Dấu hiệu về một trật tự kinh tế thế giới mới đã xuất hiện ở châu Á 20 năm trước?

05/07/2017 09:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Ở thời điểm hiện tại, suy xét câu chuyện qua lăng kính lịch sử, sẽ là hợp lý khi nói rằng câu chuyện của 20 năm trước chính là những dấu hiệu đầu tiên của 1 trật tự mới cho kinh tế thế giới. Và ngày nay chúng ta đang chứng kiến trật tự ấy diễn ra ngay trước mắt.

Khi khủng hoảng tài chính càn quét châu Á trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã đưa ra quyết định mà cho đến nay vẫn là “bức tường lửa” quan trọng giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đứng vững. Trong khi các đồng tiền và TTCK khác ở châu Á sụp đổ, Bắc Kinh lại giữ đồng nhân dân tệ ổn định bằng mọi giá.

Đối với 1 nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng giá rẻ để tạo nên mức tăng trưởng vượt bậc như Trung Quốc, đây được đánh giá là động thái dũng cảm. Và để củng cố thêm thông điệp giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định, các quan chức Trung Quốc còn xuất hiện trên tivi, báo đài với những bài phát biểu nhấn mạnh Chính phủ sẽ không để nhân dân tệ giảm giá.

Động thái này ngay lập tức đã chặn đứng được làn sóng khủng hoảng đang lây lan ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc. Nếu ngược lại Trung Quốc cũng phá giá nhân dân tệ để giữ lợi thế xuất khẩu, có lẽ tất cả các bên đều sẽ thiệt hại nặng vì làn sóng phá giá nội tệ lan ra sâu rộng hơn.

Từng làm việc ở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lúc cuộc khủng hoảng nổ ra và hiện đang là chuyên gia kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, Paul Gruenwald cho rằng động thái của Trung Quốc đã có tác dụng rất lớn trong việc lấy lại sự ổn định cho châu Á trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn cung cấp khoản viện trợ tài chính hơn 4 tỷ USD. Ngược lại, ban đầu Mỹ đã có thái độ lưỡng lự không muốn tham gia vào cuộc giải cứu châu Á. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng có câu nói nổi tiếng miêu tả sự hỗn loạn đang bao trùm châu Á tháng 11/1997 là “một vài trục trặc nhỏ”.

Ở thời điểm hiện tại, suy xét câu chuyện qua lăng kính lịch sử, sẽ là hợp lý khi nói rằng câu chuyện của 20 năm trước chính là những dấu hiệu đầu tiên của 1 trật tự mới cho kinh tế thế giới. Và ngày nay chúng ta đang chứng kiến trật tự ấy diễn ra ngay trước mắt.

Vị thế của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới

Hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (xét theo GDP) và lớn nhất thế giới nếu xét theo hoạt động thương mại, Trung Quốc đang nắm giữ vị trí quan trọng trên bản đồ tài chính thế giới – thứ mà 20 năm trước người Trung Quốc chỉ có thể mơ về.

Tại IMF, tiếng nói của Trung Quốc giờ có trọng lượng lớn hơn rất nhiều với nhiều quyền biểu quyết hơn và những vị trí cao cấp hơn. Đồng nhân dân tệ đã được bổ sung vào giỏ tiền tệ dự trữ của IMF, và cách đây ít ngày TTCK Trung Quốc vừa đạt được cột mốc quan trọng khi được MSCI bổ sung vào chỉ số thị trường mới nổi. Trung Quốc còn lập ra ngân hàng phát triển của riêng mình: AIIB (Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á) hiện có mạng lưới kết nối hơn 30 NHTW. Và, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nổi lên là những nhà lãnh đạo mới của chủ nghĩa toàn cầu hóa.

Mùa hè năm 2015, vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính toàn cầu được khắc sâu hơn nữa khi động thái điều chỉnh công thức xây dựng tỷ giá tham chiếu của NHTW Trung Quốc cũng có thể khiến thị trường quốc tế chao đảo. Cuối năm đó, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen nói rằng Trung Quốc là 1 trong những nguyên nhân chính khiến Fed phải trì hoãn tăng lãi suất.

Ngày nay, theo một vài cách nào đó thì Trung Quốc đang tự nhận ra mình đang ở vị thế giống hệt như năm 1997 – tỷ lệ nợ nước ngoài thấp và những quy định kiểm soát vốn chặt chẽ tạo thành một “lớp cách điện” giúp nó ít bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng từ bên ngoài. Điểm khác biệt là giờ đây “lớp cách điện” ấy phải lớn hơn rất, rất nhiều.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng 20 năm trước (gồm 4 nước Đông Nam Á và Hàn Quốc). Năm 1997, kim ngạch thương mại của Mỹ với 5 nước này lớn hơn gấp 4 lần so với Trung Quốc. Ngày nay kim ngạch của Trung Quốc lớn gấp đôi so với Mỹ.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM