tra của Mauger và Stéphane là cuốn sách "The Vanished: The "Evaporated People" of Japan in Stories and Photographs" (Những người bốc hơi ở Nhật Bản qua chuyện kể và hình ảnh).
Thành phố Sanya, Mauger viết trong cuốn sách của mình, không tồn tại trên bản đồ. Đây được coi là nơi trú ẩn của những người muốn biến mất khỏi xã hội.
Cuốn sách Những người bốc hơi ở Nhật Bản qua chuyện kể và hình ảnh của nữ nhà báo
Mauger kể cô gặp một người đàn ông 50 tuổi tên Norihiro. Khoảng 10 năm trước, ông Norihiro quyết định bốc hơi sau khi mất việc làm.
Mặc dù thất nghiệp, Norihiro không dám hé nửa lời với gia đình vì quá xấu hổ. Trong vòng một tuần, hàng ngày, ông giả vờ mặc quần áo chỉnh tề và xách cặp đi làm. Sau đó, ông lái xe tới trước cửa tòa nhà văn phòng cũ, ngồi trong xe cho đến hết ngày, không ăn uống, không trò chuyện với ai.
"Tôi không thể chịu nổi nữa, tôi cảm thấy tội lỗi. Tôi không có thu nhập để chu cấp cho gia đình", Norihiro nói.
Vào đúng ngày trả lương kế tiếp, Norihiro bắt tàu đi thẳng vào khu Sanya mà không một lời từ biệt.
"Sau từng ấy năm, giờ tôi có thể quay trở lại là chính mình nhưng tôi không muốn gia đình thấy tôi trong bộ dạng này. Hãy nhìn tôi xem. Tôi chẳng là gì cả", Norihiro nói.
Người đàn ông mất việc nhưng vẫn phải giả vờ đi làm vì xấu hổ
Vì một khoản đầu tư thua lỗ 3,3 triệu USD, sếp của Kazufumi Kuni, một tay môi giới Nhật Bản đã đổ lỗi cho anh vì khoản nợ đầm đìa này. Những khách hàng bắt đầu truy lùng anh.
Một buổi sáng năm 1970, Kuni biến mất. Lúc đầu, anh sống nhờ trên gác mái trong nhà bạn đại học. Nhưng sau đó, anh dần bốc hơi hoàn toàn, tìm được một lối đi trong thế giới của những người như mình.
"Tôi không nghĩ về một cuộc sống mới, tôi chỉ muốn chạy trốn, vậy thôi. Chạy trốn không vinh quang gì, không tiền hay địa vị xã hội. Điều quan trọng nhất là vẫn sống sót", Kuni chia sẻ với Lena Mauger, một nhà báo điều tra về những người biến mất.
Để có thể tồn tại, Kuni phải đánh đổi sự nghiệp của mình và bắt đầu những công việc như công nhân xây dựng, rửa bát. Anh làm những công việc đó hoàn toàn chui lủi. Gia đình anh đã tìm anh trong nhiều năm nhưng cũng đã thất bại. Những tay chủ nợ cũng chấp nhận bỏ qua, ôm hận nhìn đống nợ biến mất cùng người đàn ông kia.
Chỉ đến khi 38 tuổi, sau nhiều năm trốn chạy, Kuni mới thuê một căn nhà bằng tên giả và bắt đầu lại sự nghiệp với một công ty xử lý chất thải. Tuy nhiên, ngoài công việc mình đang làm, anh còn có một công việc tay trái khác: Giúp những người như anh "bốc hơi".
Jouhatsu trở thành dịch vụ không hề rẻ
Kể từ giữa những năm 1990, ước tính có 100.000 người Nhật "biến mất" mỗi năm, theo New York Post.
Theo thống kê của Yonigeya TS Corporation - tập đoàn dịch vụ hỗ trợ người bốc hơi với 22 chi nhánh trên khắp Nhật Bản, có đến 20% khách hàng là nạn nhân của bạo lực gia đình, đa phần họ là những người vợ bị chồng ngược đãi. Ngay cả Chủ tịch của Yonigeya TS Corporation, Miho Saita (49 tuổi) cũng thế. Cô từng bị chồng đánh đập liên miên, không chịu nổi phải bỏ nhà ra đi.
80% Jouhatsu còn lại thì mang đủ các thể loại lý do, trong đó nhiều nhất là trốn nợ cờ bạc. Tiếp đến là trốn kẻ theo dõi, trốn thực tế bất mãn...
"Chúng tôi không phán xét nguyên nhân muốn biến mất của khách hàng, cũng không từ chối ai cả, trừ trường hợp họ đang là tội phạm bị truy nã'', Miho nói.
Trung bình mỗi ngày, bà chủ của Yonigeya TS Corporation nhận được từ 5-10 yêu cầu tư vấn bốc hơi. Mỗi năm, bà phục vụ từ 100-150 Jouhatsu. Giá thành dịch vụ bốc hơi trong đêm dao động từ 50.000-300.000 yên/người (tương đương 11-65 triệu đồng Việt Nam). Khách hàng bốc hơi được đảm bảo bí mật thông tin cá nhân và nơi đến trọn đời.
Những chuyến xe đêm giúp người muốn bốc hơi khỏi cuộc sống được ra đi trong bí ẩn. Ảnh: BBC
Họ không bao giờ thắc mắc lý do muốn biến mất của khách hàng, mà chỉ nhanh chóng tìm nơi đến tiềm năng. Đó phải là địa điểm khách hàng của họ có thể mai danh ẩn tích, sống im hơi lặng tiếng đến chán thì thôi.
Sau khi đạt thỏa thuận về nơi đến, dịch vụ bốc hơi trong đêm tiến hành giúp khách hàng biến mất. Họ dùng xe vận chuyển, lợi dụng lúc đêm tối lặng lẽ đưa khách hàng rời đi, cùng với toàn bộ những gì người này muốn mang theo.
Đặc biệt, Nhật Bản là quốc gia đáp ứng mọi yêu cầu. Luật pháp của họ cũng tôn trọng quyền tự do cá nhân nên không công khai danh tính và địa chỉ của công dân. Họ hàng cũng không có quyền biết các thông tin tài chính của một người. Trừ những vụ án hình sự, cảnh sát điều tra mới có quyền tiếp cận thông tin cá nhân.
"Với gia đình có người bốc hơi, họ chỉ có thể chọn 1 trong 2 giải pháp: Thuê thám tử tư tìm kiếm hoặc chờ đợi", Hiroki Nakamori, nhà xã hội học người Nhật Bản cho biết.
Sau một thời mất tích, các Jouhatsu có thể tự động quay về hoặc không. Bất kể lựa chọn của họ là gì, dịch vụ bốc hơi trong đêm vẫn bảo đảm bí mật thông tin vĩnh viễn.
Nguồn: New York Post; BBC