Dành cho các sếp và người sắp lên "sếp": Làm thế nào để biết mình có tiềm năng của một nhà lãnh đạo hay nhà quản lý?
Quản lý có thể được định nghĩa là việc đạt được các mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát các nguồn lực. Vậy, đâu là điểm khác biệt giữa quá trình lãnh đạo và quản lý?
Cung cấp định hướng
Cả lãnh đạo và quản lý đều quan tâm đến việc đưa ra định hướng cho tổ chức, nhưng có những điểm khác biệt nhất định. Trong khi quản lý yêu cầu phải theo dõi điểm mấu chốt và kết quả ngắn hạn, thì lãnh đạo có nghĩa là để mắt đến chân trời và tương lai dài hạn.
Nhà quản lý tập trung vào việc thiết lập các kế hoạch và lịch trình chi tiết để đạt được các kết quả cụ thể, sau đó phân bổ các nguồn lực để hoàn thành kế hoạch. Vì vậy, công việc của quản lý là tổ chức một cấu trúc hoàn chỉnh; cơ cấu với nhân viên; ban hành các quy định, chính sách và hệ thống để chỉ đạo nhân viên, đồng thời, giám sát việc thực hiện theo đúng kế hoạch.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo kêu gọi tạo ra một tầm nhìn hấp dẫn về tương lai, thiết lập các bối cảnh để xem xét những thách thức và cơ hội, đồng thời phát triển các chiến lược dài hạn để tạo ra những thay đổi cần thiết giúp đạt được tầm nhìn. Lãnh đạo quan tâm đến việc truyền đạt tầm nhìn và phát triển văn hóa công ty, tập hợp các giá trị cốt lõi có thể dẫn đến trạng thái mong muốn trong tương lai. Trong khi tầm nhìn mô tả điểm đến, văn hóa và các giá trị giúp xác định hành trình hướng tới nó để mọi người đồng lòng cùng phát triển.
Nhà quản lý thiết lập các quy tắc và đảm bảo nguồn lực đển hoàn thành đúng kế hoạch
Xây dựng các mối quan hệ
Về mối quan hệ, quản lý tập trung vào việc khai thác được nhiều tiềm năng và hiệu quả nhất từ nhân viên để đạt được mục tiêu sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo cung cấp kịp thời cho khách hàng.
Mặt khác, lãnh đạo tập trung đầu tư nhiều hơn vào con người để họ được tiếp thêm năng lượng và cảm hứng để hoàn thành các mục tiêu. Đồng thời, lãnh đạo cung cấp các cơ hội học tập để mọi người có thể mở rộng tâm trí và khả năng của mình, chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.
Trong khi mối quan hệ quản lý dựa trên vị trí và quyền hạn chính thức, thì lãnh đạo là mối quan hệ dựa trên ảnh hưởng và sự tin tưởng cá nhân. Ví dụ, trong mối quan hệ quyền hạn, người quản lý có thể yêu cầu cấp dưới đi làm lúc 8:00 sáng hoặc trừ lương. Mặt khác, người lãnh đạo có thể thể là hình mẫu bằng cách đến công ty sớm hoặc ra về sau cùng cho nhân viên tự noi theo.
Nguồn quyền lực khác nhau là một trong những điểm khác biệt chính giữa quản lý và lãnh đạo. Lãnh đạo dựa vào ảnh hưởng, ít khi sử dụng sự ép buộc. Vai trò của lãnh đạo là thu hút và tiếp thêm sinh lực cho mọi người, thúc đẩy họ thông qua mục đích và các thử thách hơn là phần thưởng hay hình phạt.
Phát triển phẩm chất lãnh đạo cá nhân
Lãnh đạo không chỉ là một tập hợp các kỹ năng, mà nó còn dựa trên một số phẩm chất cá nhân tinh tế khó nhận thấy nhưng rất mạnh mẽ. Chúng bao gồm những điều như nhiệt tình, chính trực, can đảm và khiêm tốn.
Lãnh đạo không chỉ dựa vào kỹ năng mà còn là các phẩm chất cá nhân
Trước hết, khả năng lãnh đạo tốt bắt nguồn từ sự quan tâm thực sự đến công việc và quan tâm thực sự đến người khác. Quá trình quản lý thường khuyến khích có khoảng cách tình cảm, nhưng lãnh đạo có nghĩa là kết nối cảm xúc với những người khác. Trong khi quản lý có nghĩa là cung cấp câu trả lời và giải quyết vấn đề, lãnh đạo đòi hỏi sự can đảm để thừa nhận sai lầm và nghi ngờ, lắng nghe, tin tưởng và học hỏi từ những người khác.
Để phát triển các phẩm chất và khả năng lãnh đạo, các nhà lãnh đạo có thể phải trải qua một hành trình tự khám phá bản thân. Các chuyên gia về lãnh đạo đồng ý rằng đặc điểm hàng đầu của các nhà lãnh đạo hiệu quả là họ biết mình là ai và đại diện cho điều gì. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo có can đảm để hành động dựa trên niềm tin của họ.
Các nhà lãnh đạo chân chính có xu hướng tư duy cởi mở, chào đón những ý tưởng mới hơn là tư duy khép kín, chỉ trích những ý tưởng mới. Các nhà lãnh đạo lắng nghe và nhận biết những gì mọi người muốn và cần, nhiều hơn những gì họ nói để đưa ra lời khuyên và mệnh lệnh. Các nhà lãnh đạo sẵn sàng trở thành người không phù hợp, không đồng ý và nói không khi điều đó phục vụ một lợi ích lớn hơn, họ chấp nhận sự khác biệt từ những người khác nhau thay vì cố gắng ép mọi người vào cùng một suy nghĩ.
Tạo ra kết quả
Sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo là tạo ra hai kết quả khác nhau. Quản lý duy trì mức độ ổn định, khả năng dự đoán và trật tự thông qua văn hóa hiệu quả. Mặt khác, lãnh đạo tạo ra sự thay đổi, thường là thay đổi triệt để trong văn hóa tổ chức, giúp tổ chức phát triển mạnh mẽ, lâu dài bằng cách thúc đẩy sự cởi mở và trung thực, các mối quan hệ tích cực và sự đổi mới lâu dài.
Khả năng lãnh đạo tạo điều kiện cho sự can đảm cần thiết để đưa ra những quyết định khó khăn và không theo bất kỳ quy luật nào, thậm chí đôi khi có thể ảnh hưởng đến kết quả ngắn hạn.
Làm thế nào để biết mình có tiềm năng của một nhà lãnh đạo hay nhà quản lý?
Bạn có thể đánh giá tiềm năng của chính mình bằng cách hoàn thành bài kiểm tra nhỏ phía dưới. Bài kiểm tra này dựa theo các cuốn sách Leading Change (của John P. Kotter), Leadership for the Twenty-first Century (của Joseph C. Rost) và The New Non-Manager Managers (của Brian Dumaine).
Hầu hết sai | Hầu hết đúng | |
1. Khi tôi có một số nhiệm vụ hoặc công việc phải làm, tôi đặt thứ tự ưu tiên và sắp xếp công việc để đáp ứng đúng thời hạn. | ||
2. Khi tôi vướng vào một cuộc bất đồng nghiêm trọng, tôi sẽ ngồi lại và nói chuyện cho đến khi nó được giải quyết hoàn toàn. | ||
3. Tôi thà ngồi trước máy tính còn hơn dành nhiều thời gian cho mọi người. | ||
4. Tôi liên hệ trao đổi với mọi người trong các hoạt động hoặc khi có các cuộc thảo luận. | ||
5. Tôi biết tầm nhìn dài hạn của mình cho sự nghiệp, gia đình và các hoạt động khác. | ||
6. Khi giải quyết vấn đề, tôi thích tự mình phân tích sự việc hơn là làm việc với một nhóm người. | ||
7. Tôi sẽ giúp cấp dưới làm rõ mục tiêu và cách đạt được mục tiêu đó. | ||
8. Tôi sẽ mang đến cho mọi người cảm giác về sứ mệnh lâu dài và mục đích cao cả hơn. | ||
9. Tôi sẽ đảm bảo công việc hoàn thành đúng thời gian. | ||
10. Tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội sản phẩm hoặc dịch vụ mới. | ||
11. Tôi sẽ ghi công cho những người làm tốt công việc của họ. | ||
12. Tôi sẽ thúc đẩy những niềm tin và giá trị độc đáo. | ||
13. Tôi sẽ thiết lập các quy trình, thủ tục để giúp bộ phận hoạt động trơn tru. | ||
14. Tôi sẽ thể hiện bằng lời nói những giá trị cao hơn mà tôi và tổ chức đại diện cho. |
Chấm điểm và diễn giải
Đếm số câu trả lời Hầu hết Đúng cho các câu hỏi được đánh số chẵn: …
Đếm số câu trả lời Hầu hết Đúng cho các câu hỏi được đánh số lẻ: …
Các mục được đánh số chẵn thể hiện các hành vi và hoạt động đặc trưng của lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo tham gia vào việc định hình các ý tưởng, giá trị, tầm nhìn và sự thay đổi. Họ thường sử dụng cách tiếp cận trực quan để phát triển những ý tưởng mới và tìm kiếm hướng đi mới cho bộ phận hoặc tổ chức. Các mục được đánh số lẻ được coi là thiên về hoạt động quản lý truyền thống hơn. Các nhà quản lý phản ứng với các vấn đề của tổ chức theo cách phi cá nhân, đưa ra các quyết định hợp lý và làm việc vì sự ổn định, hiệu quả.
Nếu bạn trả lời Hầu hết Đúng ở nhiều mục có số chẵn hơn mục có số lẻ, bạn có thể có tố chất lãnh đạo tiềm năng. Ngược lại, bạn có thể có tố chất quản lý.
Nhà quản lý và nhà lãnh đạo vốn dĩ không phải lúc nào cũng có sự tách biệt cụ thể. Có những nhà quản lý (ở tất cả các cấp bậc) cũng là những nhà lãnh đạo giỏi, và nhiều người có thể phát triển những phẩm chất cần thiết để lãnh đạo và quản lý hiệu quả. Phẩm chất quản lý là nền tảng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo mới vì trước tiên tổ chức phải hoạt động hiệu quả. Khi đó, phẩm chất lãnh đạo mới có thể nâng cao hiệu suất. Cả hai nhóm phẩm chất đều có thể được phát triển hoặc cải thiện nhờ vào nhận thức và kinh nghiệm.
Quản lý và lãnh đạo đều cần thiết trong các tổ chức và phải được tích hợp một cách hiệu quả để dẫn đến nâng cao hiệu suất. Nghĩa là, lãnh đạo không thể thay thế quản lý; cả hai phải song hành với nhau.