Đằng sau quyết định cắt sản lượng của Ả Rập Xê Út cùng OPEC+: Muốn đưa giá dầu lên 100 USD/thùng, cần tiền để tài trợ cho dự án 7 nghìn tỷ USD?

04/04/2023 13:39 PM | Kinh doanh

Theo các nhà phân tích và nguồn tin thân cận, quyết định cắt sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út nhằm mục đích có thêm doanh thu từ dầu để tài trợ cho các siêu dự án.

Đằng sau quyết định cắt sản lượng của Ả Rập Xê Út cùng OPEC+: Muốn đưa giá dầu lên 100 USD/thùng, cần tiền để tài trợ cho dự án 7 nghìn tỷ USD? - Ảnh 1.

Việc Ả Rập Xê Út và các đồng minh bất ngờ cắt giảm sản lượng dầu là động thái cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman sẵn sàng gạt bỏ những mối lo ngại của Mỹ để thực hiện mục tiêu cải tổ cho vương quốc của mình.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã nói riêng với các nhà phân tích trong ngành rằng quốc này sẽ chấp nhạn giá dầu trượt xuống khoảng 65 USD hoặc 70 USD/thùng. Song, OPEC+ lại đưa ra một quyết định đầy bất ngờ vào cuối tuần trước rằng sẽ cắt giảm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng tới, ở các địa điểm khai thác như Ả Rập Xê Út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Algeria, Oman và Kazakhstan.

Giá dầu thô Brent đang trong xu hướng giảm kể từ cuối năm ngoái, do mối lo ngại về suy thoái toàn cầu, giao dịch ở mức 70 USD vào tháng trước. Nhưng sau động thái của OPEC+, giá dầu Brent tăng mạnh nhất 1 ngày trong hơn 1 năm qua, tăng 6,3% lên 84,93 USD/thùng.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 6 tháng, Ả Rập đã bỏ qua những mối lo ngại của Mỹ về việc giá dầu tăng cao sẽ là yếu tố thuận lợi đối với Nga.

Quyết định cắt giảm sản lượng mới đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy Ả Rập sẵn sàng làm những gì cần thiết để duy trì giá dầu ở mức có lợi cho họ. Thái tử Mohammed đang thực hiện chính sách kinh tế gọi là “Saudi First”, nhằm ưu tiên lợi ích cho quốc gia này.

Đằng sau quyết định cắt sản lượng của Ả Rập Xê Út cùng OPEC+: Muốn đưa giá dầu lên 100 USD/thùng, cần tiền để tài trợ cho dự án 7 nghìn tỷ USD? - Ảnh 2.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman.

Các quan chức và nguồn tin thân cận với chính sách dầu mỏ của Ả Rập nhận định rằng động thái của quốc gia này là điều không có gì ngạc nhiên, vì họ cần tiền để chi trả cho các dự án xây dựng lớn, tốn kém ở trong nước, còn được gọi là gigaproject. Các dự án này bao gồm một khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ có diện tích bằng cả nước Bỉ, có các khách sạn được xây dựng trên mặt nước và thành phố công nghệ cao trên sa mạc, lớn gấp 33 lần thành phố New York.

Farouk Soussa, chuyên gia kinh tế về Trung Đông và Bắc Phi tại Goldman Sachs, cho biết Ả Rập thường ít đặt lợi ích kinh tế của mình nhằm hỗ trợ Mỹ, không giống với trước đây. Ông nói: “Quốc gia này phải đề phòng các kịch bản không mấy khả quan như suy thoái kinh tế toàn cầu và những tác động với nhu cầu năng lượng – yếu tố có thể khiến giá dầu giảm xuống dưới mức trung bình hàng năm là 80 USD/thùng."

Thái tử Mohammed đang trong quá trình thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng, sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để chuyển đổi nền kinh tế và tái thiết cảnh quan tự nhiên. Khi giá dầu đạt 100 USD/thùng vào năm ngoái, quốc gia này đã càng tăng tốc với nỗ lực trên, được tài trợ phần lớn bởi quỹ đầu tư trị giá 650 tỷ USD.

Đằng sau quyết định cắt sản lượng của Ả Rập Xê Út cùng OPEC+: Muốn đưa giá dầu lên 100 USD/thùng, cần tiền để tài trợ cho dự án 7 nghìn tỷ USD? - Ảnh 3.

Trong những tháng gần đây, các cố vấn kinh tế của Ả Rập đã cảnh báo với các nhà hoạch định chính sách cấp cao rằng, quốc gia này cần tăng giá dầu trong 5 năm tới để chi hàng chục tỷ USD cho các dự án trên – vốn có ít vốn đầu tư nước ngoài.

Trước khi thông báo cắt giảm sản lượng vào tháng 10 năm ngoái, giới chức Ả Rập cho biết các số liệu kinh tế đang khiến chính phủ cần giá dầu thô Brent lên tới 90-100 USD/thùng, tức là vượt mức 75-80 USD mà nước này đang nhắm đến. Với khoảng 450 tỷ USD dự trữ ngoại hối và trữ lượng dầu lớn thứ 2 thế giới, Ả Rập Xê Út vẫn là một quốc gia rất giàu có. Tuy nhiên, Thái tử Mohammed lại lo ngại khi Bộ trưởng Năng lượng cảnh báo rằng giá dầu có thể rớt xuống mức 50 USD, gây khó khăn cho các kế hoạch chi tiêu hào phóng của nước này, giới chức Ả Rập tiết lộ.

Hoàng tử Abdulaziz từng thông báo rằng chính phủ Ả Rập tập trung vào việc thực hiện chương trình nghị sự của Thái tử, được gọi chung là “Tầm nhìn 2030”, bao gồm các dự án xây dựng quy mô lớn được thiết kế để tạo ra các ngành như du lịch và giải trí ở nước này.

Sau động thái mới của OPEC+, những căng thẳng chính trị vốn có của Riyadh với Washington có thể sẽ leo thang hơn nữa. Trong hơn 1 năm qua, Mỹ tìm cách trừng phạt Nga, khiến doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu của nước này sụt giảm thông qua việc áp giá trần. Tuy nhiên, những động thái của OPEC và một nhóm các nhà sản xuất của Nga đã khiến giá dầu thô tăng trong phần lớn năm 2022.

Bjarne Schieldrop – giám đốc phân tích ngành hàng hóa tại ngân hàng hàng hóa SEB, cho biết quyết định cắt giảm sản lượng mới đây có thể gây ra một số trở ngại cho nền kinh tế toàn cầu và khiến nguồn cung của thị trường dầu mỏ sụt giảm, giúp Nga có thể duy trì được mức giá dầu thô.

Tham khảo WSJ; Arab News

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM