Đặt suất cơm 100 nghìn đồng, người đàn ông “bay ngay” 6 triệu đồng trong tài khoản, nguyên nhân từ sai lầm nhiều người mắc phải
Chỉ vì 1 hành động trong chớp nhoáng, 1 người đàn ông mất ngay 1 khoản tiền trong tài khoản ngân hàng. Hành vi của bên lừa đảo ngày càng tinh vi, khó đoán.
Những câu chuyện lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng có lẽ không còn xa lạ. Không ít người mất oan khoản tiền lớn chỉ vì bất cẩn và không lường trước được thủ đoạn tinh vi của bên lừa đảo. Câu chuyện của anh Cao, 1 người đàn ông đến từ Trung Quốc được chia sẻ trên diễn đàn Toutiao là 1 ví dụ điển hình.
Thủ đoạn lừa đảo khôn ngoan
Cũng giống như bao người khác, anh Cao có thói quen gọi đồ ăn trên mạng về khi không tiện nấu cơm. Ở 1 mình nên anh Cao thường xuyên ăn cơm ngoài chứ không đi chợ, mua đồ nấu. Ngày nay, các ứng dụng gọi đồ ăn cũng ngày càng phát triển, vì thế bản thân anh Cao cũng không lường trước được việc lừa đảo bằng hình thức này.
Như bao ngày, người đàn ông đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc đã đặt cơm sườn heo tiêu đen ở 1 quán ăn và chờ shipper mang cơm đến. Chi phí bữa ăn này là 30 NDT (khoảng 100 nghìn đồng).
Khoảng 10 phút sau khi đặt đồ, anh nhận được cuộc gọi từ 1 người tự xưng là người của quán ăn, nói rằng món sườn lợn tiêu đen mà anh đặt đã hết và phải thay thế. Anh Cao lúc này đồng ý ngay vì thông cảm cho quán, ăn món khác cũng không vấn đề gì. Anh cũng không mảy may nghi ngờ thông tin từ người tự xưng là nhân viên quán ăn này.
Lúc này, đầu dây bên kia thông báo với người đàn ông 30 tuổi rằng khoản tiền chênh lệch là 2 NDT (6 nghìn đồng). Người này ngỏ ý hỏi anh Cao có thể thanh toán trực tuyến luôn không, anh đồng ý ngay vì nghĩ nó là phương thức tiện lợi nhất. Đầu dây bên kia yêu cầu anh Cao cung cấp số trên OTP gửi về điện thoại.
Sau khi báo thì bên kia nói quá trình quét mã khá chậm nhưng anh đừng lo, mã thanh toán sẽ được cập nhật theo từng phút. Người đàn ông này làm theo chỉ dẫn, bỗng thấy đầu dây bên kia có 1 giọng nói phát ra rõ ràng: Bạn đã nhận được khoản thanh toán.
Lúc này, anh Cao bắt đầu chột dạ, ở điện thoại anh cũng đã thông báo giao dịch thành công. Nhìn lại lịch sử giao dịch, người đàn ông tá hỏa vì thấy tài khoản trừ tiền 2 lần.
Người đàn ông lo lắng hỏi lại đầu dây bên kia là có vấn đề gì xảy ra, tại sao anh chỉ thanh toán 2 NDT nhưng lại bị trừ tận 1.976 NDT (6 triệu đồng). Thế nhưng bên đầu dây nói rằng anh yên tâm, hệ thống có vẻ đã bị lỗi và lát nữa sẽ hoàn tiền trở lại thôi.
Tuy nhiên, chờ đợi mãi, anh Cao không thấy tiền thừa được hoàn lại. Thậm chí, anh gọi cho số điện thoại kia cũng không hề có người nhấc máy. Lúc này, anh Cao mới biết rằng mình bị lừa tiền. Thay vì mất 30 NDT (100 nghìn đồng) cho bữa ăn, anh đã mất ngay gần 2.000 NDT (6 triệu đồng).
Khi tới ngân hàng khiếu nại, anh Cao không được giải quyết vì chính anh đã cung cấp mã OTP ở điện thoại mình cho kẻ xấu. Người này cũng phát hiện ra số điện thoại gọi cho anh và số đăng ký ở nền tảng giao hàng là khác nhau. 1 lát sau, phần cơm sườn heo thơm ngon được giao đến cho anh Cao, chỉ là anh đã phải trả 1 cái giá quá đắt cho bữa ăn này.
Sai lầm từ sự mất cảnh giác
Thực chất, anh Cao đã mắc sai lầm là để đối tượng lừa đảo biết được mã OTP khi thanh toán trên điện thoại. Đây là cách lừa đảo phổ biến, giả mạo ngân hàng để lấy mã OTP, sau đó thực hiện giao dịch. Các tin nhắn mà đối tượng lừa đảo gửi tới cũng dễ chứa các phần mềm độc hại, trang web giả mạo.
Để không bị mất tiền oan, chúng ta không được cung cấp mã OTP cho bất kỳ người nào. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên truy cập vào các trang web lạ, thiếu an toàn.
Bên cạnh đó, cách lừa đảo qua quét mã QR ngày càng phổ biến và tinh vi, dễ khiến chúng ta lơ là, chủ quan và “sập bẫy”. Những chiếc mã QR giả mạo sẽ dẫn bạn tới website lừa đảo và từ đó đánh cắp các thông tin cá nhân, thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng.
Việc quét mã QR khi thanh toán vô cùng tiện lợi, vì thế nên rất nhiều người mất cảnh giác. Đó chính là lý do khiến chúng ta sập bẫy lừa đảo và thiệt hại về tài chính.
Để kiểm soát vấn đề này, bạn nên rèn thói quen kiểm tra kỹ mọi thứ trước khi thanh toán. Đối với những mã QR ở nơi công cộng, cần đặt ra câu hỏi và sự hoài nghi. Nếu không tin tưởng bạn hãy xin lại số tài khoản và chuyển tiền thông thường.
Khi dùng mã QR bạn cũng cần phải cảnh giác với các trang web được đưa tới. Những thông tin như yêu cầu đăng nhập, cung cấp tài khoản ngân hàng, nhập mã OTP… cũng có thể là chiêu thức lừa đảo nên bạn cần cảnh giác mọi lúc mọi nơi.
Khi có các giao dịch liên quan tới tiền bạc, bạn cũng cần kiểm tra lại thông tin của người gọi, người đang nhắn tin với mình để xác thực. Đừng để kẻ xấu lợi dụng sự chủ quan và tin tưởng để lừa đảo và rơi vào hoàn cảnh tiền không cánh mà bay.
Theo Toutiao