Dark mode không tốt cho mắt như bạn tưởng đâu, sự thật phức tạp hơn thế nhiều!

23/08/2019 09:55 AM | Công nghệ

Phải khẳng định là dùng dark mode trong phòng tối, lúc đã tắt hết đèn đóm rồi thì thoải mái hơn thật. Nhưng dark mode vẫn nhiều uẩn khúc và lắm yếu tố lằng nhằng lắm.

Sống trong thời đại công nghệ, hẳn bạn quen thuộc với chế độ “Dark mode”, thay đổi màu nền trắng của ứng dụng thành màu đen đỡ chói lóa; những người dùng Internet nhiều thích thú với Dark mode lắm, nó đem lại một trải nghiệm sử dụng smartphone/máy tính dịu mắt, cứ như ta đeo kính râm vào để ra đường lúc trời nắng gắt vậy. Dark mode đã phổ biến trong cộng đồng lập trình viên từ xa xưa, khi mà những con người tận tụy vẫn phải cặm cụi gõ code lúc nửa đêm.

Dark mode dần xuất hiện ở mọi ngõ ngách của Internet. Giờ đến cả hệ điều hành Android và Mojave cũng đã có dark mode, một loạt ứng dụng nhiều người dùng như Reddit, YouTube, Gmail, Messenger cho Facebook, Google Chrome, … đã có dark mode. Đây là danh sách 92 phần mềm và ứng dụng đang hỗ trợ dark mode, chắc chắn nó sẽ còn tăng nữa trong tương lai.

Dark mode ít nhiều đã trở thành … gu thẩm mỹ của một số ứng dụng và dịch vụ online. Có những bên đã sử dụng màu nền chính là dark mode luôn như Spotify hay Discord; giám đốc phát triển sản phẩm của Spotify, Michelle Kadir nói với Fast Company như thế này: “Chúng tôi tin rằng khi âm nhạc hay tranh vẽ đã rực rỡ màu sắc và đậm tính nghệ thuật, và rồi bìa album cũng rất sống động nữa, thì chúng sẽ nổi bật rõ trên nền tối của sản phẩm chúng tôi”.

Nhưng giữa cơn bão dark mode đổ bộ lên mọi thiết bị và mọi ứng dụng, đi kèm theo nó là những tuyên bố mơ hồ: ba yếu tố thường thấy là giúp tăng cường độ tập trung của cá nhân, giảm mỏi mắt và tăng tuổi thọ pin. Trong bài viết này, phóng viên và nhóm nghiên cứu từ Wired sẽ đi tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, lý giải những lợi ích (?) của dark mode.

Tuyên bố thường thấy #1: Dark mode giảm mỏi mắt

Đủ thứ màn hình bắt đầu chiếm hữu lấy phần lớn trường nhìn con người: từ bên sườn những tòa nhà lớn, trên tường những khu thương xá đông đúc, len lỏi tới từng căn phòng công sở và hộ gia đình, rồi gói gọn lại trong tay chúng ta. Tuy nhiên, trong danh sách dài những ảnh hưởng của màn hình lên sức khỏe, việc hại mắt không xếp top đầu. Nghiên cứu về mỏi mắt liên quan tới cường độ sử dụng máy tính, được Tạp chí Y học Anh quốc đăng tải năm 2018, cho thấy 50% số người sử dụng máy tính bị mỏi mắt kỹ thuật số (digital eye strain - DES), thuật ngữ y học là hội chứng thị lực máy tính - computer vision syndrome.

Chúng ta thấy mỏi mắt là do ít chớp mắt ít hơn bình thường khi chăm chú nhìn màn hình, giảm từ trung bình 15 lần/phút xuống còn có 3,6 lần/phút, việc này khiến mắt ta khô hơn bình thường. Theo Tổ chức Thị lực Hoa Kỳ, những triệu chứng liên quan tới DES bao gồm đau đầu và mờ mắt.

Bất cứ cách thức nào giảm thiểu được những triệu chứng liên quan tới DES đều được coi là “thần dược”. Một trong những tuyên bố thường thấy nhất về dark mode là chúng giảm được mỏi mắt, nhưng khẳng định này có dựa trên nghiên cứu nào không?

Theo lời Anna Cox, giáo sư ngành tương tác con người - máy tính tại Đại học London nói rằng: “Tôi chưa từng thấy bằng chứng nào có thấy chữ trắng trên nền đen khiến mắt đỡ mỏi cả”.

Chưa kể còn nhiều yếu tố khác chưa được tính tới, khi xác nhận một con mắt có đỡ mỏi hơn khi dùng dark mode. Ánh sáng môi trường xung quanh đóng một vai trò lớn khi ta sử dụng thiết bị điện tử; trong một căn phòng ít sáng, một màn hình phát ra lượng ánh sáng lớn sẽ khiến mắt người dễ mỏi.

Trong phòng tối, màu tối của dark mode sẽ khiến người dùng nghĩ rằng màn hình đỡ gây khó chịu hơn, khiến người ta sử dụng ứng dụng lâu hơn nữa”, Aneesha Singh, một giáo sư cũng thuộc ngành nghiên cứu tương tác con người - máy tính tại Đại học London nói. Ngược lại, trong một môi trường đủ sáng, màn hình tối sẽ càng khiến mắt phải hoạt động nhiều hơn.

Nếu như bạn thực sự lo lắng tới việc mỏi mắt và khô mắt, hãy tính tới việc mua nước mắt nhân tạo hoặc đầu tư màn hình nhám. Có một cách đơn giản hơn là chỉnh độ sáng màn hình sao cho hợp với ánh sáng môi trường xung quanh. Một số yếu tố khác cần để tâm tới là vị trí của màn hình: hãy chỉnh màn hình sao cho nó cân bằng hoặc thấp hơn tầm mắt, việc bạn liên tục nhìn ngước lên cũng sẽ khiến mắt mỏi hơn bình thường.

Nhưng cách hiệu quả hơn cả, đó là giảm thời gian nhìn màn hình xuống. Có một phương thức rất đơn giản như thế này: 20-20-20, cứ 20 phút lại nhìn vào thứ gì đó cách xa 20 feet (6 mét) trong 20 giây.

Tuyên bố thường thấy #2: Dark mode cho phép đọc chữ dễ hơn

Theo lời giáo sư Cox, nếu tính tới việc đọc dễ hay không, thì mức tương phản giữa chữ và màu nền quan trọng hơn nó có màu gì, trắng hay đen. Nếu độ tương phản vẫn vậy trong cả chế độ thường và dark mode, cô cho rằng sự khác biệt sẽ không lớn đến vậy, thậm chí việc ta đã quen đọc chữ đen trên nền trắng nhiều năm nay sẽ khiến chế độ thường được não bộ ta “sủng ái” hơn.

Dark mode không tốt cho mắt như bạn tưởng đâu, sự thật phức tạp hơn thế nhiều! - Ảnh 1.

Một nghiên cứu được công bố năm 2013 cho thấy những người tham gia thử nghiệm sẽ đọc chính xác hơn, hiệu quả hơn với chữ đen trên nền trắng. Cụ thể, người tham gia thử nghiệm đọc nhanh hơn và nhận ra lỗi chính tả nhiều hơn.

Có thể lý giải rằng khi màu nền sáng, con ngươi co lại và tăng độ chính xác khi đọc chữ. Khi nhìn vào nền đen, hiệu ứng trên sẽ bị đảo ngược, con ngươi giãn ra khiến mắt khó tập trung vào chữ hơn. Chưa rõ điều này có phải là một trong những lý do khiến người dùng sử dụng app lâu hơn khi bật dark mode, bởi chữ sẽ khó đọc hơn và việc đọc mất nhiều công sức hơn.

Tuyên bố thường thấy #3: Dark mode kéo dài tuổi thọ pin

Dù có những bằng chứng thuyết phục cho thấy dark mode giảm gánh nặng năng lượng cho pin, nhưng vẫn phải nói thêm: loại màn hình của thiết bị ảnh hưởng trực tiếp tới tuổi thọ pin. Với màn OLED, dark mode thực sự giúp tiết kiệm pin; bởi lẽ mỗi pixel đều được thắp sáng riêng biệt, nên khi màn hình tối đi, điểm ảnh đó sẽ bị vô hiệu hóa để có được màu đen. Màn OLED sẽ không cần năng lượng để hiển thị màu đen.

Nhưng với những màn LCD cũ do chúng phát sáng nhờ hệ thống đèn nền, vậy nên khi cần màu đen, điểm ảnh vẫn cần năng lượng để hiển thị.

Dark mode không tốt cho mắt như bạn tưởng đâu, sự thật phức tạp hơn thế nhiều! - Ảnh 2.

Trước đây, đa số smartphone sử dụng màn LCD. Chiếc iPhone X là thiết bị họ nhà Táo đầu tiên sử dụng màn OLED, có thể kể thêm các smartphone khác dùng màn OLED như Galaxy S10 của Samsung và Mate P30 của Huawei. Với những thiết bị màn OLED này, dark mode có thể tiết kiệm được pin.

Bằng thử nghiệm thực tế, iFixit cho thấy khi hiển thị Google Maps trong chế độ night mode, năng lượng cần để vận hành chiếc điện thoại chạy Android thử nghiệm giảm 63%.

Tuyên bố thường thấy #4: Dark mode tăng khả năng tập trung

Khi công bố chế độ ban đêm cho hệ điều hành Mojave, Apple hứa hẹn về một “môi trường làm việc không còn sự sao nhãng và tốt cho mắt”. Nhưng dựa vào đâu để Apple và các công ty có tuyên bố tương tự khác khẳng định như vậy?

Nghiên cứu chứng minh rằng màu nền sáng tốt hơn cho tập trung và hiệu suất công việc”, nhà nghiên cứu Aneesha Singh nói, bên cạnh đó phủ nhận tuyên bố dark mode tốt cho việc tập trung làm việc. Cô Anna Cox cũng có nhận định tương tự, nói rằng cô không biết tới cơ chế não bộ nào cho phép điều đó xảy ra.

Tính chất và nguyên do của việc não bộ mất tập trung sẽ là lời giải thích thỏa đáng: có hai cách để mất tập trung, ảnh hưởng từ bên ngoài như việc điện thoại đổ chuông hay có người gọi tên bạn, ảnh hưởng từ bên trong như việc não bộ tự động … tua lại một khoảnh khắc nào đó đã xảy ra trong cuộc đời bạn.

Dark mode không tốt cho mắt như bạn tưởng đâu, sự thật phức tạp hơn thế nhiều! - Ảnh 3.

Đáng tiếc rằng, việc mất tập trung do môi trường tác động không biết mất nhờ màu sắc màn hình thay đổi, và việc mất tập trung do não bộ gây ra không mất đi khi mắt bạn nhìn vào một hình ảnh tối màu nào đó”, cô Cox nhận định.

Tuy nhiên, vẫn có những lý do ủng hộ được cho khẳng định “dark mode giúp ta tập trung tốt hơn”. Việc màn hình nháy sáng gây ra bởi tần số làm tươi của màn hình có thể gây mất tập trung. Với nghiên cứu của Nilli Lavie, giáo sư tâm lý học với chuyên môn sâu về khả năng tập trung của con người, ta có thể khẳng định “não bộ tự phản ứng với những ánh sáng lập lòe ở môi trường xung quanh, ngay cả khi những hình ảnh đó không hiện hữu rõ ràng.

Một màn hình đen sẽ xóa bỏ hoàn toàn việc nhấp nháy lập lòe, xóa bỏ nguyên nhân gây mất tập trung.

Theo khảo sát của Twitter, ta có bằng chứng cho thấy người dùng sử dụng Twitter nhiều hơn khi bật chế độ ban đêm. Nhưng nhiều khả năng lý do không phải dark mode cho phép ta tập trung tốt hơn, mà khi nằm trên giường trong phòng ngủ đã tắt điện, người dùng Twitter cảm thấy thoải mái hơn.

Trái ngược với tuyên bố “dark mode giúp ta tập trung hơn”, lý do có thể chỉ đơn giản như sau: dark mode sinh ra để ta sử dụng ứng dụng nhiều hơn, hiển nhiên là nhờ đó, doanh nghiệp đứng đằng sau sẽ kiếm được thêm tiền.

Tuyên bố thường thấy #5: Dark mode tốt cho giấc ngủ

Có nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng xanh - thứ ánh sáng vốn phát ra từ màn hình, ảnh hưởng tới giấc ngủ, bởi nó kích thích não bộ của ta tỉnh táo hoạt động, khiến cơ thể khó đạt được giấc ngủ hồi sức. Lại có nghiên cứu nữa hồi năm ngoái nói rằng ánh sáng xanh có thể gây ảnh hưởng tới tế bào mắt , nhưng nghiên cứu này hoàn toàn sai lệch : các nhà khoa học đã không lấy tế bào trực tiếp từ mắt nhưng vẫn đưa ra kết luận khiến công chúng hiểu sai vấn đề.

Ánh sáng từ màn hình LED có thể tạo ra ánh sáng xanh với số lượng lớn, ảnh hưởng tới sản lượng melatonin [hormone điều hòa giấc ngủ] và nhịp sinh học”, giáo sư Singh nói. “Dark mode chuẩn có thể cải thiện được tình trạng trên - nếu như nó hiển thị màu đen mà không cần đèn LED làm sáng nền. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu sâu hơn khi mà mối quan tâm tới vấn đề này ngày một lớn”.

Dark mode chuẩn - True dark mode có thể giảm lượng ánh sáng xanh tới từ màn hình, tuy nhiên ta cũng có thể giảm lượng ánh sáng xanh chỉ bằng cách chuyển sang chế độ nhìn đêm, với khả năng thay thế ánh sáng xanh bằng những thứ ánh sáng thân thiện với melatonin hơn, hoặc đơn giản hơn là chỉnh sửa màu màn hình cho vừa mắt.

Tuy nhiên, có một cách đơn giản vô cùng nhưng không phải ai cũng làm được: hạn chế sử dụng thiết bị điện tử có màn hình 2 tiếng trước khi lên giường đi ngủ.

Theo Dink

Cùng chuyên mục
XEM