“Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim”
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đã nói như vậy khi đề cập đến sự bất cập của nền hành chính vẫn nặng về cơ chế xin-cho, chưa đảm bảo tự do kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tại buổi thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 – 2015.
Bà Khánh cho rằng nhiệm kỳ gặp rất nhiều khó khăn, thế giới nhiều bất ổn nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn, an toàn, ổn định chính trị. Tuy nhiên chúng ta chỉ được cái an toàn, vấn đề văn hoá nhất là vấn đề lễ hội phản cảm đã được kiểm soát.
Ở đây thể hiện chủ trương đã có, chúng ta có kiên quyết hay không thôi như lễ hội chém lợn, đâm trâu, chọi trâu và các lễ hội phản cảm khác đã được kiểm soát, không gây phản cảm.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn rất nhiều vấn đề băn khoăn. Con người Việt Nam thì thông minh, nhân dân thì cần cù, môi trường xã hội ổn định… đáng lẽ ra chúng ta phải đạt được kết quả nhanh và bền vững hơn nữa, nhưng thực tế kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
“Tôi thấy vấn đề ở đây là thể chế. Cải cách hành chính chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân. Cứ nói là cải cách hành chính nhưng thực tế nền hành chính vẫn mang tính xin-cho. Nền hành chính nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm khó cho doanh nghiệp”- bà Khánh bày tỏ.
Theo bà Khánh, doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh hiện nay là rất khó. “Rất nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng mọi người cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Nhưng mà đất lành thì chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim. Đây là một sự thật mà chúng tôi nghe thấy và chúng tôi rất xót xa”- bà Khánh nói.
Theo bà Khánh, chính vì những tâm tư này, nhiều đại biểu đã quyết tâm phải xây dựng dự luật hành chính công để giúp cho doanh nghiệp và người dân bớt những khó khăn ấy đi. Đó chính là góp phần xây dựng thể chế.
“Vậy tại sao khi chúng tôi đề xuất, các bộ ngành, nhất là Bộ Nội vụ-là một nơi tập trung các viện về khoa học quản lý hành chính, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học về quản lý giỏi, siêu đẳng đẳng như thế nhưng sao không đưa các lí luận khoa học ấy, cung cấp về luận cứ trong vấn đề lập pháp cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý nhà nước ấy ấy vào để quản lý nhà nước bằng pháp luật cho tốt hơn”-bà Khánh đặt vấn đề.
Bà Khánh mong muốn nhiệm kỳ tới nền hành chính chúng ta phải thay đổi. Hãy vì một nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả. Không thể cứ hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, báo cáo của Chính phủ cứ đánh giá cải cách thể chế, cải cách hành chính còn nhiều vướng mắc. Không có vướng mắc gì nữa bởi chúng ta đã nhìn thấy rõ vấn đề rồi. chúng ta cùng bắt tay vào để làm thôi.
Ngoài ra, bà Khánh cũng băn khoăn, vấn đề trọng dụng nhân dân tài cũng nói nhiều, nhưng tại sao rất nhiều nhà khoa học, rất tâm huyết nhưng đến khi cần sử dụng lại bỏ họ ra ngoài vì xem xét về độ tuổi. như vậy rất lãng phí. “Vậy Chính phủ cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Quốc hội để tận dụng tối đa sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Không nên lãng phí” – bà Khánh đề nghị.
Clip Đại biểu Quốc hội trả lời PV của báo chí.