"Đằng sau những gì chúng ta nghe ông Obama nói là một bộ máy truyền thông được vận hành hoàn hảo"

26/05/2016 14:28 PM | Kinh doanh

Sau sự kiện này, người làm truyền thông có thể rút ra được những bài học về cách làm thương hiệu rất hiệu quả.

Sau chuyến thăm 3 ngày tới Việt Nam của Tổng thống Obama, hình ảnh về ông chủ Nhà trắng giản dị, hòa đồng và sâu sắc đã ghi đậm dấu ấn.

Trên khắp các trang báo, mạng xã hội Facebook, câu chuyện về vị Tổng thống đương nhiệm nước Mỹ tràn ngập. Thậm chí, những băng rôn chào đón ông vẫn treo tại các hàng ăn bún chả, quán trà đá vỉa hè…

Thế nhưng, đằng sau những hình ảnh, chi tiết tưởng chừng như tự nhiên ấy là cả một hệ thống sắp đặt, dàn dựng chặt chẽ, chuyên nghiệp và tinh xảo của bộ máy truyền thông Obama.

Tại cuộc trao đổi trực tuyến Cafef về chủ đề “Làm thương hiệu theo phong cách Obama”, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group cho rằng, việc phối hợp với chính quyền địa phương, các nơi đến thăm của Tổng thống Obama đều là có sự hợp tác chặt chẽ và dàn xếp. Thậm chí, từng câu nói, hoạt động đều được tính toán chi tiết từ trước chứ không phải mọi thứ là ngẫu nhiên.

Ông lấy ví dụ, khi mọi người nhìn trước tivi và thấy tổng thống Obama diễn thuyết cực kỳ tự nhiên, như mọi thứ nằm sẵn trong đầu, không cần giấy tờ gì mà vẫn có Kiều, có Sông núi nước Nam vua Nam ở….

Nhưng thực tế, bài diễn văn ấy đã được chuẩn bị kỹ từ trước và có cả phần chữ chạy màn hình trước mặt khi ông diễn thuyết.

"Đằng sau những gì các bạn thấy là bộ máy truyền thông của Tổng thống. Nó được vận hành một cách hoàn hảo. Nói đúng ra là bộ máy này đã có chiến lược đúng và vận hành rất tốt trong cả 2 nhiệm kỳ Obama làm Tổng thống. Vì thế, khi ông sang Việt Nam, kết quả đặc biệt xuất sắc", ông Vinh cho hay.

Chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho một vị nguyên thủ quốc gia cần căn cứ vào tính cách, đời sống cá nhân và sự nghiệp trong quá khứ của họ.

Obama là một hình mẫu đặc biệt bởi ông là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ. Với hình ảnh thân thiện, hòa đồng và ga lăng của một người đàn ông có cuộc sống hạnh phúc, thành đạt, bộ máy đã xây dựng chiến lược truyền thông theo xu hướng này.


Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, từng câu nói, hoạt động đều được tính toán chi tiết từ trước chứ không phải mọi thứ là ngẫu nhiên. Ảnh: M.Lan.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, từng câu nói, hoạt động đều được tính toán chi tiết từ trước chứ không phải mọi thứ là ngẫu nhiên. Ảnh: M.Lan.

Và như những gì diễn ra trong 3 ngày qua, hình ảnh Obama được nhớ đến là việc ông đi ăn bún chả, chụp ảnh chung với mọi người trong quán, bắt tay với người dân khi rời đi, ghé vào quán trà đá ven đường…

Trong khi đó, nếu là Tổng thống Bush, chiến lược truyền thông sẽ phải dựa trên tính cách cứng rắn vốn có của ông. Và với Tổng thống Bill Clinton có thể sẽ là sự hào hoa...

Sau sự kiện này, có thể rút ra được những bài học về cách làm thương hiệu rất hiệu quả.

Theo Chủ tịch Le Group, nếu là thương hiệu cá nhân, thì có thể cho rằng, sự thân thiện, gần gũi luôn luôn tạo ra tình cảm tích cực rất lớn.

Obama đến Hà Nội 2 ngày nhưng chiếm trọn tình cảm người dân không phải do ông là Tổng thống Mỹ mà còn bởi cách ứng xử của ông khi ở đây và vì cả quá trình xây dựng hình ảnh được mọi người biết đến từ trước đó.

Theo như hầu hết hình dung của mọi người, Tổng thống Mỹ sẽ được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt và rất ít người được tới gần, thậm chí có thể bị bắn nếu có hành động khả nghi. Thế nhưng, thực tế, mọi người đều có thể bắt tay, ngồi ăn, chụp ảnh chung với ông miễn là khi có cơ hội.

"Điều này xóa nhòa đi khoảng cách của người đàn ông quyền lực nhất thế giới và những người dân Việt Nam bình thường. Sự thân thiện và tin cậy được xây dựng trong một thời gian cực ngắn như vậy là rất khó nhưng Obama đã làm được và rất thành công", ông Vinh cho hay.

Còn với các thương hiệu thương mại, bài học để lấy được niềm tin của khách hàng cũng là sự chân thành. Nếu một thương hiệu được xây dựng bằng sự gần gũi người tiêu dùng, hướng tới những giá trị cơ bản được chia sẻ chung thì nó sẽ làm cho người ta không thấy khoảng cách nữa.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM