Dành cho những người "kì thị" lối sống tối giản: Vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa sống nghèo khó, hạnh phúc không nên đến từ vật chất

28/08/2019 13:05 PM | Sống

Mục tiêu của việc theo đuổi sự tối giản, chính là để tạo ra không gian để những giá trị thực sự của bản thân bạn phát triển.

Nếu như ngày xưa một thương gia muốn bán được hàng họ phải kỳ vọng vào chuyến dạo chơi của chúng ta đến khu chợ hoặc cửa tiệm ven đường, thì ngày hôm nay họ dễ dàng bán được hàng cho chúng ta, chỉ với việc hy vọng chúng ta dính chặt với chiếc điện thoại của mỗi người, càng lâu càng tốt.

Nếu như ngày trước, các nhà quảng cáo chỉ có thể khiến cho bạn xem quảng cáo của họ vào một cung giờ nhất định trên TV, một trang vỏn vẹn trên một tờ tạp chí, hay một cái bảng quảng cáo trên tòa nhà cao nơi góc đường.... Ngày hôm nay, chúng ta tự nguyện xem quảng cáo của họ qua Youtube, livestream Facebook...

Chúng ta ta đang sống rất chặt với chủ nghĩa tiêu dùng. Điều này tốt cho sự phát triển kinh tế, tuy nhiên cũng chính vì lẽ đó, không ai nói nhiều những nỗi bất an đang lan tỏa trong xã hội hiện đại.

Chúng ta ngày càng ham muốn nhiều hơn, các nhà quảng cáo và mạng xã hội không ngừng tạo cho chúng ta những sự khao khát kỳ lạ. Chúng ta muốn những gì người hàng xóm chúng ta sở hữu, và mong muốn những trải nghiệm qua những khung hình của ai đó ta gặp trên Facebook mỗi ngày. Sự ghen tị và khao khát không dừng của chúng ta được nuôi dưỡng một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và hạnh phúc ngày càng khó khăn hơn đối với mỗi người, vì bản thân chúng ta không hướng đến việc đủ, chúng ta hướng đến những gì mình không có. Chúng ta sẽ hạnh phúc với đồng lương của mình khi chúng ta không biết đến thu nhập của những người khác. Một khi ta biết ai đó dễ dàng kiếm nhiều tiền hơn ta, ta lại cảm thấy những gì vốn khiến ta hài lòng lại trở nên thiếu hụt kì lạ.

Hạnh phúc đang ngày càng trở nên xa xỉ hơn trong một thế giới ngập tràn sự xa xỉ, trong khi đó những nỗi lo âu đang dần lan tỏa mạnh mẽ trong làn không khí chúng ta hít thở mỗi ngày. Rất nhiều người trong chúng ta không còn phải lo âu về cái ăn, cái mặc và chiếc tổ, chúng ta lo lắng vì ai đó sở hữu những món đồ mà chúng ta không có. Chúng ta lo sợ phải bỏ lỡ những xu hướng sành điệu nhất của xã hội. Chúng ta không ngừng lo âu về việc bỏ qua những cơ hội, những lựa chọn tốt. Rất nhiều lần vì một lựa chọn rất tốt của ai đó đã khiến chúng ta hầu như không còn bất kỳ sự tự hào nào về những gì chúng ta có trong tay của mình.

Chúng ta đang sống trong một thời đại của quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp, quá nhiều lựa chọn cho những thứ ta cần mua, quá nhiều nhu cầu phát sinh vô cớ và không ai hiểu vì sao chúng ta sở hữu những nhu cầu đó. Chúng ta bối rối, bất an. Chúng ta không hạnh phúc không phải vì không đủ, chúng ta không hạnh phúc vì những thứ người khác sở hữu mà chúng ta thì không. Chúng ta đang trở thành nô lệ của chính những khao khát của mình.

Dành cho những người kì thị lối sống tối giản: Vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa sống nghèo khó, hạnh phúc không nên đến từ vật chất - Ảnh 1.

Đứng trước bối cảnh như vậy, lối sống tối giản giống như một công cụ để lấy lại sự tự do. Thoát khỏi những nỗi sợ. Thoát khỏi những nỗi bất an. Giải phóng chính chúng ta khỏi chiếc nôi ấm áp của chủ nghĩa tiêu dùng được cổ súy quá mức.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu đúng để tránh mắc vào một cái bẫy khác. Vẫn có rất nhiều người đón nhận lối sống tối giản như một phong trào, trong khi đó cũng có một làn sóng chỉ trích nổi lên. Những người đó họ không thực sự hiểu ý nghĩa của lối sống tối giản. Đặc biệt là những người chỉ trích, những gì họ chỉ trích hầu như chỉ phản ánh những phiên bản lỗi của chủ nghĩa tối giản. Họ thậm chí còn không phân biệt được giữa chủ nghĩa tối giản và bất cứ cái gì đó trông giống chủ nghĩa tối giản.

Khi nói đến chủ nghĩa tối giản hầu hết ai cũng nghĩ đến vứt bỏ càng nhiều thứ càng tốt, và sống gò bó bản thân ở mức cao nhất có thể. Nhưng đây chỉ là những cách hiểu không toàn vẹn mà người ta rút ra cảm tính từ cái tên của nó hoặc thấy người khác làm.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu như thế nào là chủ nghĩa tối giản trước khi có thể áp dụng nó để xây dựng lối sống tối giản. Nếu các bạn tìm hiểu về định nghĩa về chủ nghĩa tối giản, bạn sẽ thấy nó bắt nguồn từ nghệ thuật. Và ý nghĩa của nó là tối giản để đưa về những gì thiết yếu nhất của bản chất. Hiểu nôm na điều này khi áp dụng vào cuộc sống, là loại bỏ tất cả những gì thừa thãi để xoay quanh những chức năng và giá trị cốt lõi của cuộc sống. 

Vậy khi bạn loại bỏ những gì thừa thãi, nếu làm đúng, nó không phải là chịu đựng hay gò bó. Đó là tự do. Những giá trị cốt lõi trong cuộc sống của bạn từ đó mà có chỗ để mà thịnh vượng. Như vậy nếu làm đúng, nó hướng đến sự sung túc chứ không phải là nghèo nàn như người ta vẫn nghĩ.

Nhưng rất nhiều trong chúng ta không giỏi trong việc nhận biết điều gì là thực sự thừa thãi và điều gì chỉ trông có vẻ cần thiết. Những gì thừa thãi với người khác lại không phải lúc nào cũng thừa thãi đối với mình. Đó là việc nếu chúng ta chạy theo phong trào, chúng ta sẽ thất bại. Mỗi người chúng ta thực hiện những chức năng và xoay quanh những giá trị không giống nhau xét ở một mức độ nào đó. Đó là lý do, lối sống tối giản có một mức độ linh hoạt khi áp dụng. 

Dành cho những người kì thị lối sống tối giản: Vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa sống nghèo khó, hạnh phúc không nên đến từ vật chất - Ảnh 2.

Để thật sự thành công trong việc dùng chủ nghĩa tối giản để theo đuổi tự do và hạnh phúc, chúng ta phải theo đuổi hai điều mà tôi thấy chúng ta thường không bàn đến:

- Đặt câu hỏi nghiêm túc cho chính mình & tìm kiếm câu trả lời nghiêm túc (thường chúng ta rất bốc đồng và hời hợt)

- Ưu tiên xây dựng trật tự và kỷ luật trước thay vì nghĩ đến số lượng đồ đạc.

Đầu tiên là việc chúng ta phải dành thời gian cho chính mình. Bạn cần hiểu được bản thân của mình: vị trí, trách nhiệm, hướng đi. Nếu bạn không có một cái la bàn cho chính mình, bạn sẽ lao vào bất kỳ hướng nào khi ai đó biết cách kích thích sự bốc đồng của chính bạn. 

Quy mô căn nhà

Thiết bị điện tử

Tủ quần áo, loại quần áo

Phương tiện đi lại

Bạn không thể thiết kế cuộc sống của mình hiệu quả mà không biết rõ các nhu cầu thiết yếu nhất của chính mình. Chúng ta thường đưa ra những quyết định cho những vấn đề trên rất hời hợt, cảm tính… Đó là lý do dù chúng ta có những cuộc sống khác nhau, thậm chí rất khác nhau, nhưng sở hữu những mớ hỗn độn rất giống nhau.

Việc đặt câu hỏi và dành thời gian nghiêm túc sẽ giúp bạn thiết kế cuộc sống của mình hiệu quả, loại bỏ sự thừa thãi mà vẫn giữ lại những gì đáp ứng tốt nhất để phát triển chính cuộc sống của mình theo hướng thịnh vượng.

Một người kinh doanh cần phương tiện giao hàng cho chính mình, khi họ cảm thấy nó thực sự cần thiết và đem lại lợi thế cạnh tranh cho họ thay vì giao cho bên giao hàng thứ ba, họ có thể chi tiền cho chiếc xe máy với động cơ đắt tiền. Tuy nhiên nếu bạn thấy họ sở hữu chiếc xe đó và khao khát có được khi bạn hầu như không có nhu cầu. Có lẽ bạn nên suy nghĩ nghiêm túc lại.

Cá tính và điều kiện của bạn thân của bạn phù hợp để trở thành doanh nhân và anh ta thực sự có thể kiếm rất nhiều tiền với công việc kinh doanh hiện tại của mình. Điều này không có nghĩa là chúng ta cũng phù hợp, và mong muốn sở hữu việc kinh doanh tương tự trong khi chúng ta không thực sự phù hợp là điều thừa thãi.

Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng với việc bản thân ngụy biện cho chính những lựa chọn của mình. Chúng ta thực sự rất giỏi khi tự tạo ra lý do cho chính mình. Chính vì vậy việc áp dụng Chủ nghĩa tối giản hầu như không dễ dàng như chúng ta vẫn nghĩ về. Mục tiêu sau cùng vẫn là giúp những gì cần thiết thực sự với mỗi người được đáp ứng tốt nhất, đồng thời loại bỏ dần những gì không đóng góp giá trị thực sự cuộc sống của chúng ta.

Dành cho những người kì thị lối sống tối giản: Vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa sống nghèo khó, hạnh phúc không nên đến từ vật chất - Ảnh 3.

Việc thứ hai, chúng ta nên tập trung vào thói quen của chúng ta thay vì cắt giảm hay dọn dẹp. Việc bạn dọn dẹp tích cực vào một ngày đẹp trời và kỳ vọng mãnh liệt rằng ngôi nhà sẽ giữ nguyên hiện trạng này sau một thời gian gần như là điều viễn tưởng.

Hồi tôi còn ở Nhật, có một điều tôi rất ấn tượng trong cách sống và làm việc của họ. Họ rất kỷ luật trong việc giữ gìn trật tự. Mọi thứ đều có quy trình và trật tự. Thứ tự của đồ vật là trách nhiệm bạn phải trả lại chính xác trạng thái ban đầu của chúng. Đó là lý do mọi thứ luôn được duy trì trong một trật tự gọn gàng. Điều này có nghĩa:

Chiếc áo khoác của bạn luôn phải treo lên cùng một nơi sau khi dùng. Khi cất vào tủ sau lần giặt thì đúng ngăn và vị trí.

Khi bạn sạc xong điện thì phải cuộn lại và bỏ vào hộp đặt lại vào đúng vị trí của nó trên kệ.

Khi bạn xem TV xong thì chiếc điều khiển TV phải đặt gọn gàng đúng chiều vào vị trí nó thuộc về.

Có lẽ các bạn cảm thấy những chi tiết nhỏ nhặt nhất có lẽ không đáng để soi xét tỉ mỉ như người Nhật, tuy nhiên liên kết tất cả những chi tiết nhỏ mới có thể tạo nên một bức tranh tổng thể trật tự gọn gàng mà chúng ta mong muốn.

Điều này không giống với gò bó. Bạn không thể tìm thấy một sự tự do thực sự nằm ngoài sự kỷ luật nhất định. Việc dễ dãi với chính mình trong nhiều tình huống tạo nên cho chúng ta rắc rối liên tục, và sự tự do thực sự của chúng ta sẽ đánh mất bằng việc dành thời gian để ngụp lặn trong mớ rắc rối mà chúng ta vô tình tạo ra. 

Dành cho những người kì thị lối sống tối giản: Vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa sống nghèo khó, hạnh phúc không nên đến từ vật chất - Ảnh 4.

Mục tiêu của việc theo đuổi sự tối giản, chính là để tạo ra không gian để những giá trị thực sự của bản thân bạn phát triển. Chính vì vậy bạn cũng cần phải hiểu được những giá trị nào của bản thân xứng đáng được theo đuổi. Nếu không sự nhàm chán sẽ lại cám dỗ bạn lao vào những ham muốn không đáng có. 

Nếu bạn muốn theo đuổi lối sống tối giản và tìm thấy hạnh phúc từ nó bạn phải không ngừng suy nghĩ, điều chỉnh để phù hợp và phát triển. Bản thân tôi, lối sống tối giản đúng đắn đáng được khuyến khích. Với những ai muốn chỉ trích lối sống tối giản, họ phải hiểu đúng trước đã, trước khi họ đặt bút viết. Vì nếu không họ chỉ chứng minh sự hời hợt trong hiểu biết của mình.

Sam Vo

Cùng chuyên mục
XEM